Hình ảnh nữ đại gia Trương Mỹ Lan sau hơn 1 năm bị tạm giam

05/03/2024 14:04 PM | Xã hội

So với lúc bị bắt vào tháng 10/2022, sáng nay (5/3), bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được dẫn giải đến TAND TPHCM, trong trang phục áo trắng, thần sắc tươi tỉnh và có phần trẻ hơn so với tuổi 68.

Vào tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan (SN 1956, trú tại TPHCM, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 3 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.

Sáng nay (5/3), bị cáo Trương Mỹ Lan được 2 cán bộ lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp áp giải đến TAND lúc 6h45. Bị cáo Trương Mỹ Lan trông tươi tỉnh, thần sắc sáng hơn so với lúc bị bắt vào tháng 10/2022.

Bà Trương Mỹ Lan mặc áo sơ mi trắng, quần sẫm màu.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị TAND TP HCM xét xử về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàngvà Tham ô tài sản liên quan đến việc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.

Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan. Khai báo lý lịch tại tòa, ông Chu Lập Cơ cho biết, sức khỏe ổn định.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan những năm về trước.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bà Lan.

Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, thành lập một số đơn vị thuộc ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Tiếp đó, thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau khi giải ngân.

Trương Mỹ Lan đã sử dụng hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước, lấy Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, chia thành bốn nhóm chính (nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty ma tại Việt Nam, mạng lưới các công ty tại nước ngoài) để lập khống hồ sơ vay. Tổng cộng SCB giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.

Tính đến ngày 17/10/2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó, từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng. Tổng số tiền Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.

Trương Huệ Vân (cháu bà Lan, 36 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xác định vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan, gây thiệt hại gần 1.100 tỷ đồng.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM làm chủ tọa.

Các đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa.

Dự kiến, phiên toà kéo dài đến 29/4.

Toàn cảnh các bị cáo ngồi trong phòng xử án chính của TAND TPHCM.

Một số bị cáo được sắp xếp ngồi tại khu vực ngoài phòng xử chính do phòng xử chính không đủ chỗ cho tất cả bị cáo.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM