Huawei đang bị điều tra về các cáo buộc ăn trộm công nghệ và bí mật thương mại tại Mỹ
Các cáo buộc này có thể khiến Huawei phải gánh chịu sự trừng phạt như ZTE từng gặp phải khi bị cấm mua các linh kiện công nghệ của Mỹ.
Theo tạp chí Wall Street Journal, các công tố viên liên bang Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei vì các cáo buộc ăn trộm các bí mật thương mại và chiếm dụng trái phép công nghệ từ các đối tác Mỹ, bao gồm T-Mobile.
Theo WSJ, cuộc điều tra này đang ở giai đoạn cuối và đã phát sinh một số vụ kiện dân sự nhắm vào Huawei. Bản cáo trạng sẽ sớm được đưa ra.
Một trong những đơn kiện dân sự này được T-Mobile đệ trình lên. Năm 2017, một bồi thẩm đoàn tại Seattle đã phát hiện ra việc Huawei sử dụng sai công nghệ nền tảng cho robot kiểm tra smartphone của T-Mobile "Tappy". Vào cuối cuộc chiến pháp lý, Huawei cho biết "công ty tiếp tục tin vào giá trị trong lời biện hộ của mình trước các cáo buộc của T-Mobile" và từ chối phán quyết của tòa án.
Vào tháng 11 năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra sáng kiến mới nhằm ngăn chặn hoạt động gián điệp và ăn trộm tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Bộ này cho biết, họ sẽ phối hợp với FBI để ngăn chặn hoạt động ăn trộm các bí mật thương mại và sẽ thực hiện các hành động dân sự để ngăn chặn việc xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào đến từ Trung Quốc nhưng được tạo ra từ các thiết kế của Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Huawei trong hơn một năm qua. Hành động ngày hôm nay sẽ gây thêm áp lực khi một nhóm các nhà lập pháp của lưỡng đảng cho biết sẽ áp dụng các hình phạt khắc nghiệt vào Huawei, tương tự như với hãng ZTE trước đây. Nếu được phê duyệt, dự luật này sẽ cho phép cấm xuất khẩu linh kiện Mỹ cho các công ty Trung Quốc đã vi phạm lệnh trừng phạt hoặc luật xuất khẩu của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một người đồng ủng hộ cho dự luật trên cho biết trong thông cáo báo chí: "Huawei là một bộ phận thu thập thông tin tình báo tích cực của Trung Quốc, với nhà sáng lập và là CEO từng là kỹ sư trong Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Chúng ta phải đưa ra hành động khẩn cấp để bảo vệ lợi ích của Mỹ và thực thi pháp luật của chúng ta."
Ông cho biết thêm: "Nếu các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei vi phạm luật trừng phạt hoặc luật kiểm soát xuất khẩu của chúng ta, họ sẽ không nhận được gì khác ngoài hình phạt nặng nề - điều sẽ được lệnh cấm xuất khẩu này mang lại."
Huawei đã nỗ lực phủ nhận các cáo buộc nhắm vào mình, khi cho rằng công ty không cộng tác với chính phủ Trung Quốc và không phải là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Tháng trước, các nhà chức trách tại Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei và là con gái của chủ tịch công ty, theo yêu cầu từ chính quyền Mỹ. Theo cáo buộc, bà Mạnh đã lừa dối các ngân hàng về mối quan hệ giữa Huawei và Iran, điều vi phạm lệnh cấm trừng phạt của Mỹ.