Hôn nhân tan vỡ, gà trống nuôi 3 con, người đàn ông này đã vươn lên thành “Vua bánh mì” Sài Thành, được cả KFC, Lotteria lẫn Starbucks và The Coffee Beans bắt tay hợp tác
"15 năm trước, tôi rớt nước mắt từ bỏ thương hiệu, y hệt người ta bỏ đứa con của mình. Tôi trở về con số 0. Nhưng 3 đứa con đều theo cha hết. Có thể tới 95% trong các cuộc ly dị, con cái sẽ theo mẹ nhưng tôi nằm trong 5% còn lại"
Với người Sài Gòn sinh sống khoảng những năm 1990, Đức Phát là thương hiệu không ai không biết. Hơn 10 cửa hàng của doanh nhân gốc Hoa Kao Siêu Lực là nơi cho ra đời những mẻ bánh bông lan, bánh mỳ hay bánh dừa lưới tuyệt phẩm một thời.
Sự phối hợp ăn ý giữa Kao Siêu Lực và vợ ông, một người tập trung lo hoạt động sản xuất, một người kiểm soát tài chính nội bộ, đẩy Đức Phát đi xa hơn nữa. Chỉ có điều chặng đường ấy đã kết thúc vào năm 2005, khi hai người ra tòa ly dị. Ông Lực mất thương hiệu Đức Phát nhưng may mắn vẫn còn 3 người con làm chỗ dựa tinh thần.
"15 năm trước, tôi rớt nước mắt từ bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta bỏ đứa con của mình. Tôi trở về con số 0. Nhưng 3 đứa con đều theo cha hết. Có thể tới 95% trong các cuộc ly dị, con cái sẽ theo mẹ nhưng tôi nằm trong 5% còn lại", ông Kao Siêu Lực chia sẻ tại buổi gặp mặt của Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức cách đây không lâu.
Lấy con cái làm động lực, ông đứng lên gây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với tên gọi ABC, viết tắt từ Asia Bakery Confectionery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu). Hình ảnh 3 chữ cái viết xéo, màu sắc sặc sỡ dễ cuốn hút đối tượng khách hàng nhỏ tuổi, nhưng quan trọng hơn, đây cũng là chữ cái ghép từ tên tiếng Anh của ba người con: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).
"15 năm trước đây, người ta đâu biết ABC là cái gì, hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi phải cho bản thân một động lực, một tay tôi đưa Đức Phát lên thì giờ cũng đưa ABC lên được", ông Lực nhớ lại.
Doanh nhân Kao Siêu Lực cùng các con.
Khởi nghiệp lần thứ hai với 400 USD, 10 cửa hàng và một xưởng sản xuất nằm ở vị trí không thuận lợi, Kao Siêu Lực gặp vô vàn khó khăn nhưng khó khăn nhất là về vốn. Hai năm đầu, ông thậm chí đã từng thế chấp tài sản để có tiền mua nguyên liệu, đồng thời nhập thêm máy móc hiện đại về sản xuất. Bởi ông xác định "phải lấy chất lượng làm đầu, có thương hiệu xong xuôi mà không có chất lượng thì cũng thất bại".
Từng bước, từng bước, Kao Siêu Lực dần tìm lại hào quang một thời. Mùa trung thu năm 2007, ABC hợp tác với Walt Disney, in hình những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của hãng này lên từng chiếc bánh. Kết quả là hơn 400.000 bánh Trung thu ABC được bán hết sạch.
Khoảng 2008, 2009 khi các thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam, họ đều tin tưởng chọn ABC làm đối tác nhờ yếu tố chất lượng đảm bảo và sự ấn tượng trước hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại. Kao Siêu Lực chia sẻ đầy tự hào rằng thương hiệu của ông đã trở thành nhà cung cấp cho chuỗi thức ăn nhanh quốc tế McDonald's, Burger King, Lotteria, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Beans & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K,...
Từ 10 cửa hàng ban đầu, đến nay ABC phát triển tới 35 cửa hàng, 4 xưởng bánh, được khách hàng ngày càng ưa chuộng.
Triết lý quản trị nhân văn
Một người từng thi công cho nhiều công trình của ABC bày tỏ rằng anh thật sự bị ấn tượng bởi Kao Siêu Lực.
"Yêu nghề, tận tụy, chỉ biết làm, làm, và làm. Chú không kì kèo từng đồng từng bạc, làm sao miễn chú thấy OK là OK. Nhớ có lần phải hoàn thành xong tiệm để sáng hôm sau khai trương chi nhánh tại Biên Hòa, 1h sáng chú xuống tận nơi, mua bánh mỳ cho anh em thi công ăn. Cho anh em mỗi người 400.000 đồng", người này nhớ lại.
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện tại, nhiều dây chuyền máy móc được nhập về, những người thợ gắn bó trước đây không thể điều khiến máy móc như lớp trẻ, ông chủ ABC không hề sa thải mà điều chuyển họ sang bộ phận khác phù hợp hơn.
Kao Siêu Lực kể rằng ông quyết định phải áp dụng công nghệ 4.0 để hạn chế con người tiếp xúc trực tiếp nhiều quá với sản phẩm. Ông nhận định nếu vẫn duy trì thủ công, không đổi mới sáng tạo thì 3-5 năm nữa, thương hiệu ABC có thể bị người khác "lướt qua, trở nên vô hình".
Ban đầu khi máy móc nhập về, ông Lực quyết định để những người thợ làm bánh lành nghề đứng máy với suy nghĩ "kinh nghiệm kết hợp công nghệ sẽ cho ra kết quả mỹ mãn". Nhưng hiện thực lại không như kỳ vọng. Nhưng người này không quen, họ chia sẻ với ông rằng họ cảm thấy làm thủ công hay hơn bấm nút.
Sau nhiều lần suy nghĩ, ông chủ ABC quyết định chọn những người 18-20 tuổi về làm cho mình. Ông nhận ra họ còn trẻ, tư duy nhanh nhẹn nên học điều khiển máy rất nhanh. Chưa kể sau khi học xong, ngoài mức lương 6 triệu/tháng, ông sẽ tăng thêm cho họ 2 triệu. Với những thợ lâu năm thì mức lương tăng thêm này không quá ấn tượng.
Khi đã có người điều khiển máy, thay vì sa thải thợ cũ, Kao Siêu Lực nghĩ ra việc điều họ sang khâu kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra. Nếu có vấn đề gì về chất lượng hoặc mẫu mã những người này sẽ báo để các thợ trẻ điều chỉnh lại thiết bị.
Trong quá trình đào, tạo chuyển giao sự nghiệp sang cho các con sau này, Kao Siêu Lực cũng luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ứng xử với những người làm cùng, không xem họ như người làm thuê mà luôn coi tất cả là một gia đình.
"Dạy con kinh doanh cũng như ngâm thuốc Bắc, phải có thời gian thuốc mới ra và phát huy công dụng. Quan trọng hơn nữa là phải cho các con tiếp xúc với công nhân, uốn nắn thái độ ứng xử của chúng, đừng bao giờ để con nghĩ họ là người làm thuê, mình là chủ, mà khi đã làm việc chung thì phải xem họ như anh chị em một nhà. Điều may mắn của tôi là các con hiểu biết và luôn biết ứng xử tử tế với mọi người xung quanh", ông chủ ABC cho biết.