Học tư duy người Do Thái, tu nghiệp sinh Israel tâm sự: Ông chủ trại cà nghiêm khắc bắt dọn gốc phải sạch đến từng trái, rải phân compost phải đúng từng centimet
Làm việc có sự nghiêm túc và tỉ mỉ chắc chắn đem lại hiệu quả cao - và đó chính là phương châm làm việc của dân tộc thông minh nhất thế giới Do Thái.
Dân tộc Do Thái được đánh giá là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới, vì thế phương pháp giáo dục và cách ứng xử của dân tộc này luôn gợi ra những sự tò mò với nhiều người. Sang Israel làm tu nghiệp sinh nông nghiệp trong 11 tháng, chàng trai người Cần Thơ Thống Minh đã "vỡ lẽ" được rất nhiều từ ông chủ của mình - một người Do Thái nhiệt tình, thân thiện trong đời sống hằng ngày nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, tỉ mỉ trong công việc.
Qua những trải nghiệm của Thống Minh, Israel tuy có cực khổ nhưng lại đem đến cho chàng trai những bài học và kiến thức quý báu, đặc biệt là phẩm cách và tư duy của người Do Thái. Càng đi mới càng thấy những gì mình biết chỉ là hạt cát trong đại dương bao la. Thống Minh đặc biệt trân trọng người chủ của mình:
"Như sếp tôi đã nói, và đó cũng là câu nói huyền thoại của ông dành cho bất kỳ sinh viên nào làm ở nông trại của ông: "Farm Yaron no same same all farm" (Tạm dịch: Nông trại Yaron không giống những nông trại khác). Tới giờ, tôi mới nhận ra là đúng thật, từ ngày cắt cà tới ngày nghỉ này kia, không giống thật.
Câu thứ 2 mà ông nói là: "I am not a bank" (Tạm dịch: Tao không phải ngân hàng đâu). Ông muốn tụi tôi gửi tiền về nước được nhiều và dùng cho mục đích chính đáng, một phần là để tránh bị trộm cắp. Đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra mà. Dù biết rằng làm cực khổ, tiền mình thì việc dùng như thế nào là việc của mình, nhưng sếp không muốn tụi tôi phí tiền cho ăn chơi vô bổ mà dùng cho đúng chỗ.
Việc giữ nhiều tiền mặt bên mình thật sự rất không an toàn. Vì một ngày, chúng tôi ở ngoài nông trại cả nửa ngày rồi, mà nhà ở của người lao động bên này lại lỏng lẻo và thiếu chắc chắn. Hơn nữa, tụi tôi toàn nhét chìa khóa gần cửa để mở cho nhanh, đem ra ngoài nông trại mà rơi phát thì... khóc. Tụi tôi muốn ứng một số tiền cao hơn mức cho phép là phải có lí do đàng hoàng; nếu không, phải có chị leader gọi điện thoại xin mới cho, khó lắm khó mà.
Một lần, thằng bạn ở nông trại tôi tự chuyển tiền về Việt Nam và gặp trục trặc, hơn 2 tuần mà tiền chưa về đến nhà mặc dù gửi bằng con đường nhanh nhất, Western Union. Thế là tôi phải trình bày sự việc với sếp để nhờ ông giúp. Ông hỏi tụi mình cặn kẽ lắm, không quên kêu đưa giấy tờ liên quan nữa.
Vất vả hỏi cả tuần lễ mới giải quyết xong, vậy mà ông không hề quở mắng hay cằn nhằn gì, chỉ bảo "Tụi mày có gửi tiền hay làm việc gì, phải cẩn thận và kỹ lưỡng hơn. Gửi một số tiền lớn đối với tụi mày mà tụi mày không để ý cẩn thận thì bị lạc, khó kiếm mà còn rắc rối nữa. Tao chỉ giúp hết mức có thể để kiểm tra cho tụi mày thôi chứ không thể làm gì hơn nữa nếu bị sự cố gì."
Ở vùng bên tôi, có thể nói rằng chỉ duy nhất mình ông là chở tụi tôi đi chợ - nơi mà cách nông trại đến 1 giờ đi xe với vận tốc 120km/h. Tháng nào cũng thế, ông đèo 4 người đi chợ, thả tụi tôi xuống chợ rau củ, và đưa về nông trại khi tụi tôi đã mua xong mọi thứ, từ thịt, cá, trứng, sữa đến rau củ, bánh trái. Đi xe lúc nào cũng được nghe ông kể về Israel, về nông trại hay đơn giản là hỏi thăm tụi tôi ở Việt Nam thế nào...
Ở nông trại tụi tôi được lắp wifi với điều hòa. Còn tụi bạn tôi ở nông trại khác than quá trời than, nào là "Nông trại tao không có wifi, nông trại tao không có điều hòa, mùa hè thì nóng như lò hơi, đông tới thì lạnh; nông trại mày sướng nhất vùng này rồi, sướng quá sướng". Nghe tụi nó ghen tị với tôi nên cũng thấy vui vui. Nông trại mình khác nông trại tụi nó, tiện nghi hơn nông trại mấy đứa nó nhiều.
Ngoài đời sống, sếp tôi thoải mái và giúp đỡ tụi tôi nhiều bao nhiêu thì trong công việc, ông khắt khe và khó tính bấy nhiêu. Nhớ lúc mới qua Israel, còn "tay mơ", cắt cà thùng đỏ mà cắt không đẹp, chỗ lồi chỗ lõm, đã vậy còn xếp cao quá, đặt thùng khác lên là nứt trái hết, thế là tôi bị gọi ra nhắc liền. Ông bảo hộp đỏ phải cắt cẩn thận, đẹp, không có trái nứt hay trái xanh gì, thùng xanh có thể cắt xấu cũng được nhưng thùng đỏ thì phải đẹp.
Nhờ bị nhắc nhở nhiều, không chỉ tôi mà mấy đứa bạn cũng bị nghe riết mà thành quen, cắt cà lần nào cũng đặt mục tiêu, đều và đẹp lên hàng đầu hết và cắt từ thùng đỏ tới thùng xanh đều như nhau.
Các tháng 6, 7 là thời điểm dọn nông trại. Dọn nông trại cực lắm, vừa nắng vừa mệt. Tụi tôi làm mọi công đoạn, từ cắt dây cà, nhổ gốc đến cày bừa đất, ủ đất. Hôm nào cũng vậy, làm tới đâu, sếp đều vào kiểm tra cả: dọn gốc và cà rụng thì phải dọn sạch đến từng trái cà, nhặt không sót trái nào; rải phân compost thì phải canh cho thẳng hàng, đúng bao nhiêu cm; bừa đất thì phải làm chậm để phân được trộn hoàn toàn, đất mịn. Làm đến đâu cũng phải làm kỹ. Giai đoạn làm đất là một trong những khâu quan trọng để có được một mùa cà tốt, ít bệnh dịch.
Nói về sếp tôi, tôi còn nhiều điều để kể lắm nhưng những chuyện tôi kể ở trên là những việc mà dễ nhận thấy ở tính cách của ông. Ông quyết đoán trong từng quyết định của mình, luôn cân nhắc đến lợi ích cũng như tình hình thực tế. Là một người nóng tính, nhưng cũng hài hước, nhiều lúc ông nó đùa mà tụi tôi cứ tưởng thiệt không. Tụi tôi bị nhắc nhở suốt, thường thì trong công việc thôi, nhưng tôi đã học được nhiều điều hay từ ông: từ tính cẩn thận trong mọi việc, kỷ luật, nề nếp trong giờ giấc, cho đến hào sảng ngoài đời thường. Đâu đó trong con người này tồn tại hai mặt trái ngược hoàn toàn.
Chúng tôi đi Israel không chỉ để học hỏi về nông nghiệp, mà còn là học hỏi về cách làm việc và tư duy của người Do Thái. Nhiều bạn có thể chỉ có mục tiêu duy nhất là đi kiếm tiền thôi nhưng tôi cũng tin rằng qua tiếp xúc và làm việc với người Do Thái, bạn cũng sẽ thấm được phần nào cách làm của họ.
Tiền có thể kiếm ở bất cứ đâu, ở Việt Nam cũng kiếm tiền được vậy, nhưng kiến thức và kinh nghiệm thì phải đi và góp nhặt mới có được."