Hòa Phát sẽ sản xuất 500.000 container/năm, tỷ phú Trần Đình Long tự tin chi phí sản xuất thấp hơn các đối thủ Trung Quốc

22/04/2021 11:52 AM | Kinh doanh

Chi phí sản xuất container của Hòa Phát thấp nhờ chi phí nhân công thấp, đồng thời công ty tự chủ được nguyên liệu sản xuất quan trọng là thép đặc thù chống chịu thời tiết.

Sáng 22/4, Tập đoàn Hòa Phát tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Năm nay, Hòa Phát trình cổ đông phương án cổ tức 35%, trong đó 30% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, một cổ đông đã đề xuất tăng tỷ lệ cổ tức từ 35% lên 40% và sau thời gian thảo luận, ban chủ tọa đã đồng ý với đề xuất này. Do đó, cổ tức năm 2020 của Hòa Phát được tăng lên 40%, trong đó 35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Dự kiến, tỷ lệ cổ tức năm 2021 cũng là 40%.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, Hòa Phát lãi quý 1 đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính là 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận từ bán mảng nội thật là 500 tỷ đồng. Theo ông Long, mảng nội thất của Hòa Phát đã được bán cho nhà đầu tư cá nhân. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận 18.000 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận đã hoàn thành gần 40%.

Nói về sản xuất container, ông Long cho biết việc sản xuất là rất đơn giản, bởi Hòa Phát hiện nay làm chủ được cả nguyên vật liệu đầu vào lẫn kỹ thuật sản xuất. Trong cơ cấu của container, khoảng 60% là thép đặc thù chống chịu thời tiết và Hòa Phát làm ra được loại thép này, nhờ là nhà sản xuất thép thô cán nóng HRC. Trong khi đó, nếu nhập khẩu loại thép này chỉ để sản xuất container thì sẽ thua lỗ.

Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất khoảng 500.000 container một năm, khi đó sẽ tiêu thụ được khoảng 1 triệu tấn thép đầu ra, phần nào cũng tạo ra đầu ra cho nhà máy thép.

Đáng chú ý, ông Long khẳng định cơ cấu chi phí sản xuất container của Hòa Phát sẽ tốt hơn cả các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, bởi lương nhân công rẻ hơn. "Thu nhập một công nhân hàn của Trung Quốc quy ra tiền Việt khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng", ông Long nói. Ông Long lạc quan về mảng sản xuất container khi nhận thấy nhu cầu thị trường đang tăng rất nhanh và đang có làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Về dự án Dung Quất 2, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành năm 2024, tổng vốn đầu tư 70.000 tỷ đồng và vốn lưu động 15.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cho ra khoảng 5 triệu tấn HRC/năm.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM