Hơn nửa bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc, vật tư tiêu hao
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đang thiếu thuốc, trong đó phổ biến là thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, điều trị sốt xuất huyết...
Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho thấy tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc điều trị - Ảnh minh hoạ
Cụ thể, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất;14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...
Ngoài ra, còn 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động, hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Cùng đó, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Phẫu thuật điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Bên cạnh đó, còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.
Cũng theo Bộ Y tế, một nguyên nhân nữa là các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.
Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Với quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.
Trong dự thảo, Bộ cũng đề nghị làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào, quy định về rà soát, công bố giá thuốc kê khai…
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh nội dung liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho rằng một phần nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan đến vướng mắc về chính sách, quy định.
"Chẳng hạn quy định giá kế hoạch tham khảo giá trúng thầu trong trong 12 tháng qua, tuy nhiên, nhiều mặt hàng không có giá tham khảo. Bộ Y tế cần đàm phán để có giá hướng dẫn cho các bệnh viện với các trường hợp không có giá kế hoạch. Hoặc yêu cầu giá kế hoạch thấp hơn giá trúng thầu, tuy nhiên, giá một số mặt hàng không có nhà thầu do giá thực tế tăng, trong khi giá kỹ thuật thì yêu cầu phải giảm thấp"- lãnh đạo bệnh viện này chia sẻ.