Hồ tiêu lại đối mặt với nguy cơ phải “giải cứu”

21/03/2018 19:45 PM | Xã hội

Những dự đoán và cảnh báo về vỡ quy hoạch hồ tiêu và khủng hoảng thừa mặt hàng nông sản này đã được nhắc đến từ cách đây 2 năm, khi nhiều hộ nông dân chặt điều và trồng ồ ạt hồ tiêu khi thấy giá hồ tiêu tăng cao.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù giá hồ tiêu đã xuống rất thấp, nhiều nông dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, và nguy cơ giải cứu loại nông sản này lại hiện hữu. Câu chuyện trồng theo phong trào đã được nhắc đến nhiều lần, xảy ra với nhiều loại nông sản nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2015, hồ tiêu đạt tới mức 200.000 đồng/kg, gấp 4 lần so với giá thành.

Do vậy, năm 2010, nếu cả nước chỉ trồng 51.500ha hồ tiêu, thì đến hết năm 2017, con số này đã lên tới trên 152.000ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch năm 2020 trên 100.000ha. Chính mức lãi khủng này đã khiến một số nông dân mở rộng diện tích ngoài quy hoạch.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nông dân đa dạng diện tích bằng cách trồng xen hồ tiêu vào cà phê, có khoảng 15-20% diện hồ tiêu trồng xen.

Đáng báo động là hiện nay, mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp, chỉ còn 61.000 đến 62.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ dân các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… vẫn tiếp tục tự phát mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Số liệu từ Cục Trồng trọt cho thấy, chỉ riêng năm 2017, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã trồng mới thêm trên 16.207ha. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu trồng mới nhiều nhất với trên 5.500ha.

Trực trạng phá vỡ quy hoạch, ào ào trồng hồ tiêu ở cả những vùng đất không thích hợp, sử dụng nhiều giống tiêu không rõ nguồn gốc… khiến mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên có hàng ngàn hécta tiêu bị sâu bệnh hại, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm làm thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Đáng lo ngại nhất, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do cung vượt cầu, giá tiêu trên thế giới nói chung và giá tiêu ở Việt Nam đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua.

Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn hơn 60.000 đ/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đ/kg. Nếu xu hướng giá vẫn tiếp diễn như hiện nay, chúng ta lại có nguy cơ phải “giải cứu” hồ tiêu, trong khi so với các loại nông sản khác, hồ tiêu thuộc dạng sản phẩm không thể dùng nhiều trong các bữa ăn của người Việt.

Thực tế, cách đây hơn một năm, giá hồ tiêu cũng xuống thấp và nhiều hộ trồng tiêu đã đứng trước nguy cơ phá sản.

Vào thời điểm đó, Hiệp hội Hồ tiêu cũng đã phải đưa ra 7 giải pháp khẩn cấp để “giải cứu” hồ tiêu như đẩy công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu, đăc biệt trình độ canh tác theo VietGAP, Global GAP, canh tác theo hướng xen canh; các cơ quan chuyên trách của ngành nông nghiệp trung ương, địa phương và các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu đều phải có trách nhiệm để có hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu; quản lý chặt hơn nữa việc sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo chuỗi, có chứng nhận xuất xứ vùng trồng, giảm bớt trung gian trong khâu thu mua nguyên liệu để có thể kiểm soát được chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn, có giá trị cao như Mỹ, châu Âu…

Và giải pháp cốt lõi nhất được Hiệp hội Hồ tiêu đưa ra là cần quy hoạch diện tích trồng hồ tiêu cả nước ổn định ở mức 100.000ha. Tuy nhiên, đến nay, con số diện tích trồng hồ tiêu đã tăng vọt lên 152.000ha.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung giảm diện tích ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết.

Ông Cường cũng lưu ý, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn… không nên phát triển ồ ạt diện tích và sản lượng. Nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, ngành hồ tiêu không chỉ có bị tụt hậu mà còn có phá vỡ ngành hàng, không có người mua, giảm uy tín sản phẩm.

Theo Cục Trồng trọt, tiêu Việt Nam chiếm khoảng 58% thị phần xuất khẩu trên thế giới. Mặc dù, là nước xuất khẩu hàng đầu nhưng chưa phải là nơi chế biến và thương mại hàng đầu thế giới. Do vậy, cần tiếp tục hỗ tợ xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi, thí điểm như vậy ngành tiêu mới phát triển bền vững.

Theo Chi Linh

Cùng chuyên mục
XEM