Hội chứng ảo tưởng sức mạnh: Người yếu kém, hay kết luận sai lại càng dễ lầm tưởng về khả năng siêu việt của bản thân?

27/11/2018 13:45 PM | WeLearn

Khi bạn nghĩ mình đã biết hết mọi điều nhưng thực ra bạn chẳng biết gì cả, bạn chỉ đang ảo tưởng mà thôi.

Vào một ngày đẹp trời năm 1995, một người đàn ông trung niên đã đột nhập vào 2 nhà băng tại Pittsburgh cướp giữa ban ngày. Ông ta không đeo mặt nạ hay dùng bất cứ dụng cụ nào để cải trang cả. Ông ta thậm chí còn mỉm cười vào camera giám sát trước khi bước vào mỗi nhà băng.

Đêm muộn hôm đó, cảnh sát đã đến bắt giữ McArthur Wheeler và ông này tỏ rõ thái độ ngạc nhiên. Khi cảnh sát cho ông xem đoạn băng quay lại trong ngân hàng, Wheeler đã không tin vào mắt mình.

Wheeler lẩm bẩm: "Nhưng tôi có bôi nước chanh lên mặt cơ mà".

Rõ ràng Wheeler đã cho rằng việc bôi nước chanh lên mặt có thể giúp mình tàng hình trước máy quay camera. Ông nghĩ rằng, nước chanh được sử dụng như một loại mực tàng hình, chỉ cần không đến gần lửa thì ông ta đã hoàn toàn vô hình.

Sau đó, cảnh sát kết luận rằng Wheeler không điên hay phê thuốc mà chỉ đơn giản là ông ta ảo tưởng một cách tai hại.

Câu chuyện này đã thu hút sự chú ý của giáo sư tâm lý học David Dunning của Đại học Cornell và Justin Kruger, một sinh viên đã tốt nghiệp của ông. Họ chỉ ra rằng: Khi đa số mọi người muốn được phô diễn khả năng của họ trên nhiều lĩnh vực thì có một số người lại hay lầm tưởng khả năng của mình siêu việt hơn mức thực tế. Triệu chứng ảo tưởng sức mạnh này, sau này được gọi là "hiệu ứng Dunning-Kruger" thể hiện xu hướng tự phóng đại khả năng của mình.

Hội chứng ảo tưởng sức mạnh: Người yếu kém, hay kết luận sai lại càng dễ lầm tưởng về khả năng siêu việt của bản thân? - Ảnh 1.

Để điều tra về hiện tượng này, Dunning và Kruger đã tiến hành vài thí nghiệm. Trong đó, họ đã hỏi các sinh viên một tập hợp các câu hỏi về ngữ pháp, logic và các câu đùa. Sau đó đề nghị mỗi sinh viên tự ước lượng số điểm của mình cũng như thứ hạng của họ sẽ đạt được sau khi hoàn thành. Thật thú vị là những sinh viên đạt điểm rất thấp lại đánh giá quá cao kết quả mình đạt được khá nhiều lần. Còn những sinh viên cho rằng mình không đời nào đạt đến thứ hạng cao lại thể hiện tốt hơn rất nhiều so với 2/3 số sinh viên còn lại.

Tuy nhiên hiệu ứng ảo tưởng sức mạnh không chỉ tồn tại trong lớp học, nó còn xuất hiện trong cuộc sống ngày thường. Hai nhà nghiên cứu rời phòng thí nghiệm và đi đến một thị trấn được phép sử dụng súng, họ hỏi những người chơi súng về cách sử dụng an toàn. Cũng giống như những gì đã phát hiện được, những người ít trả lời đúng nhất lại đánh giá quá cao hiểu biết của mình về loại vũ khí này.

Bên cạnh những hiểu biết thông thường, hiệu ứng Dunning-Kruger cũng thường được thấy ở chứng tự phóng đại những khả năng cá nhân khác. Nếu bạn xem một chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình, bạn sẽ thấy nhiều thí sinh cảm thấy shock tột độ khi bị ban giám khảo từ chối. Chúng ta có thể thấy điều này khá buồn cười, nhưng những người này đơn giản là không nhận thức được những ảo tưởng hão huyền đã dẫn họ đi xa đến đâu.

Đương nhiên, rất dễ để một người tự đáng giá cao bản thân mình. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng 80% tài xế đánh giá họ ở trên mức tiêu chuẩn trung bình, một số liệu không thể đạt được. Các xu hướng tương tự cũng được phát hiện khi người ta xếp hạng mức độ tương đối nổi tiếng và mức độ hiểu biết chung.

Hội chứng ảo tưởng sức mạnh: Người yếu kém, hay kết luận sai lại càng dễ lầm tưởng về khả năng siêu việt của bản thân? - Ảnh 2.

Trong một nghiên cứu với các sinh viên khác, những sinh viên giỏi có thể dự đoán kết quả trong những bài thi sắp tới khi được biết điểm và phổ điểm của những bài thi trong quá khứ. Tuy nhiên, những sinh viên kém thì chẳng có sự cải thiện nào dù đã được phản hồi nhiều lần về những lỗi hay gặp phải. Thay vì cảm thấy bối rối hay thận trọng với các lỗi đã có, những người yếu kém lại luôn khăng khăng rằng cách của họ là đúng. Charles Darwin từng viết trong cuốn The Descent of Man: "Không phải kiến thức, tự tin mới là cái được sinh ra từ những lần làm ngơ bỏ ngoài tai."

Thật thú vị là những người thật sự thông minh lại thường bị sai trong việc tự đánh giá chính xác khả năng của mình. Trong khi những học sinh chỉ đạt điểm D hay F đánh giá quá cao bản thân thì học sinh hạng A lại hay đánh giá thấp khả năng của họ. Trong nghiên cứu của Dunning và Kruger, họ đã phát hiện thấy những sinh viên thể hiện tốt, điểm số thường ở top đầu cũng hay đánh giá thấp năng lực tương đối. Những học sinh này cho rằng nếu các bài kiểm tra nhận biết dễ với họ thì chúng cũng sẽ dễ, thậm chí là dễ hơn đối với tất cả mọi người. Đây được gọi là "triệu chứng mạo danh", khi những người giỏi không nhận thức được tài năng của mình và cho rằng những người khác cũng có khả năng tương tự.

Đôi khi chúng ta cố gắng mọi điều để mong chờ các kết quả tốt đẹp, nhưng đôi lúc, cách tiếp cận của chúng ta lại không hoàn hảo, vớ vẩn và thậm chí ngu ngốc. Điều chúng ta có thể học được từ đây là đừng để bị đánh lừa bởi ảo tưởng, hãy học cách định giá chính xác khả năng của bản thân mình.


Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM