Hoà Phát chịu thêm “kiếp nạn” mới với Thép cuộn cán nóng
Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng từ Việt Nam, 2 cái tên bị khiếu nại là Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Ngày 30/7/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Danh sách các nhà sản xuất bị khiếu nại bao gồm CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) và Thép Formosa Hà Tĩnh. Đây cũng là 2 doanh nghiệp duy nhất có thể sản xuất Thép cuộn cán nóng tại Việt Nam.
Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra.
Trước thông báo trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Đây là “kiếp nạn” mới đánh vào các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp này đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của thép HRC nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo thống kê của hải quan, tính riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng, bằng 151% sản lượng sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.
Với riêng Hoà Phát, trước sự tràn vào thị trường của thép nhập giá thấp, Tập đoàn này ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong tiêu thụ HRC tại nội địa. Sản lượng thép cuộn cán nóng của Hoà Phát trong Q2/2024 giảm 10% so với Q1/2024.
Về giá bán, giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết Q2/2024.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng và việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn lên Bộ Công thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Động thái này gặp phải sự phản đối dữ dội của các doanh nghiệp tôn mạ - nhóm doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào là HRC. Tuy nhiên, ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 3 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6/2024.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.