Hội chứng kỳ lạ khiến người đàn ông này không bao giờ hình dung ra được khuôn mặt vợ mình

10/01/2021 10:39 AM | Sống

Anh ấy mã hóa vợ mình hoàn toàn bằng từ ngữ, chẳng hạn như "tóc nâu", "mắt xanh", "cao" hay "hôm nay", "búi tóc".

Khi tôi nói bạn hãy thử nhắm mắt lại và tưởng tượng ra một đàn cừu nhảy qua hàng rào, bạn có thể làm được điều đó hay không? Đại đa số chúng ta đều đã làm điều này một cách dễ dàng từ khi còn là một đứa trẻ. Nhưng có một số người không thể. Họ chỉ thấy trước mặt mình là một màu đen, chẳng có con cừu nào nhảy ra cả.

Những người này đang mắc phải một hội chứng kỳ lạ được gọi là "aphantasia", thuật ngữ được Tiến sĩ Adam Zeman, một nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học Exeter ở Anh đặt theo từ gốc "phantasia" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "tưởng tượng".

Ngược với "phantasia", hội chứng "aphantasia" được định nghĩa là không có khả năng triệu hồi bất kỳ hình ảnh nào từ trí nhớ, cho dù đó là khuôn mặt của người thân yêu hay một nơi quen thuộc.

Mặc dù đã xuất hiện trong các văn bản y văn cổ từ thế kỷ 19, nhưng hội chứng "aphantasia" mới chỉ được xác định chính xác vào năm 2015. Kể từ đó tới nay, các công trình khoa học nghiên cứu về hội chứng này chỉ được đếm trên đầu ngón tay, đa phần cũng chỉ là các bản tự mô tả của bệnh nhân.

Một trong những người đầu tiên mắc hội chứng "aphantasia" lên tiếng chia sẻ về trải nghiệm của mình là Niel Kenmuir. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, anh ấy nói rằng mình đã nhận ra nó từ khi còn là một đứa trẻ. Cha dượng của Kenmuir khi đó đã bảo anh tưởng tượng ra những con cừu nhảy qua hàng rào và đếm chúng cho dễ ngủ. Nhưng anh ấy không thể.

"Tôi không thể nhìn thấy con cừu nào nhảy qua hàng rào cả. Chẳng có gì để đếm", Kenmuir nói.

Có cùng trải nghiệm đó với Kenmuir, một người phụ nữ tên là Serena Puang cũng chia sẻ với New York Times: "Khi còn học tiểu học, thỉnh thoảng tôi bị khó ngủ và mọi người bảo tôi hãy đếm cừu. Mặc dù đã thấy những con cừu nhảy qua hàng rào trong phim hoạt hình, nhưng khi thử tưởng tượng ra nó, tôi không bao giờ thấy gì cả - chỉ là màu đen. Tôi đã lặng lẽ đếm trong bóng tối suốt nhiều năm trời".

Mặc dù chứng "aphantasia" có thể khiến việc đếm cừu trở nên khó khăn, nhưng nó dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng sáng tạo hoặc trí tưởng tượng của những người mắc phải nó. Hầu hết những người mắc chứng "aphantasia" đều sống một cuộc đời bình thường và thậm chí không nhận ra sự khác biệt của họ so với những người khác.

Hội chứng kỳ lạ khiến người đàn ông này không bao giờ hình dung ra được khuôn mặt vợ mình - Ảnh 1.

Niel Kenmuir - người đàn ông không bao giờ hình dung ra được khuôn mặt vợ mình

Kenmuir chẳng hạn đang làm việc tại một hiệu sách. Anh ấy vẫn có thể nhớ được những cuốn sách được đặt trên giá nào mà chẳng cần hình dung ra hình ảnh về chúng. Khi được phóng viên BBC hỏi rằng anh ấy đã sống với vợ của mình như thế nào, Kenmuir trả lời:

"Đó là điều khó diễn tả nhất, những gì diễn ra trong đầu tôi khi tôi nghĩ về mọi thứ. Khi tôi nghĩ về vị hôn thê của mình, chẳng có hình ảnh nào hiện ra cả, nhưng tôi chắc chắn tôi đang nghĩ về cô ấy, tôi biết hôm nay cô ấy búi tóc, tóc cô ấy màu nâu. Nhưng tôi không mô tả hình ảnh mà tôi đang thấy trong đầu, tôi chỉ đang nhớ những nét đặc trưng về cô ấy".

Ở phía ngược lại, vợ Kenmuir rất thông cảm với chồng mình. Cô ấy chỉ nói rằng: "Anh thật kỳ lạ".

Serena Puang thì chỉ gặp đôi chút khó khăn khi bắt đầu học tiếng Trung. "Trong khi bạn tôi, Shayley, lại thấy dễ dàng. Tôi hỏi cô ấy làm thế nào để nhớ được các chữ cái tượng hình ấy, và cô ấy nói với tôi rằng cô ấy chỉ đang "hình dung ra các ký tự", Puang nói.

Để khắc phục vấn đề, cô ấy đã thảo luận tình trạng "aphantasia" của mình với giáo sư, và ông ấy đã vẽ các chữ cái lên bảng, phân tích cho Puang sự khác nhau giữa chúng. Kể từ đó, việc học tiếng Trung của cô ấy diễn ra bình thường.

***

Để nói thêm, một số người mắc "aphantasia" vẫn có những giấc mơ rất trực quan. Họ vẫn có thể mô tả và nhận biết khuôn mặt của mọi người hay một địa điểm trông như thế nào. "Aphantasia" chỉ có nghĩa là không thể truy xuất lại trí nhớ, chứ còn trí tưởng tượng bằng ngôn ngữ và trí nhớ không gian của họ vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà tâm lý học Wilma Bainbridge tại Đại học Chicago giải thích điều này có thể là do những người mắc hội chứng "aphantasia" đã mã hóa được trí nhớ của họ hoàn toàn bằng từ ngữ chứ không phải hình ảnh. Chẳng hạn khi Kenmuir nghĩ về vợ của mình, anh ấy chỉ mã hóa cô ấy bằng các từ như "tóc nâu", "mắt xanh", "cao" hay "hôm nay", "búi tóc"…

Tập hợp các từ này thay thế hoàn toàn hình ảnh mà một người bình thường có thể tưởng tượng ra. Kenmuir vẫn nhận ra vợ anh ấy, chỉ là không bao giờ có thể tự tưởng tượng ra hình ảnh vị hôn thê của mình trong trí nhớ.

Hội chứng kỳ lạ khiến người đàn ông này không bao giờ hình dung ra được khuôn mặt vợ mình - Ảnh 2.

Đám cưới của Niel Kenmuir và vợ mình Alexa năm 2017.

"Sự thể hiện bằng lời nói của họ và các chiến lược bù đắp khác thực sự có thể giúp những người mắc hội chứng "aphantasia" tránh được những ký ức sai lầm", Bainbridge nói. Trong một số trường hợp, trí nhớ của người mắc hội chứng này thậm chí còn tốt hơn người bình thường, khi chúng ta vẫn thường hay tự tạo ra những hình ảnh giả trong ký ức.

Hãy thử nhớ lại xem bạn đã bao giờ nhớ lại một căn phòng, trong đó có một vật dụng, chẳng hạn như một cây đàn guitar, nhưng thực sự thì nó chưa bao giờ có ở đó.

Sự triệu hồi ký ức một cách kỳ lạ ở những người mắc hội chứng "aphantasia" đang hấp dẫn ngày càng nhiều nhà nghiên cứu thần kinh. "Những cá nhân này có trải nghiệm tinh thần độc đáo, và họ có thể cung cấp những hiểu biết cần thiết về bản chất của hình ảnh, trí nhớ và nhận thức trong não bộ con người", một nhóm tác giả viết trên tạp chí Cortex.

Họ là một minh chứng rõ ràng cho việc trí nhớ có thể tách biệt hoàn toàn với thị giác. Người mắc hội chứng "aphantasia" có thể gặp phải điều gì đó tương tự như những người bị mù bẩm sinh. Bởi họ vẫn có thể mô tả và đi lại trong một căn phòng, mặc dù họ không thể 'nhìn thấy' nó.

"Khi tôi nhắm mắt lại, tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là những chấm màu xanh mờ nhạt và bóng tối", Puang nói. "Vậy mà trong suốt 19 năm, tôi cho rằng mọi người khác cũng chỉ nhìn thấy vậy".

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM