Hơn 5 triệu hộ kinh doanh cần tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất
Hộ kinh doanh là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, những chính sách cụ thể và kịp thời để hỗ trợ khu vực này cần được triển khai càng sớm, càng tốt.
Trong giai đoạn dịch bệnh, hộ kinh doanh là đối tượng chịu tác động nặng nề. Hiện nay hộ kinh doanh chưa có quy định cụ thể để được hỗ trợ như doanh nghiệp, hợp tác xã hay người lao động bị ảnh hưởng, trong khi đóng góp của nhóm này cho nền kinh tế là khá lớn.
Quy mô và số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng nhanh và có những đóng góp hết sức quan trọng với sự tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua. Tại Việt Nam hiện nay, có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5% tổng số lao động của cả nước. Hộ kinh doanh tính cả phi nông nghiệp và nông nghiệp đóng góp gần 30% GDP của Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội đã phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Đã có những phân tích cho thấy, hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp vì hình thức hoạt động đơn giản, linh hoạt, nghĩa vụ thuế ở mức thấp, hộ kinh doanh thường chọn thuế khoán để thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, tuy nhiên đây cũng là điểm mà các cơ quan thuế chưa kiểm soát được chặt chẽ hoạt động của hộ kinh doanh.
Có một số điểm bất lợi về phạm vi hoạt động, khả năng tài chính, các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là trong giai đoạn tất cả các đơn vị làm kinh tế đều gặp khó khăn. Chí phí không chính thức của hộ kinh doanh cũng khá cao. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó phòng nghiên cứu, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đưa ra so sánh về điều kiện hoạt động của các hộ kinh doanh tại Việt Nam và trên Thế giới.
"So với Việt Nam, khung chính sách của các quốc gia cũng khá tương đồng với chúng ta hiện nay, khung pháp lý khá đơn giản. Tuy nhiên sự khác biệt ở khung pháp lý hỗ trợ hộ kinh doanh, chính sách hỗ trợ của Việt Nam đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh không phải chủ thể chính, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ trong trung và dài hạn, định hướng bài bản chưa có", ông Hoàng Anh Tuấn phân tích.
2 năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid đối với doanh nghiệp nói chung và hộ kinh doanh nói riêng là rất lớn. Nếu xét riêng về hộ kinh doanh thì có những khó khăn về dòng tiền, về nhân lực, khách hàng bị gián đoạn, chi phí tăng lên rất nhanh, chi phí vận tải, giá xăng, giá điện đang tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá doanh nghiệp và hộ kinh doanh của nước ta sức chịu đựng khá tốt, tuy nhiên nếu không có những sự hỗ trợ cụ thể và kịp thời thì rất khó phục hồi trong thời gian tới.
"Chúng tôi kiến nghị những gói hỗ trợ đang thiết kế rồi bây giờ phải thực hiện hết sức tập trung, hiện tại gọi hỗ trợ 26000 tỷ mới thực hiện được 65%. Những vướng mắc cả cơ chế trong thời gian vừa qua phải tháo gỡ ngay, phải giao thời hạn thực thi.
Kiến nghị thứ 3 là dứt khoát không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi sản xuất, nguyên vật liệu, nhân lực, đây là thách thức rất lớn đối với cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh", Chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Vấn đề tiếp cận tín dụng đã khó với các doanh nghiệp thì đối với các hộ kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Đa số các hộ kinh doanh đều cho rằng vẫn phải vay vốn thông qua tài sản đảm bảo cá nhân, còn phương án và mô hình kinh doanh các ngân hàng không đánh giá cao, không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi đi vay.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP cho rằng, cần tăng cường chính sách hỗ trợ vốn của các ngân hàng đối với hộ kinh doanh, hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tại Việt Nam cần có chính sách về vốn cụ thể cho hộ kinh doanh, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, việc đánh giá về tiếp cận tín dụng của các hộ kinh doanh vẫn chưa tốt, đa số các hộ kinh doanh dùng tải sản cá nhân đi vay như cá nhân đi vay, các dự án kinh doanh, tình trạng kinh doanh không được các ngân hàng đánh giá cao, thời gian đi vay ngắn, trong khi các hộ kinh doanh mong muốn sẽ có khoản vay dài hạn hơn.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, chưa bao giờ các cơ quan Chính phủ vào cuộc nhanh và kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân như hiện nay.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố giải ngân các gói hỗ trợ chậm là do thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Trong khi các gói như hiện nay và trong thời gian tới cần được đẩy nhanh giải ngân để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để sản xuất phục hồi nhanh nhất, không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà Thủy cho biết, Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng một chương trình phục hồi nền kinh tế có tính bao phủ tới tất cả các đối tượng. Cụ thể, phục hồi doanh nghiệp có thể dùng chính sách tài khóa, tức là dùng ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho khu vực kinh doanh, mức bù lãi có thể là 1-2%, nằm trong giới hạn ngân sách chịu đựng được.
Có thể nói hộ kinh doanh bao gồm những cá nhân, tập thể nhỏ nhưng duy trì sức mạnh lớn với nền kinh tế. Đây là khu vực các cá nhân dù ở trình độ học thức nào cũng dễ dàng gia nhập. Đây cũng là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, những chính sách cụ thể và kịp thời để hỗ trợ khu vực này cần được triển khai càng sớm, càng tốt.