Học cao đẳng sau này có làm lãnh đạo được không, sếp Hoàng Nam Tiến nói thẳng: 29% lãnh đạo và quản lý của FPT chỉ có bằng cao đẳng, học giỏi chưa chắc đã làm giỏi

10/01/2024 16:31 PM | Sống

"Tôi có để ý những người học giỏi chưa chắc đã làm giỏi, bởi vì để học giỏi cần IQ rất cao, nó chỉ tập trung một vùng trên bộ não. Nhưng để làm việc giỏi thì cần kết hợp rất rất nhiều vùng trên bộ não", sếp Hoàng Nam Tiến cho hay.

Ông Hoàng Nam Tiến nguyên là Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học.

Gia nhập FPT năm 1993, sếp Tiến làm việc tại đây liên tục trong 30 năm và được coi là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của Tập đoàn. Ông được biết tới là một nhà quản trị, một chuyên gia công nghệ, một cố vấn trong hoạt động khởi nghiệp, một nhà giáo và một diễn giả được yêu thích.

Học cao đẳng sau này có làm lãnh đạo được không, sếp Hoàng Nam Tiến nói thẳng: 29% lãnh đạo và quản lý của FPT chỉ có bằng cao đẳng, học giỏi chưa chắc đã làm giỏi - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hoàng Nam Tiến tại buổi ghi hình podcast Vietsuccess - Ảnh: Vietsuccess

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến còn là người truyền cảm hứng thông qua những câu nói triết lý, lan tỏa tích cực trên mạng xã hội. Mới đây, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ lại trích đoạn ngắn trong một cuộc phỏng vấn của sếp Tiến bàn về khả năng lãnh đạo và sự quan trọng của giáo dục chứ không phải bằng cấp.

Cụ thể, tại buổi ghi hình podcast Vietsuccess, ông Hoàng Nam Tiến nói: "Tôi có để ý những người học giỏi chưa chắc đã làm giỏi, bởi vì để học giỏi cần IQ rất cao, nó chỉ tập trung một vùng trên bộ não. Nhưng để làm việc giỏi thì cần kết hợp rất rất nhiều vùng trên bộ não.

IQ cao cũng chưa đủ để làm lãnh đạo giỏi, và việc kết hợp giữa nhiều vùng trong bộ não đấy dẫn đến chỗ rất nhiều nhà lãnh đạo về kinh doanh thường khi còn trẻ là không học giỏi. Họ có những tính cách đặc biệt, nhưng thường là không học quá giỏi. Họ học giỏi nhưng không học quá giỏi

Vậy thì khi kết hợp nhiều vùng khác nhau của bộ não, dữ liệu được nạp liên tục trong nhiều năm trời thì tại thời điểm quyết định, phần lớn quyết định đều đi ngược lại đám đông. Như vậy mới tạo ra được sự khác biệt".

Hay trong một bài phỏng vấn với VTCNow năm 2022, sếp Hoàng Nam Tiến giải thích về phát ngôn "bằng cấp không quan trọng" của mình từng gây bão trên mạng xã hội.

Ông Tiến chia sẻ, trong một lần gặp hơn 500 sinh viên của trường Cao đẳng FPT đã nhận được câu hỏi từ một bạn trẻ là: "Anh Tiến ơi, em học cao đẳng thì sau này em có làm lãnh đạo được không?".

Đáp lại, ông Hoàng Nam Tiến lấy ví dụ từ chính đơn vị của mình: "Tại FPT telecom, 29% lãnh đạo và quản lý chỉ có bằng cao đẳng. Tất nhiên 71% còn lại là có bằng đại học hoặc trên đại học. Thế nhưng, tôi vẫn nói bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của chính các bạn. Năng lực là chuyên môn, năng lực về quản trị, năng lực về khả năng đặc biệt khác là tự học.

Ở công ty chúng tôi có những bạn còn chưa tốt nghiệp đại học, bạn đấy thực sự có năng lực, có trình độ mà ngay cả những bạn có bằng cấp cao cũng khó có thể so sánh. Bởi vì thật sự ở trường đời, mới là trường học lớn nhất".

Học cao đẳng sau này có làm lãnh đạo được không, sếp Hoàng Nam Tiến nói thẳng: 29% lãnh đạo và quản lý của FPT chỉ có bằng cao đẳng, học giỏi chưa chắc đã làm giỏi - Ảnh 2.

Sếp Hoàng Nam Tiến nhắn nhủ giới trẻ cần học suốt đời

Cũng theo sếp Hoàng Nam Tiến, ông không bao giờ quan tâm nhân viên của mình học từ trường nào ra. Bạn có thể học cao đẳng, trung cấp, hoặc thậm chí chưa có bằng đại học và trung cấp cũng không sao, miễn là bạn chứng minh được năng lực của mình.

Nguyên Chủ tịch FPT Software nhắn nhủ, thế hệ của ông đều đã già, còn thế hệ trẻ mới là hiện tại. Nếu thế hệ trước chỉ học một lần, thì thế hệ ngày nay phải học tập liên tục, học tập suốt đời và sẵn sàng học thêm nhiều cái mới.

"Giống như anh Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT từng nói, Việt Nam phải đi ra toàn cầu. Bởi vì có đi ra toàn cầu thì chúng ta mới thành "người lớn", mới có thể học được từ những quốc gia lớn nhất thế giới, học từ những doanh nghiệp lớn nhất thế giới và học được từ những người giỏi nhất thế giới", ông Tiến chia sẻ tại  podcast.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM