Học công ty mẹ Alibaba, Lazada muốn trở thành "trùm" TMĐT ở nông thôn Việt Nam
Dù đang là kẻ tiên phong trong việc đánh chiếm thị trường thương mại điện tử ở vùng nông thôn Việt Nam, nhưng Lazada tin là họ thành công trong cuộc chiến này, bởi công ty mẹ Alibaba làm được thì họ cũng làm được.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thì chiến trường mới của các ông lớn thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Lazada và Shopee sẽ nhanh chóng dời về nông thôn trong nay mai, do thị trường thành thị đã bão hòa. Với việc 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, song chỉ có 30% giao dịch trực tuyến là diễn ra ở đây, đây vẫn là thị trường mênh mông để các sàn thương mại điện tử Việt Nam tha hồ khai thác.
Trong tất cả, Lazada đang là "đấu thủ" hăng máu nhất, trong khi cả Tiki và Shopee vẫn còn băn khoăn về vấn đề thanh toán – tài chính hay logistic khi về hoạt động ở nông thôn, thì Lazada đã rầm rộ tuyên truyền dự án "Làng nghề đặc sản online" trên khắp mặt báo.
Mặt khác, họ không chỉ ra mắt dự án mà còn đưa ra lộ trình thực hiện rất nhanh.
Ngày 28/3, họ công bố dự án tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019; ngày 9/4 – Lazada đã tổ chức Hội thảo "Đưa thương mại điện tử về nông thôn – Làng dừa Bến Tre Online" và tập huấn cho hơn 50 đại biểu cho cơ sở - hộ kinh doanh gia đình ở tỉnh Bến Tre; ngày 17/4 – CEO Lazada đến thăm 2 cơ sở sản xuất tham gia chương trình "Làng dừa Bến Tre Online" để rà soát những bước cuối cùng; cuối tháng 5 – ngày bán sản phẩm về dừa Bến Tre sẽ chính thức diễn ra trên các nền tảng của Lazada.
Mặc dù, theo chia sẻ từ Sở Công thương Bến Tre, chương trình gặp khá nhiều rào cản do không ít nông dân lớn tuổi sản xuất giỏi nhưng ngại tiếp xúc với công nghệ thông tin hoặc vẫn còn hộ kinh doanh chưa có hóa đơn chứng từ, khiến Sở phải dày công thuyết phục và giúp hoàn thiện thủ tục, song Lazada cảm thấy khó khăn đó không đáng kể.
Lazada đang tổ chức giới thiệu chương trình "Làng dừa Bến Tre Online" cho các hộ sản xuất ở Bến Tre.
Những thành công của Alibaba trong việc đưa thương mại điện tử len lỏi sâu vào các vùng nông thông cũng như bán được rất nhiều nông sản – đặc sản của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ra nước ngoài, khiến họ tin mình cũng sẽ làm được.
"Alibaba đã đánh chiếm được thị trường nông thôn Trung Quốc bằng mô hình Taobao Village – đặt một trạm Taobao ở mỗi ngôi làng, với hai chiến lược khác nhau: nếu ở đâu đã có đầy đủ hạ tầng như internet – đường thì Alibaba sẽ liên kết với các bên thứ ba để giúp các hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên Taobao, nếu không Aibaba sẽ đến làm đường cũng như hạ tầng internet. Lazada Việt Nam đang đi theo cách đầu tiên.
Ngoài Trung Quốc, Alibaba cũng đã rất thành công khi bán hàng đặc sản cho các nước khác, ví dụ như sầu riêng Thái Lan. Năm ngoái, chỉ trong 1 phút, Alibaba đã bán được 200 tấn sầu riêng Monthong của Thái trên sàn thương mại Tmall. Và năm nay, Alibaba đã tiếp tục đặt hàng thêm 3.000 tấn sầu riêng tại 3 tỉnh của Thái Lan. Alibaba đã thành công ở Thái, không cớ gì Lazada lại không thể thành công ở Việt Nam", ông Max Zhang – CEO Lazada Việt Nam khẳng định.
Còn về vấn đề thanh toán và logistic, theo ông Vũ Quốc Tuấn – Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam, thì doanh nghiệp này cũng đã có những phương án giải quyết thích đáng.
Ví dụ: trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thay vì thanh toán hoặc chia đơn hàng ra cho từng cá nhân, ở một cụm khu vực sẽ có một người đại diện và người đại diện đó sẽ nhận tất cả thanh toán qua tài khoản ngân hàng cũng như nhận đơn hàng chung và chia ra cho các cơ sở vệ tinh.
VN Post sẽ là "người đồng hành" của Lazada khi thực hiện dự án này và để tiết kiệm chi phí logistic, VN Post sẽ vận chuyển một số lượng lớn hàng của bà con rồi lưu ở kho của Lazada. Trong tương lai, ông Tuấn mong muốn là sẽ có nhiều cộng tác viên logistic của Lazada trong khu vực để họ có thể chủ động về nguồn hàng cũng như tiết kiệm chi phí logistic hơn.
Ngoài Lazada, thì các cơ sở sản xuất tham gia chương trình "Làng dừa Bến Tre Online" cũng rất hào hứng đợi tới ngày "lên sàn", ví dụ như cô Nguyễn Thị Kim Truyền – Chủ cơ sở sản xuất dầu dừa Thiên Ân hay chị Amy Lê – Chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Yes Coco.
Dù từng nhiều lần mua hàng trên Lazada, song cô Kim Truyền chưa từng bán hàng trên Lazada, tuy nhiên kinh nghiệm nhiều lần mua hàng khiến cô cảm thấy không quá khó với việc sẽ bán các sản phẩm của mình qua mạng. Hiện tại, cơ sở của cô có 8 nhân công, mỗi ngày sản xuất trung bình khoảng 60 lít dầu dừa và nếu chuyện bán hàng trên Lazada thuận lợi, cô sẵn sàng mướn thêm nhân công để tăng thu nhập thêm cho phụ nữ trong xóm, làm thủ tục lên công ty, mở rộng sản xuất.
CEO Lazada đang đến thăm cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ dừa Yes Co Co.
Cũng như thế, mục đích lên sàn Lazada của chị Amy Lê là muốn tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mà cơ sở chị sản xuất. Hiện tại, hầu hết sản phẩm của chị đều xuất khẩu, chưa bán nhiều ở nội địa do chưa làm tốt khâu sale – marketing. Với việc chỉ chuyên làm sản xuất không làm thương mại, khiến giá thành bán ra của sản phẩm Yes Coco khá thấp và theo chị Amy Lê nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ cơ sở của chị mà nhiều cơ sở làm thủ công mỹ nghệ khác trong khu vực phải đóng cửa.
Thông qua sự truyền thông – quảng bá của Lazada cũng như hoạt động trực tiếp bán hàng, bà chủ Yes Coco hy vọng sản phẩm của mình làm ra sẽ có giá trị gia tăng cao nhất – mang về lợi nhuận nhiều nhất do không phải qua mua bán khâu trung gian. Nếu đơn đặt hàng nhiều hơn công suất mà xưởng chị đang có, chị sẵn sàng liên kết với các cơ sở sản xuất khác chung quanh để cùng hưởng lợi.
Việc Lazada vội vàng như thế có lẽ một phần vì Amazon cũng đang lăm le xấm chiếm thị trường nông thôn. Theo Sở Công thương Bến Tre, thời gian gần đây, họ cũng vừa đón một đoàn chuyên gia của Amazon về khảo sát ở địa phương, do "người khổng lồ" đến từ Mỹ này cũng có ý định đưa đặc sản Việt Nam xuất khẩu ra khắp thế giới thông qua sàn thương mại điện tử của mình.