Học cách quản lý tài chính của 2 gia đinh này, vợ chồng bạn có thể tiết kiệm thêm vài triệu mỗi tháng
Sau khi kết hôn, làm sao để quản lý tài chính tốt là thắc mắc của nhiều vợ chồng trẻ.
Quản lý tài chính như thế nào sau khi mới kết hôn là bài toán đau đầu với những cặp vợ chồng mới cưới. Nên để dành bao nhiêu tiền tiết kiệm từ lương hàng tháng, mua sắm ra sao để không lỡ tiêu quá tay,... là muôn vàn vấn đề mà họ có thể gặp phải.
Các cặp đôi nghĩ sao về chuyện tiết kiệm sau khi kết hôn?
Lương Phan (làm trong lĩnh vực ngân hàng kiêm quản trị nội dung về đầu tư của một trang blog) chia sẻ trước khi kết hôn, anh từng rất sợ những áp lực về chi tiêu có thể ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Anh nhớ lại khoảng thời gian vừa kết hôn xong, vợ chồng đều cảm thấy bối rối khi phải chia sẻ về tình hình tài chính cá nhân. Chính vì thế, họ không có một thỏa thuận về tiền bạc dẫn đến phải trải qua một số kỷ niệm không mấy vui vẻ.
Lương Phan nhớ lại: "Khi kết hôn được hơn 1 tháng, tụi mình vẫn chưa thảo luận cùng nhau về tài chính chung. Tụi mình vẫn mạnh ai nấy lo, tự quản tiền của mình, chỉ trích ra khoảng 20% thu nhập cho đóng góp chung. Mình vẫn tiêu xài khá tự do. Nhưng mọi việc quả thực không ổn, khi mọi chi tiêu quá rạch ròi.
Thời điểm đấy, vợ mình có gặp vài rắc rối nhỏ trong công việc, cần tiền để giải quyết, nhưng nhất định không chịu hỏi mình mà lại vay tiền của bạn thân. Khi biết được chuyện này, tụi mình đã phải ngồi xuống nói chuyện với nhau rất lâu. Và vấn đề nằm ở chỗ, cả 2 đều ngại chia sẻ với nhau về tình hình tài chính cá nhân. Nếu cứ tiếp tục im lặng và không trao đổi về tài chính, có lẽ tụi mình sẽ không bao giờ thực hiện được những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, hay đơn giản là xây dựng sự gắn kết trong gia đình."
Kể từ thời điểm đó, vợ chồng Lương Phan đã quyết định cùng nhau thay đổi, ngồi xuống nói rõ ràng về tình hình tài chính để không còn khúc mắc về tiền nong của đối phương.
Một trường hợp khác, vợ chồng Trọng Trung (nhân viên văn phòng ở Hà Nội) đã quan tâm đến quản lý tài chính sau thời gian dài sống chung. Nhờ việc nâng cao thu nhập và cùng nhau thảo luận về tài chính, gia đình anh giờ thoải mái về tiền nong, chi tiêu cũng thoáng tay hơn so với mặt bằng chung. Song không phải vì vậy mà cặp đôi không chú trọng tiết kiệm tiền.
"Gia đình mình có một tiêu chí rất rõ ràng về tiết kiệm đấy là 'Tiết kiệm chứ không hà tiện' cho nên các khoản nào cần thiết phải chi tiêu bọn mình đều không ngần ngại chi", Trọng Trung chia sẻ.
Tiết kiệm bằng cách đầu tư vào những món đồ chất lượng
Đó là nguyên tắc quản lý tài chính của Trọng Trung. Anh chia sẻ, tổng thu nhập của gia đình là 65-80 triệu/tháng. Họ dành 45-50 triệu dùng cho sinh hoạt gia đình, trong đó có 20 triệu để trả nợ ngân hàng.
Bí quyết để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở đây của gia đình Trọng Trung là mua các đồ dùng tốt, chất lượng cao để có thể sử dụng được lâu dài. Như vậy họ sẽ không phải thay đồ nội thất hay gia dụng trong nhà quá nhiều, thế nên đây là 1 cách tiết kiệm khá tốt. Đồng thời, anh cho rằng nên dành thời gian tìm hiểu những thứ cần mua để có thể so sánh giá cả và tìm cho bản thân chỗ mua có lợi nhất.
Bên cạnh đó, tiêu chí quan trọng nhất đối với Trọng Trung trước khi quyết định "xuống tay" mua sắm đó là tính cấp thiết và tầm ảnh hưởng của món đồ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu một món đồ bạn mua và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn thì đấy chính là đáng để chi tiền.
"Ví dụ, cả mình và vợ đều thích uống nước ép hoa quả và sữa hạt vậy. Do vậy, thay vì bỏ tiền mua nước ép, sữa hạt đóng chai ngoài hàng thì bọn mình đầu tư một máy ép và một máy nấu sữa hạt đời mới nhất tại nhà luôn. Tính ra đấy là một khoản đầu tư cho sức khỏe. Khi mình vừa tiết kiệm tiền mua ngoài lại vừa nâng cao sức khỏe của bản thân, mình cho rằng lúc đó bản thân hoàn toàn lãi lớn trong phần đầu tư này".
Có kế hoạch rõ ràng về tài chính của gia đình
Sau quãng thời gian "lạc lối" với quản lý tài chính, vợ chồng Lương Phan quyết định chia tổng thu nhập thành quỹ chung và quy riêng. Kiên trì thực hiện theo nguyên tắc này, giờ họ đã tích lũy được 30% thu nhập hàng tháng cho việc tiết kiệm và đầu tư.
Lương Phan giải thích rõ hơn: "Quy tắc của việc này, là đảm bảo nguồn quỹ chung được ưu tiên nhất, sau đó là quỹ cá nhân để giữ sự riêng tư nhất định, cũng như thúc đẩy trách nhiệm kiếm tiền. Khoản quỹ chung sẽ được chi tiêu dựa trên sự thống nhất của cả 2 bên. Còn quỹ cá nhân sẽ là quyền tự do của mỗi người".
Về quỹ chung, cặp đôi thống nhất góp 50% thu nhập của mỗi người. Đây là khoản dùng cho chi tiêu chung của gia đình như chi phí sinh hoạt hàng ngày, chăm con, mua sắm đồ dùng chung, nội thất, nhu yếu phẩm,...
Tiếp đến, họ trích từ thu nhập của hai vợ chồng lần lượt là 10% cho tiết kiệm và 20% cho đầu tư. Khoản tiết kiệm được cặp đôi gửi riêng vào 1 tài khoản ngân hàng, dành cho việc khẩn cấp cần dùng tiền luôn. Khoản đầu tư được phân bổ vào bảo hiểm gia đình, bảo hiểm cho con, trái phiếu, dự án kinh doanh riêng. Đây là những khoản đầu tư dài hạn, ít lợi nhuận nhưng cũng ít rủi ro.
Cuối cùng là quỹ riêng của mỗi người. 20% thu nhập cá nhân được vợ chồng trích riêng để cả hai tự do tiêu xài.
"Quỹ này có thể không cần phải chia sẻ cùng nửa kia, mà có thể tùy ý sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, dù là tiêu xài hay đầu tư. Xây dựng quỹ riêng cũng là một cách giảm đi quỹ đen gây bất hòa trong gia đình", Lương Phan nói thêm.
Sau cùng, vợ chồng Lương Phan nhận định cả hai không quá cứng nhắc về vấn đề quỹ chung hay quỹ riêng. Chẳng hạn, anh chàng thường hay bỏ hết quỹ riêng để đầu tư thêm hoặc mua sắm cho vợ. Tuy nhiên, ưu tiên lớn nhất của họ vẫn là đổ đầy quỹ chung trước.
"Việc cân đối ngân sách chi tiêu gia đình là trách nhiệm của cả 2 bên. Vì thế, hãy sáng suốt lựa chọn những phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất, khiến cuộc sống hôn nhân trở nên nhẹ nhàng hơn", anh chàng nhắn nhủ.