Học tuyệt chiêu tiết kiệm đơn giản từ 2 cô gái này: Người mua được nhà trước tuổi 30, người vừa ra trường đã có vài chỉ vàng bên người
Cả hai cô gái này đều có ý thức phải tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt.
Người trẻ nào cũng từng nghe mòn tai về lợi ích của việc tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt. Dẫu vậy, không phải ai cũng nghiêm túc tuân theo và thực hiện được lời khuyên này.
Nếu thấy tiết kiệm tiền thật khó khăn, hãy cùng thử lắng nghe câu chuyện của hai cô bạn này và hành trình họ đạt được những thành tựu nho nhỏ nhờ chắt bóp chi tiêu. Chúng có thể khiến bạn cân nhắc nhiều hơn đến việc tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ đấy!
Tiết kiệm từ sớm vì không muốn trả giá cho sự buông thả
Thanh Huyền (SN 1994, Hà Nội) đang làm nhân viên văn phòng ngành Marketing. Ngoài ra, cô nàng còn nhận công việc freelancer bên ngoài như đầu tư, viết content, dịch sách và designer thuê. Tổng thu nhập hàng tháng của Thanh Huyền là khoảng 30 - 40 triệu đồng, trong đó công việc freelancer có thể kiếm gấp 2-3 lần công việc hành chính.
Trước tuổi 30, cô nàng đã tự mua được căn nhà cho bản thân mà không cần vay mượn từ bất kỳ ai. Đó là thành quả mà nhiều người trẻ ngưỡng mộ. Và để đạt được cột mốc tài chính đó, cô nàng đã duy trì nguyên tắc tiết kiệm 90% thu nhập trong suốt thời gian dài.
Cô chia sẻ về nguyên tắc sống của mình: “Mình bắt đầu tiết kiệm từ khi mới đi làm. Mình hiểu rằng cuộc sống có nhiều điều ‘hoạ vô đơn chí' nên bản thân luôn cố gắng tích luỹ thật nhiều để an tâm. Và mình cũng không muốn trả giá cho bất kỳ hậu quả nào của sự buông thả trong chi tiêu".
Một trường hợp khác, Thanh Huệ (SN 1999) vừa mới ra trường đã có quỹ tiết kiệm 120 triệu và vài ba chỉ vàng để lập nghiệp. Tất cả đều nhờ cô tin tưởng giao gần hết số tiền kiếm được trong suốt 8 năm cho phụ huynh, Số vốn này được tích luỹ khi Thanh Huệ mới 14 tuổi bằng cách đều đặn gửi hết khoản tiền có được, gồm tiền khen thưởng từ cuộc thi trong nhà trường, lì xì và tiền được họ hàng,.... cho bố mẹ để họ gửi tiết kiệm và mua vàng.
Quan trọng hơn, nhờ cách dạy con đúng đắn của bố mẹ, Thanh Huệ đã tìm ra cách hiệu quả để đầu tư và tiêu tiền thông minh sau khi trưởng thành. Từ khi còn nhỏ, cô đã được bố mẹ chia sẻ thẳng thắn về cách quản lý tài chính cá nhân. Nói ra nghe to tát, nhưng thực tế các bài học này tương đối đơn giản, gói gọn trong 2 nguyên tắc: “Không bao giờ để tiền nằm im" và “Không tiêu hết số tiền mình kiếm được".
Tiết kiệm thôi là chưa đủ, cần tiêu tiền một cách hiệu quả
Thanh Huệ tốt nghiệp và bắt đầu đi làm vào năm 2021. Từ đó đến nay, cô đã tự nghiên cứu và đầu tư bằng tiền lương kiếm được trên đa dạng nền tảng. Thanh Huệ cho biết, cô nàng vẫn chưa dùng đến sổ tiết kiệm và 5 chỉ vàng, bởi muốn để dành tiền cho trường hợp cần thiết trong tương lai.
Hàng tháng, cô đều cố gắng tiết kiệm 30-50% từ thu nhập sau đó mang tiền đi đầu tư. Danh mục đầu tư được cô phân chia như sau: Cổ phiếu (10% thu nhập), vàng (5-10%) thu nhập, chứng chỉ quỹ (5% thu nhập), các loại hình đầu tư khác (5% thu nhập, hoặc có tháng cô sẽ không bỏ tiền vào khoản đầu tư này để phòng ngừa rủi ro). Sau 2 năm gần như chỉ để thực hành đầu tư và sinh lời rất ít từ thị trường thì đến nay lợi nhuận của Thanh Huệ đã đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
Cô nàng chia sẻ: “Mình làm trong mảng Tài chính nên luôn nghĩ cất tiền để một chỗ sẽ rất nguy hiểm. Do đó, mình dựa vào kiến thức bản thân để đầu tư cả cổ phiếu, vàng, chứng chỉ quỹ và một số khoản đầu tư nhỏ khác.
Một trong những lý do khiến mình chia nhỏ số tiền để đầu tư vì muốn linh hoạt dòng tiền chảy qua các khoản đầu tư sinh lời nhanh chóng. Ngoài ra ‘không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ’ sẽ giúp danh mục đầu tư an toàn hơn, không chịu cảnh mất trắng. Hàng tháng, nếu có lãi mình sẽ trích 2-5 triệu đồng để chuyển vào tài khoản tiết kiệm”.
Còn về phía Thanh Huyền, hiện cô đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm trong nhiều năm để mua căn hộ 30m2 nằm ở một quận xa trung tâm Hà Nội với giá thành khoảng hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, cô dùng bất động sản này để cho thuê nhằm sinh lời, tích góp dần để sớm sở hữu các tài sản lớn.
Để đạt được thành tựu này, Thanh Huyền đã duy trì kế hoạch tiết kiệm tài chính nghiêm ngặt. Cụ thể, trong suốt thời gian dài, cô nàng luôn để dành 90% thu nhập bằng cách chỉ dùng 5 triệu đồng để trang trải sinh hoạt phí.
“Do đang ở cùng gia đình nên mỗi tháng mình đưa mẹ 3 triệu đồng để trả tiền sinh hoạt. Còn với chi phí tiêu dùng cá nhân, mình cố gắng chỉ dùng 1-2 triệu đồng”, Thanh Huyền nói rõ thêm.
Thanh Huyền tâm sự, hiện tại cô nàng hoàn toàn thoải mái với cách bản thân quản lý tài chính. Tuy nhiên, cô không cho rằng lối sống tiết kiệm tiền của mình phù hợp với số đông người trẻ hiện nay.
Cô nàng bày tỏ: “Có thể với rất nhiều người, cách tiết kiệm của mình sẽ hơi cực đoan. Hàng ngày, mình đi làm bằng xe bus mất khoảng 30 phút. Mình không trang điểm, chỉ tô chút son dưỡng. Mình chỉ mua đồ skincare cực kỳ cơ bản như dầu gội đầu, sữa rửa mặt… Mình cũng không có nhiều bạn bè nên gần như không có nhu cầu tụ tập ăn uống. Số tiền mình đưa cho mẹ là khoản tiêu lớn nhất trong tháng của mình.
Mình không thấy stress hay có khó khăn gì để theo đuổi kế hoạch này. Bởi lẽ mình không bị áp lực phải chăm chút ngoại hình, có ít mối quan hệ hay flex (khoe khoang) thông qua những đồ dùng công nghệ đắt tiền như điện thoại, ipad".