Hội ôm vàng nhẫn ngay lúc này: Sướng rơn vì giá vượt đỉnh 74 triệu đồng/ lượng, chỉ chờ để “chốt lãi”

07/04/2024 08:28 AM | Kinh doanh

Trong chiều nay (6/4), vàng nhẫn chạm đỉnh lịch sử, với giá bán ra vượt mốc 74 triệu đồng/lượng.

Hôm nay (6/4), cùng với đà tăng của giá vàng miếng, giá vàng nhẫn bất ngờ tăng mạnh, chạm đỉnh lịch sử. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 71,85 - 73,15 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua vào - bán ra. Trong khi đó, tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cũng tăng vọt, vượt đỉnh 74 triệu đồng/lượng. Hãng vàng này đang niêm yết mức giá 72,78  - 74,18 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua vào - bán ra.

Và ngày lúc này, người vui vẻ nhất trước thông tin giá vàng tăng nóng không ai khác hội đang giữ vàng nhẫn. Trước tin tức vàng nhẫn tăng vọt, họ đang có cảm xúc như thế nào đây?

Lãi khi chọn mua vàng nhẫn

Đầu tháng 3, Nam Khánh (TP. HCM) mua 2 lượng vàng nhẫn “đu đỉnh", giá 67 triệu đồng/lượng. Anh chàng cho biết: “Vài ngày trước, mình thấy giá vàng 60 triệu đồng/lượng thì chê đắt quá, sợ lỡ mua vào thì vàng quay đầu. Ai ngờ giá không đi xuống. Khi thấy giá lên 67 triệu đồng/lượng thì mình không đợi nữa, quyết định mua luôn". Hôm nay, giá vàng nhẫn mua vào chạm mốc 71 triệu đồng/lượng, tức là Nam Khánh đã lãi khoảng 8 triệu đồng cho 2 lượng vàng chỉ sau hơn một tháng.

Anh chàng cho biết thêm, tại thời điểm mua vàng, anh cân nhắc giữa 2 phương án mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC. “Tuy nhiên, mình sợ có sự thay đổi về giá vàng miếng SJC do tin tức bỏ độc quyền vàng miếng. Do đó, mình chuyển qua mua vàng nhẫn cho an toàn. Mua vàng nhẫn cũng thanh khoản cao hơn tại có nhiều điểm bán", Nam Khánh cho biết.

Ảnh minh hoạ

Nam Khánh chia sẻ, là một người “chơi hệ lướt sóng" do đó anh chàng thường xuyên kiểm tra giá vàng để đợi thời điểm phù hợp chốt lời luôn. “Trong tháng 3 này, có những đợt giá vàng nhẫn giảm mạnh thì mình cũng  lo lắng. Tuy nhiên, mình vẫn chờ đợi vàng có những pha điều chỉnh như sáng nay để tranh thủ chốt lời”.

Một trường hợp khác, Hoài Ngân (Hà Nội) mua 5 chỉ vàng nhẫn với giá 6,5 triệu đồng/chỉ vào ngày vía Thần tài. Cho đến hôm nay, cô nàng đã lãi khoảng 3,5 triệu đồng từ số vàng này.

Cô nàng cho biết: “Hai ngày sau vía Thần tài, giá vàng nhẫn giảm mạnh thì mình cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, do mua vàng lấy may và biết giá vàng sẽ tăng trở lại nên mình cũng không quá lo lắng. Trong thời gian tới, mình dự định đợi giá vàng tăng cao hơn mới mang vàng đi chốt lời".

Bên cạnh là người mua vàng theo hệ “tâm linh” thì Hoài Ngân cũng thường xuyên mua vàng để tích lũy và tiết kiệm. “Tháng nào có nhiều thì mình để riêng 5 triệu, tháng nào ít thì mình chỉ để 1-2 triệu đồng vào quỹ mua vàng thôi. Khi nào có đủ thì mình mới mua vàng, chứ không phải tháng nào cũng mua. Mức lương dân văn phòng hiện tại chưa cho phép mình tích lũy theo kiểu dư dả như vậy.

Mình thường mua cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn để hạn chế rủi ro. Tùy theo tình hình giá vàng trong nước và thế giới thì mình sẽ có sự cân nhắc phù hợp. Đơn cử như hiện tại mình chọn mua vàng nhẫn vì sự ổn định và có mức giá phải chăng hơn".

Ảnh minh hoạ

Chọn mua vàng nhẫn hay vàng miếng?

Đó là câu hỏi phổ biến của những người mua vàng tích lũy và đầu tư. Trong số đó, cả Hoài Ngân và Nam Khánh đều đồng tình nên chọn mua vàng nhẫn ở thời điểm này.

Nam Khánh nêu quan điểm: “Dạo này mình đến các tiệm vàng cũng thấy mua vàng nhẫn khó hơn so với vàng miếng. Có lẽ là do vàng nhẫn đang được ưa chuộng hơn?

Với mình, thị trường vàng có thể vỡ bong bóng bất kỳ lúc nào và nếu có thì người cầm vàng miếng sẽ chịu tác động đầu tiên. Bởi lẽ, sự chênh lệch của vàng miếng giữa giá bán trong nước và quốc tế có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng. Do đó, chưa tính đến tác động của chính sách bỏ độc quyền thì nếu giá vàng thế giới biến động theo chiều giảm, mình phải gánh lỗ kép: lỗ giữa giá vàng mua vào - bán ra ở thị trường trong nước, lỗ giữa giá vàng nội địa - quốc tế”.

Hoài Ngân - một người mua vàng 2 năm nay cùng đồng tình với nhận định của Nam Khánh.

Cô nàng chia sẻ: “So với vàng miếng, vàng nhẫn có chênh lệch giữa mua vào - bán ra thấp hơn nên nhanh hoà vốn. Vàng miếng tăng thì vàng nhẫn cũng tăng, do đó giữa hai lựa chọn, vàng miếng sinh lời tốt hơn nhưng vàng nhẫn ổn định hơn.

Tuy nhiên, không phải mình bỏ hoàn toàn mua vàng miếng. Mình sẽ mua vàng miếng, nhưng chỉ khi giá vàng xuống thấp và phù hợp với tài chính hơn, cũng như chênh lệch giữa 2 đầu mua vào - bán ra được rút ngắn".

Anh Nguyễn Minh Tuấn (Founder của TOPI, nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân) chia sẻ lời khuyên khi giá vàng liên tục lập đỉnh.

Hiện nay, vàng miếng được nhà nước nắm độc quyền sản xuất và chỉ có 1 thương hiệu được quyền phân phối là SJC. Anh Nguyễn Minh Tuấn nhận định, do nguồn cung đã không sản xuất trong nhiều năm nên khi người tiêu dùng càng mua nhiều thì giá vàng càng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, điều này cũng khiến việc mua vàng miếng tồn tại rủi ro nếu nhà nước có những biện pháp thay đổi và điều chỉnh thị trường vàng.

Giữa vàng miếng và vàng nhẫn, anh Nguyễn Minh Tuấn khuyên mọi người nên cân nhắc mua vàng nhẫn.  Bởi lẽ, khi đánh giá 2 loại vàng này thì hiện nay giá vàng nhẫn vẫn đang bám sát hơn với giá vàng trên thế giới. Thế nên, chọn mua vàng nhẫn vừa đảm bảo phòng thủ tài sản trong dài hạn, lại còn giảm thiểu rủi ro khi giá biến động mạnh.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM