'Hoang tưởng' sau khi đọc quá nhiều sách về thành công, tôi đã khởi nghiệp thất bại thảm hại như thế này đây!
Dù đã đọc qua rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công của những công ty nổi tiếng như Flipkart và Zomato nhưng đáng tiếc, chưa ai nói với tôi sự thật đau lòng rằng có tới 90% công ty mới thành lập thất bại chỉ trong vòng 2 năm đầu hoạt động.
Từng nghĩ có thể kiếm được hàng triệu USD nhờ công ty khởi nghiệp của mình nhưng thực tế tôi đã gặp phải thất bại thảm hại.
Dù đã đọc qua rất nhiều câu chuyện tuyệt vời về hành trình khởi nghiệp của những công ty nổi tiếng như Flipkart và Zomato nhưng đáng tiếc, chưa ai nói với tôi sự thật đau lòng rằng có tới 90% công ty mới thành lập thất bại chỉ trong vòng 2 năm đầu hoạt động.
Trường hợp của tôi thậm chí thảm hại hơn, công ty bị phá sản ngay trong năm đầu tiên.
Đôi lúc tôi cảm thấy như mình bị lừa nhưng rõ ràng lỗi lầm là do tôi gây nên. Tôi đã chỉ tin vào một phần của câu chuyện và vì vậy tôi viết những dòng này để kể cho các bạn nghe mặt còn lại. Bí mật đằng sau sự thất bại của những doanh nhân lần đầu khởi nghiệp.
Tháng 4/2013, tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái với bầu không khí tại văn phòng làm việc. Đó là một căn phòng nhỏ bé, buồn tẻ tại công ty IT có trụ sở ở Gurgaon. Ngoài việc lãng phí thời gian trên internet, tâm trí tôi luôn nghĩ về việc làm sao để giải phóng được mình ra khỏi công việc buồn tẻ này. Tôi hiểu mình cảm thấy không hạnh phúc với công việc hiện tại.
Tôi bắt đầu nghĩ sẽ bỏ việc và xây dựng công ty của riêng mình.
Thật tình cờ là lúc này, người anh rể của tôi cũng không còn thích thú với công việc làm thuê và chúng tôi bắt đầu bàn bạc về việc tạo dựng một doanh nghiệp của riêng mình, dù chưa hề chắc chắn về sản phẩm.
Hai anh em cảm thấy rất thoải mái khi làm việc cùng nhau. Nhờ tiết kiệm được một khoản tiền khá khi sống ở Mỹ, tôi quyết định dành toàn bộ số tiền này để khởi nghiệp thay vì mua một căn nhà.
Chúng tôi thành lập nên một công ty tư nhân có tên SchoolGennie với số vốn đầu tư 500 ngàn rupee mỗi người. Chúng tôi tìm được một vị trí đặt trụ sở văn phòng tại Gurgaon với số tiền thuê hàng tháng là 13.000 rupee, ngoài ra còn phải dành khoảng 1 ngàn rupee để cải tạo văn phòng này.
Về ý tưởng kinh doanh, hai anh em thống nhất muốn giải quyết vấn đề liên quan tới trường học bởi giáo dục là ngành kinh doanh tỉ đô. Giáo dục luôn là chi phí lớn thứ 2 đối với các bậc phụ huynh và chúng tôi nghĩ rằng bất kể sản phẩm nào xây dựng cho trường học chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận lớn.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định tạo ra một phần mềm trực tuyến cho các trường học để quản lý mọi thứ từ học phí, trang thiết bị, giao tiếp với phụ huynh…
Khi đã có ý tưởng, bước tiếp theo là cần xây dựng được một đội ngũ nhân viên giỏi. Tôi tự tin về khâu tuyển dụng này bởi người anh rể đồng sáng lập cùng tôi đã có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực nhân sự.
Vì lúc này cả tôi và anh rể đều vẫn đang tiếp tục làm công việc toàn thời gian nên trước hết chúng tôi cần phải thuê một người có kinh nghiệm để chịu trách nhiệm về tất cả công việc phát triển phần mềm này.
Tuy nhiên chúng tôi đã gặp cú sốc đầu tiên!
Dù gặp gỡ và trò chuyện cùng rất nhiều ứng viên tài năng nhưng không ai muốn tham gia vào một công ty khởi nghiệp non trẻ như chúng tôi cả.
Lúc đó tôi nghĩ do văn phòng của công ty chưa hoàn thiện nhưng khi tới tháng 6 chuyển vào văn phòng mới, việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn.
Cuối cùng chúng tôi tìm ra được một người tại Chandigard. Dù bị ấn tượng bởi kiến thức công nghệ vững chắc nhưng chúng tôi không tin tưởng vào kỹ năng quản lý của ứng viên này. Tuy nhiên, vì không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi đã quyết định chọn người này với mức lương không hề nhỏ lên tới 60.000 rupee mỗi tháng cùng những ưu đãi khác nếu công ty bắt đầu có doanh thu vào cuối năm.
Bước tiếp theo chúng tôi cùng nhau hoàn thành phiên bản đầu tiên của sản phẩm. Ai cũng tự tin rằng sản phẩm của mình sẽ tạo nên bom tấn trên thị trường.
Đến lúc này, cả tôi và đồng sáng lập đã sẵn sàng nghỉ việc để chấp nhận rủi ro và dành toàn lực cho công ty khởi nghiệp. Để tiện cho việc bán hàng, tôi chuyển văn phòng tới Chandigard và điều hành hoạt động ở đó, chỉ để lại đội ngũ sales ở Gurgaon.
Cú sốc thứ 2 ập đến: Chúng tôi không thể bán được hàng!
Dù đã rất nỗ lực như hẹn gặp đối tác, gửi email chào hàng tới lãnh đạo các trường học, giá phần mềm rẻ hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh nhưng không có bất kỳ đơn đặt hàng nào được thực hiện cả.
Lúc này tôi đã nhận ra một vài bất cập trong khâu bán hàng của công ty. Trong khi tôi muốn tập trung chào hàng tới các trường học nhỏ, dù sẽ kiếm được ít tiền hơn nhưng quang điểm của người đồng sáng lập lại hoàn toàn ngược lại. Căng thẳng giữa hai người bắt đầu leo thang.
Lúc này, chúng tôi quyết định thuê một nhân viên bán hàng giỏi nhất tại công ty đối thủ. Tuy nhiên sau 1 tháng, thật không thể tin được là người này cũng không thể mang về cho công ty bất cứ hợp đồng nào.
Trên thực tế tại công ty cũ, anh ta có thể bán được sản phẩm là nhờ thương hiệu và uy tín, còn tại công ty khởi nghiệp như của chúng tôi, anh ta rõ ràng chưa tìm ra được cách tốt nhất để bán hàng.
Lúc này công ty đã cạn tiền!
Trước thực tế đó, tôi và người đồng sáng lập đã cùng nhau thảo luận rất nhiều về chiến lược cũng như đường hướng phát triển tiếp theo. Tuy nhiên mọi ý kiến lúc này đều không còn hoà hợp với nhau nữa. Tôi hiểu rằng nếu tiếp tục làm việc cùng nhau, thậm chí tôi và đồng sáng lập sẽ không thể giữ được mối quan hệ anh em.
Kết quả là chúng tôi buộc phải bàn tới vấn đề quyền sở hữu và chủ sở hữu công ty. Cuối cùng, người anh rể đã quyết định kiểm soát lại toàn bộ công ty và sẽ trả lại tiền vốn góp cho tôi nếu công ty có thể phát sinh lợi nhuận trong tương lai.
Như vậy, cả hai chúng tôi đã tiêu tốn cả núi tiền cho một sản phẩm mà không ai muốn mua. Thảm hại hơn nữa là chỉ 1 vài tuần sau, đồng sáng lập của tôi cũng không thể tiếp tục mà buộc phải đóng cửa công ty SchoolGennie và tìm một công việc làm thuê mới.
Còn tôi, ngoài việc mất gần như tất cả vào giấc mơ khởi nghiệp với SchoolGennie, tôi đã nhận thêm được một số bài học đắt giá cho cuộc sống!