Học sinh Trung Quốc ôn thi Đại học từ lớp 1 để vừa lòng gia đình, còn ở Thụy Điển, từ khi lên 4 trẻ đã được quyền tự quyết việc học của mình

06/06/2019 15:58 PM | Xã hội

Thụy Điển là một quốc gia Bắc Âu có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất với nhiều viện đại học danh giá lọt top những trường tốt nhất thế giới.

Trong bảng xếp hạng của Universitas 21, năm ngoái Thụy Điển đứng vị trí thứ 4 về chất lượng giáo dục bậc cao, chỉ sau Mỹ, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh. Người Thụy Điển luôn tự hào về nền giáo dục mang đậm tính sáng tạo của mình và coi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công sau này của học sinh. Văn hóa trường học theo tinh thần bình đẳng tại đây đã tạo điều kiện phát triển cho tất cả mọi người, trong đó, mỗi học sinh đều được khuyến khích đưa ra quan điểm cá nhân trong suốt quá trình học tập.

Có thể nói, học sinh Thụy Điển được làm chủ việc học ngay từ nhỏ. Khi mới 4 tuổi, cứ mỗi đầu tuần các bé lại tập trung thành vòng tròn và trình bày dự định trong tuần của mình. Còn giáo viên chỉ đóng vai trò là người điều chỉnh cũng như hỗ trợ các bé thực hiện kế hoạch tốt hơn mà thôi. Đến cuối tuần, những đứa trẻ sẽ tự đánh giá mức độ hoàn thành và rút kinh nghiệm từ nhận xét của giáo viên.

Học sinh Trung Quốc ôn thi Đại học từ lớp 1 để vừa lòng gia đình, còn ở Thụy Điển, từ khi lên 4 trẻ đã được quyền tự quyết việc học của mình - Ảnh 1.

Học sinh tham gia một hoạt động của trại hè.

Ở cấp Trung học cơ sở, giáo viên và học sinh cũng ngồi lại với nhau hàng tuần để bàn luận về các vấn đề liên quan đến việc học. Lên đến Trung học phổ thông, học sinh đã có kỹ năng để tham gia vào đa số các phương diện của quá trình học tập từ lập kế hoạch cá nhân đến đánh giá và thậm chí là cả tiêu chuẩn cho việc đánh giá.

Tại Thụy Điển, có rất nhiều chương trình Trung học chú trọng tới hướng nghiệp. Bộ Giáo dục nước này chỉ đưa ra đề cương tổng quát cho mỗi chương trình còn giáo viên và học sinh sẽ là người quyết định sẽ học gì. Có 5 môn bắt buộc chính là tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, Toán, Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên mỗi môn lại được dạy tùy theo bối cảnh nghề nghiệp riêng của từng chương trình. Ngoài ra, chỉ có 2 chương trình chú trọng về chuẩn bị cho học sinh thi lên Cao đẳng hoặc Đại học mà thôi.

Theo số liệu thống kê, chỉ 1/3 học sinh tốt nghiệp Trung học ở Thụy Điển được chọn vào Đại học, số còn lại học nghề và tham gia vào lực lượng lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Việc các bậc phụ huynh không quá đặt nặng vấn đề phải thi đỗ Đại học tại Thụy Điển cũng giúp giảm bớt gánh nặng thi cử cho các em học sinh và quan trọng hơn cả, các em được khuyến khích tự đưa ra quyết định tương lai là học tiếp lên Đại học hay học nghề rồi đi làm. Sở dĩ như vậy là vì việc tự quyết định kế hoạch cá nhân đã được học sinh Thụy Điển thực hành ngay từ nhỏ.

Nền giáo dục của Thụy Điển nói riêng và nhiều nước phát triển trên thế giới nói chung không bắt ép học sinh phải nghe lời một cách máy móc. Thay vào đó, các em được định hướng và giáo dục theo cách để có thể tự chịu trách nhiệm về quyết định quan trọng trong đời của mình.

Trong khi đó ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc hay Hàn Quốc, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học được coi là hai kỳ thi căng thẳng nhất, đặt áp lực nặng nề lên hàng triệu sĩ tử và người thân. Trước, trong và sau kỳ thi là khoảng thời gian không mấy dễ chịu của cả học sinh và các bậc phụ huynh. Chính phủ nhiều nước còn cấm một số hoạt động gây tiếng ồn lớn để các em học sinh tập trung làm bài trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Học sinh Trung Quốc ôn thi Đại học từ lớp 1 để vừa lòng gia đình, còn ở Thụy Điển, từ khi lên 4 trẻ đã được quyền tự quyết việc học của mình - Ảnh 2.

Kỳ thi Đại học tại Trung Quốc được coi là khốc liệt nhất thế giới.

Xuất phát từ kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn khi con cái đỗ Đại học, không ít bậc phụ huynh ở châu Á đã mạnh tay chi tiền cho con học thêm. Họ thậm chí còn hi sinh thời gian nghỉ ngơi giải trí của bản thân để giúp con học tập với hy vọng sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi Đại học.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia hướng nghiệp, đỗ Đại học không phải là con đường duy nhất giúp các em học sinh có được công việc ổn định sau này. Tấm bằng Đại học cũng không phải thứ duy nhất đảm bảo thành công cho các em trong tương lai bởi còn rất nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn về khả năng mà vẫn có thể đem lại triển vọng nghề nghiệp không kém gì việc học Đại học.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM