Hồ sơ Panama cho ta thấy quan điểm của DN lớn Việt Nam: Đóng thuế nhiều không hẳn đã tốt, đóng thuế tối thiểu mà vẫn hợp pháp mới đáng tự hào

17/05/2016 09:46 AM | Kinh doanh

Lá chắn thuế, khấu hao nhanh là 2 trong số những cách cơ bản nhất để doanh nghiệp có thể giảm bớt số thuế phải nộp mà hoàn toàn hợp pháp. Dưới góc độ doanh nghiệp, càng ít phải đóng thuế, doanh nghiệp càng có cơ hội tái đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.

Hơn một tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng cả trong nước và thế giới đều bận rộn với website offshoreleaks của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), sau khi trang này chính thức công bố danh sách các cá nhân và tổ chức có mở công ty và và tài khoản tại các thiên đường thuế trên thế giới, như Cayman, British Virgin Islands, Panama...

Danh sách của ICIJ đã tiết lộ hàng loạt đại gia tên tuổi, như ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Đàm Bích Thủy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn...

Một số người vội vã lên án các nhân vật có tên trong danh sách offshoreleaks, cho rằng những người này trốn thuế, làm ăn bất chính, không minh bạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào chỉ với 1 bản danh sách, bởi việc mở công ty offshore ở nước ngoài là hoàn toàn hợp pháp, và chúng ta chưa có bằng chứng nào về việc trốn thuế hay hoạt động phi pháp của các đại gia.

"Trốn thuế" là hành động phi pháp và sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, "lách thuế" hay "tránh thuế" lại là hoạt động hợp pháp, sử dụng những khe hở của pháp luật, sự lỏng lẻo và các tình huống mà pháp luật chưa cấm để hưởng ưu đãi về thuế.

Và có lẽ trong con mắt của những người làm kinh doanh, những người "tránh" được nhiều thuế càng nhiều càng tốt mới là những người làm ăn hiệu quả. Bởi lẽ, để tránh được nộp thuế cho cơ quan quản lý, mà vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật, đó phải là những người am hiểu về luật pháp, hiểu rõ luật chơi để tận dụng tối đa lợi thế cho mình nhất.

Dễ thấy, những người đã tính đến việc né thuế đều là những người tạo ra rất nhiều tiền, sở hữu những DN top đầu tại Việt Nam. Càng có nhiều tiền, các DN càng phải "vắt óc" nghĩ cách làm sao để đồng tiền của mình phải đóng thuế ít nhất.

Có lẽ, cũng chính vì thế mà những người trong cuộc như ông Nguyễn Duy Hưng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khi trả lời phỏng vấn đều có thái độ bình thản chứ không hề tỏ ra lo lắng. Các đại gia này đều đồng loạt khẳng định, việc có tên trong danh sách Panama là hợp pháp và hoàn toàn bình thường được luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế cho phép.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn giảm thuế

Nếu đóng thuế luôn được tuyên truyền là nghĩa vụ đáng tự hào của bất kỳ người dân hay doanh nghiệp nào thì có một sự thực, đó là nhu cầu "tránh thuế" lại là một nhu cầu chính đáng với tất cả mọi người và tất cả doanh nghiệp.

Mối quan hệ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp có thể ví như một trò chơi, với luật chơi do Nhà nước đề ra, doanh nghiệp nào chơi giỏi sẽ là người chiến thắng. Tất nhiên, giỏi ở đây nghĩa là phải nộp ít thuế hơn (so với mức quy định).

Không cần phải sang tận Panama, các doanh nghiệp từ xưa đến nay vẫn luôn có nhiều cách để có thể giảm bớt số tiền thuế phải đóng cho chính phủ, và tất nhiên, vẫn hoàn toàn hợp pháp.

Lấy ví dụ, thuật ngữ "lá chắn thuế - tax shield" có lẽ đã quá quen thuộc với giới tài chính. Tax shield là việc doanh nghiệp giảm lợi nhuận trước thuế bằng các loại chi phí khác nhau, như khấu hao, chi phí lãi vay, làm từ thiện... qua đó, giảm số tiền thuế pahri nộp.

Trong trường hợp chi phí lãi vay, nếu doanh nghiệp có 100 tỷ doanh thu, trừ đi 50 tỷ chi phí, lợi nhuận trước thuế còn lại 50 tỷ. Đóng thuế 20%, doanh nghiệp mất 10 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp đi vay ngân hàng để hoạt động, phải trả lãi vay thêm 10 tỷ đồng, lúc đó, chi phí tăng lên thành 60 tỷ, lợi nhuận trước thuế còn 40 tỷ, đóng thuế chỉ 8 tỷ. Như vậy, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 2 tỷ để có thể tái đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc làm nhiều việc khác.

Hoặc đối với trường hợp khấu hao cũng tương tự. Nếu doanh nghiệp cảm thấy năm nay làm ăn phát đạt, doanh nghiệp đó sẽ lựa chọn phương án khấu hao tài sản nhiều hơn để đẩy chi phí, và ngược lại chọn phương án khấu hao ít hơn nếu cảm thấy lợi nhuận thấp.

Xét tiếp ví dụ ở trên, doanh nghiệp đang có doanh thu 100 tỷ, chi phí 60 tỷ, lãi trước thuế 40 tỷ và đóng thuế 8 tỷ. Trong đó, khoản chi phí 60 tỷ đã bao gồm chi phí khấu hao của một chiếc ô tô trị giá 150 tỷ, khấu hao trong 10 năm (tương đương 15 tỷ/năm).

Nếu doanh nghiệp lựa chọn phương án khấu hao nhanh tài sản, đẩy chi phí khấu hao cho chiếc ô tô tăng lên 30 tỷ cho năm đầu tiên, khi đó, chi phí sẽ tăng lên 75 tỷ đồng, lãi trước thuế còn 25 tỷ đồng, tiền thuế phải nộp chỉ còn 5 tỷ đồng.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tránh thuế qua ESOP

Không chỉ có các doanh nghiệp, mà thuế đánh vào các cá nhân cũng có nhiều cách để giảm bớt. Trong đó, việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên là cách thưởng hiệu quả nhất, bởi tránh được số thuế thu nhập cá nhân cao ngất ngưởng.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện điều này, như Masan, Thế giới di động hay sắp tới là Vinamilk đang xin ý kiến cổ đông để phát hành cổ phiếu ESOP. Lấy ví dụ, một công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán muốn thưởng 100 tỷ cho nhân viên. Nếu thưởng tiền mặt, nhân viên đó sẽ đóng thuế 35%, mất ngay 35 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty chọn phương án thưởng 1 triệu cổ phiếu cho nhân viên, cổ phiếu đang có thị giá 100.000 đồng. Như vậy, nếu nhân viên bán ngay toàn bộ số cổ phiếu, cũng sẽ thu được 100 tỷ đồng trong khi số thuế phải nộp là 0,1% giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán, tương ứng... 100 triệu đồng, tiết kiệm 34,9 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã giảm được thuế cho nhân viên mà vẫn hoàn toàn hợp pháp.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM