Hùng Dũng bị gãy chân, VĐV chơi bóng đá 'phủi' cần lưu ý gì tránh chấn thương

24/03/2021 19:25 PM | Xã hội

Bóng đá là môn thể thao đối kháng có tỷ lệ chấn thương tương đối cao. Sau cú vào bóng ác ý của đối phương khiến cầu thủ Hùng Dũng bị gãy chân, các VĐV chơi bóng phủi cần lưu ý gì?

Cầu thủ Hùng Dũng (áo xanh) bị gãy chân.
Cầu thủ Hùng Dũng (áo xanh) bị gãy chân.

Ở Việt Nam, bóng đá có thể được xem như một môn thể thao thu hút nhiều người. Sự yêu thích không chỉ dành cho những cầu thủ chuyên nghiệp mà bộ môn này cũng thu hút nhiều người chơi. Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù với cường độ vận động cao, tính đối kháng và thường xuyên phải va chạm, tranh chấp nên đây cũng là một môn thể thao tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, đối với vận động viên chuyên nghiệp việc tập luyện bài bản từ sân bãi đảm bảo chất lượng, giày dép đủ tiêu chuẩn, phòng hộ cá nhân cũng được đảm bảo theo quy định, kỹ thuật chiến thuật cá nhân cũng được đào tạo, rèn luyện đặc biệt đạo đức thi đấu cũng phải thực hiện theo quy định… nên hạn chế những chấn thương.

Tuy nhiên, đối với VĐV nghiệp dư, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho rằng “không theo quy tắc nào cả”, từ sân bãi, dụng cụ phòng hộ, giày, kỹ thuật, chiến thuật không đạt chuẩn cho đến “đạo đức thi đấu cũng không”.

Do đó, VĐV nghiệp dư rất dễ gặp những xung đột về tâm lý, về thể chất đôi khi đỉnh điểm là đánh nhau. Và lẽ đương nhiên, chấn thương là điều rất dễ xảy ra với các cầu thủ bóng đá không chuyên.

Chấn thương chủ yếu đối với các VĐV bóng đá nói chung và không chuyên nói riêng thường tập trung ở vùng chi dưới, cổ chân, gối, cột sống lưng, khớp tay, khớp vai… Trong đó, đầu tiên phải kể đến là những chấn thương gân, cơ, xương khớp đối với các VĐV không chuyên do không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện (giày, sân bãi, dụng cụ, bóng... không phù hợp), kỹ thuật cá nhân không tốt…

“Bóng đá phong trào thường chơi ở sân cỏ nhân tạo, mặt sân này dễ gây chấn thương hơn so với sân cỏ tự nhiên. Đặc biệt, ở những vị trí tranh chấp, điều khiển và dốc bóng thường có nguy cơ cao bị chấn thương cơ đùi. Cấp độ nhẹ nhất của chấn thương cơ là căng cơ, đây là tình trạng các thớ cơ bị căng giãn đột ngột, mức căng vượt quá sức chịu đựng của cơ, loại chấn thương này có thể hồi phục sau khoảng vài ngày nghỉ ngơi”, PGS. TS.BS Võ Tường Kha cho biết.

Trường hợp nặng hơn, cầu thủ có thể bị rách bao cơ, kèm đứt các mạch máu và dẫn đến tụ máu, ở ngay phía dưới chỗ bị đứt sẽ thấy xuất hiện thâm tím. Nghiêm trọng nhất là trường hợp một số sợi cơ, nhóm cơ hay thậm chí là cả khối cơ bị đứt rời sẽ gây tụ máu rất lớn, đau dữ dội và nhiều trường hợp cần phải mổ để nối lại cơ đã bị đứt, thường mất đến nhiều tháng trời để có thể phục hồi.

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam kể lại, ông từng tiếp nhận một vài trường hợp đột tử ngay trên sân cỏ mà có trường hợp là ăn mừng chiến thằng bằng cú santo lộn vòng thay vì đứng lên được thì cầu thủ lại cắm đầu xuống đất và tử vong. Lại có trường hợp khác bị bóng đập trúng ngực, hay có trường hợp cả hai VĐV đều lao lên đánh đầu. Bóng không dính nhưng trúng đầu nhau cũng khiến chấn thương nặng…

“Năm 2019, Bệnh viện tiếp nhận trường hợp đột tử trên sân cỏ do có tiền sử bệnh tim mạch. Tùy theo thể trạng cũng như các yếu tố di truyền, trong cơ thể của chúng ta có thể tiềm ẩn một số bệnh lý, đặc biệt là bệnh về tim mạch sẽ chỉ phát sinh khi cơ thể đạt công suất tối đa.

Do đó, trước khi có ý định tham gia các môn thể thao người dân nên thăm khám tại các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe, cũng như bệnh lý tiềm tàng, để lựa chọn được môn thể thao phù hợp, cũng như có biện pháp phòng ngừa rủi ro cho bản thân” – TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo.

Ngoài ra, khi tham giá đá bóng, các cầu thủ không chuyên cần lưu ý lựa chọn sân bãi phải đảm bảo (tránh trơn, trượt té ngã); dụng cụ thi đấu, kỹ thuật chuẩn; kỹ chiến thuật phải tuân theo hướng dẫn của HLV; đặc biệt là đạo đức thi đấu cần phải tôn trọng đối thủ…

“Không thể có chuyện đá bóng mà như đấu võ, đá bóng mà như đấu vật”, PGS. TS Võ Tường Kha nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng không đến mức phải “mặc áo giáp” (sử dụng phòng hộ) để chơi bóng đá nhưng cần phải đảm bảo các điều kiện trên. Trong trường hợp có các dấu hiệu, nguy cơ chấn thương, va chạm thì nên có dụng cụ bảo hộ ở vùng gối, ống quyển.

Đặc biệt, PGS. TS. BS Võ Tường Kha cũng lưu ý, những  bệnh lý phát sinh trong quá trình luyện tập thể dục, thể thao dù là vận động viên chuyên nghiệp hay nghiệp dư nên đến bệnh viện chuyên sâu có đầy đủ các chuyên khoa như cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch, thể lực, dinh dưỡng… với nhiều chuyên gia kinh nghiệm để được khám, tư vấn điều trị, phục hồi chức năng chính xác, kịp thời.

N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM