Hiệu ứng giãn nở thời gian: Khi nào thì 1 giây kéo dài thành cả phút, 1 phút trôi qua như 1 giờ, còn chúng ta như bước vào một dòng thời gian hoàn toàn khác biệt?
Khi chúng ta bước vào trạng thái "siêu tiếp nhận", chúng ta đồng thời cũng nhảy vào một dòng thời gian khác trong tâm trí. Và dòng thời gian này trôi chậm hơn rất nhiều so với dòng thời gian thực.
Như tất cả những ai từng đi học đều biết, khoảng thời gian 5 phút trước khi hết giờ làm bài kiểm tra dường như là khoảng thời gian mà chúng ta làm được nhiều việc nhất:
Soát lại bài một lượt, chọn bừa tất cả những câu trắc nghiệm còn bỏ lại, thậm chí là viết nốt phần kết luận cho bài văn dài cả nửa trang giấy.
Trong khi đó, 5 phút đầu giờ kiểm tra, chúng ta thường chỉ bấm đầu bút bi mà không biết làm gì cả.
Rõ ràng, có điều gì đó rất kỳ lạ đã xảy ra ở đây? Cùng là 5 phút, cùng là 300 giây, nhưng thời gian mà chúng ta cảm nhận thấy trong não bộ là khác nhau.
Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra trong bóng đá. Bạn có để ý những phút bù giờ bao giờ cũng có vẻ trôi qua chậm hơn so với cùng khoảng thời gian thi đấu chính thức hay không?
Đó là lúc mà các tình huống bóng diễn ra dồn dập, trọng tài thì mãi không thổi còi, còn chúng ta thì đếm ngược từng giây trên đồng hồ điện tử.
"Nó được gọi là Hiệu ứng thời gian nở rộng ", tiến sĩ Steve Taylor, giảng viên tâm lý học đến từ Đại học Leeds Beckett, Anh Quốc cho biết.
Trong cuốn sách mới cùng tên của mình, tiến sĩ Taylor đã giải thích cặn kẽ những gì mà các nhà khoa học như ông biết được, cho tới thời điểm này, về cách mà con người chúng ta cảm nhận thời gian theo tốc độ khác nhau.
Khi nào thì thời gian nở rộng?
"Chúng ta đều biết rằng thời gian dường như trôi qua với tốc độ khác nhau trong những tình huống khác nhau. Ví dụ, thời gian trôi chậm hơn khi chúng ta đi du lịch đến những nơi xa lạ. Một tuần ở nước ngoài có vẻ dài hơn nhiều so với một tuần ở nhà.
Thời gian cũng có vẻ trôi chậm hơn khi chúng ta buồn chán hoặc đau đớn. Ngược lại thì thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta ở trạng thái tập trung, chẳng hạn như khi chúng ta chơi nhạc chơi cờ, khi chúng ta vẽ tranh hoặc khi chúng ta nhảy.
Và nhìn chung, càng lớn tuổi thì mọi người sẽ càng thấy thời gian trôi nhanh hơn", tiến sĩ Taylor cho biết.
Mặc dù vậy, những sự biến thiên về thời gian này hầu hết xảy ra rất rất nhẹ, bạn phải cực kỳ tinh tế thì mới có thể phát hiện ra và hầu như không có cách nào để đo lường xem thời gian thực và thời gian cảm nhận chênh nhau bao nhiêu.
Trong nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Taylor đã tập trung mô tả các sự kiện mà trong đó, thời gian thực sự bị nén lại trong não bộ và trôi cực kỳ chậm.
Đó là thứ mà ông gọi là "TEE", viết tắt từ "time expansion experiences" hay "trải nghiệm thời gian nở rộng". "Trong một sự kiện TEE, một giây có thể kéo dài ra thành cả phút", tiến sĩ Taylor viết.
"Lý do tại sao thời gian có thể nhanh hơn và chậm lại vẫn còn là một điều bí ẩn. Một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả tôi, cho rằng những thay đổi nhẹ trong nhận thức về thời gian có liên quan đến quá trình xử lý thông tin.
Theo nguyên tắc chung, khi não bộ chúng ta phải xử lý càng nhiều thông tin, thì thời gian trôi qua đối với chúng ta sẽ càng chậm. Thời gian trôi chậm đối với trẻ em vì chúng sống trong một thế giới mà mọi thứ đều là thông tin mới mẻ.
Ngược lại, thời gian trôi nhanh với người già vì mọi thứ với họ đều đã trở thành quen thuộc, não bộ không cần thiết phải nhận thức chúng. Hơn nữa, não bộ của người già còn bị lão hóa khiến nhận thức chậm đi đối nghịch với não bộ trẻ đang phát triển.
Giả thuyết về lượng thông tin này cho phép chúng ta giải thích nhiều hiện tượng TEE, từ 5 phút cuối giờ kiểm tra, 15 phút bù giờ kéo dài như vĩnh cửu trong trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan 3 ngày trước, cho đến việc tại sao bạn thấy một năm qua trôi qua thật nhanh, vèo cái đã đến Tết.
"Môi trường mới kéo dài thời gian vì chúng ta không quen thuộc. Tập trung làm thời gian co lại vì sự chú ý của chúng ta cũng thu hẹp, khi đó tâm trí chúng ta trở nên tĩnh lặng, với ít suy nghĩ lướt qua. Ngược lại, sự buồn chán kéo dài thời gian vì tâm trí của chúng ta khi đó cứ đi lang thang, bị lấp đầy bởi một lượng lớn suy nghĩ huyên thuyên", tiến sĩ Taylor cho biết.
Thế nhưng, vẫn có những hiện tượng thời gian nở rộng rất đặc biệt đến độ cực đoan mà khoa học chưa thể giải thích.
Trải nghiệm thời gian nở rộng cực đoan
Đó là những trải nghiệm thời gian nở rộng xảy ra trong tình huống mà bạn gặp nguy hiểm, như một tai nạn giao thông, khi bị ngã hoặc bị tấn công.
Trong trải nghiệm thời gian rộng cực đoan này, thời gian dường như giãn nở nhiều gấp bội so với bình thường. Một nghiên cứu của tiến sĩ Taylor cho thấy khoảng 85% tất cả chúng ta đều từng trải qua loại TEE cực đoan này ít nhất 1 lần trong đời.
Trong số đó 50% sự kiện TEE sẽ xảy ra trong các tình huống nguy hiểm.
"Trong những tình huống như vậy, mọi người thường ngạc nhiên về lượng thời gian mà họ có để suy nghĩ và hành động. Trên thực tế, nhiều người tin rằng việc thời gian nở rộng đã cứu họ khỏi chấn thương nghiêm trọng, hoặc thậm chí quyết định đến việc họ sống hay chết - vì nó cho phép họ thực hiện các hành động phòng ngừa mà thông thường họ không thể", tiến sĩ Taylor nói.
Ví dụ, một người phụ nữ trong nghiên cứu của ông cho biết bà ấy đã né được một thanh sắt rơi xuống người mình, vì trong khoảnh khắc đó, bà đã thấy thanh sắt rơi chậm hơn bình thường.
Các sự kiện TEE cực đoan cũng rất phổ biến trong thể thao. Ví dụ, một người chơi khúc côn cầu trên băng đã nói rằng trong một tình huống bóng kéo dài chỉ 8 giây, nhưng anh ấy thấy mọi thứ dường như đã kéo dài 10 phút.
Các cầu thủ và cả các thủ môn tham gia vào loạt sút luân lưu thường thấy mình bị căng thẳng vì khoảnh khắc bóng lăn vào gôn hay ra ngoài dường như đứng kéo hơn thường lệ.
TEE cực đoan cũng xảy ra trong các tình huống mà cầu thủ vào bóng và gặp chấn thương. Họ báo cáo thời gian như đóng băng, trong khoảnh khắc mà họ bị va chạm, nhưng cơ bắp không phản ứng kịp để tránh va chạm đó.
Trên thực tế, có một độ trễ nhất định giữa việc bạn ra quyết định và suy nghĩ của bạn chạy từ não xuống các cơ bắp để bạn tránh được một cú va chạm.
Ngoài ra, tiến sĩ Taylor cho biết hiệu ứng thời gian nở rộng cũng được báo cáo ở những người thiền định. Đặc biệt, nó rất phổ biến trong nhóm những người sử dụng chất kích thích gây ảo giác như LSD hoặc cần sa.
"Trong bộ sưu tập các trường hợp TEE của tôi, khoảng 10% là có liên quan đến chất gây ảo giác. Một người đàn ông nói với tôi rằng, trong một trải nghiệm LSD, anh ta nhìn vào đồng hồ bấm giờ trên điện thoại của mình và "một phần trăm giây trôi chậm như một giây bình thường. Đó thực sự là sự giãn nở thời gian rất mãnh liệt", tiến sĩ Taylor nói.
Nhưng tại sao lại vậy?
Một giả thuyết cho rằng những trải nghiệm này có liên quan đến việc giải phóng adrenaline - một hormone đồng thời là chất dẫn truyền thần kinh trong các tình huống khẩn cấp. Nó khiến mọi giác quan của chúng ta từ thị giác, thính giác cho tới xúc giác đều trở nên nhạy cảm và tinh nhanh hơn, giúp chúng ta phản ứng để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Điều thú vị là trong các tình huống này, mặc dù tính mạng của chúng ta có thể gặp nguy hiểm, nhưng chúng ta đều sẽ cảm thấy bình tĩnh một cách kỳ lạ.
"Ví dụ, một người phụ đã kể với tôi về một lần cô ấy bị ngã ngựa: "Tai nạn xảy ra trong chớp mắt nhưng toàn bộ khoảnh khắc ấy dường như đã kéo dài ra trong vài phút. Cô ấy cực kỳ bình tĩnh, không quan tâm đến việc con ngựa vẫn chưa lấy lại được thăng bằng và rất có thể sẽ ngã đè lên người mình", tiến sĩ Taylor cho biết.
Mặc dù giả thuyết adrenaline tác động đến não bộ thường được nhiều người sử dụng, nhưng nó không thể giải thích tại sao một số người thiền định, chẳng gặp phải nguy hiểm gì mà chỉ ngồi một chỗ, cũng cảm nhận được thời gian trôi chậm lại.
Do đó, tiến sĩ Taylor đã chuyển sang một giả thuyết khác gọi là sự thích nghi tiến hóa. "Có thể tổ tiên của chúng ta đã phát triển khả năng làm chậm thời gian trong các tình huống khẩn cấp – chẳng hạn như khi chạm trán với động vật hoang dã nguy hiểm hoặc thiên tai – để tăng cơ hội sống sót", ông nói.
"Ngoài ra, có một giả thuyết thứ ba cho rằng TEE không phải là trải nghiệm thời gian thực, mà chỉ là ảo giác của sự hồi tưởng. Trong những tình huống khẩn cấp, theo giả thuyết này, nhận thức của chúng ta trở nên nhạy bén, do đó chúng ta tiếp nhận nhiều nhận thức hơn bình thường.
Những nhận thức này được mã hóa trong ký ức của chúng ta, do đó khi chúng ta nhớ lại tình huống khẩn cấp đó, những ký ức thêm vào đã tạo ra ấn tượng rằng thời gian đã trôi qua chậm hơn".
Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn vấp phải một thực tế, là nhiều người trải qua sự kiện thời gian nở rộng chắc chắn rằng họ đã có thêm thời gian để suy nghĩ và hành động.
Sự giãn nở của thời gian cho phép một loạt các suy nghĩ và hành động phức tạp mà sẽ không thể thực hiện được nếu thời gian trôi qua với tốc độ bình thường.
Trong một cuộc thăm dò gần đây với 280 người trải qua sự kiện TEE, tiến sĩ Taylor thấy chỉ có dưới 3% tin rằng trải nghiệm này là ảo tưởng. Khoảng 87% tin rằng đó là trải nghiệm thực sự xảy ra ở hiện tại, trong khi 10% không chắc chắn nó là thực hay ảo.
Giả thuyết của riêng tiến sĩ Taylor: Siêu tiếp nhận và một dòng thời gian khác trong tâm lý
"Theo quan điểm của tôi, chìa khóa để hiểu hiện tượng thời gian nở rộng xoay quanh các trạng thái ý thức thay đổi. Cú sốc đột ngột của một tai nạn có thể phá vỡ các quá trình tâm lý bình thường của chúng ta, gây ra sự thay đổi đột ngột trong ý thức. Trong thể thao, các trạng thái thay đổi dữ dội này cũng xảy ra do hiện tượng mà tôi gọi là "siêu tiếp nhận".
Sự tiếp nhận các kích thích giác quan thường làm thời gian trôi nhanh hơn – như trong trạng thái "flow", khi chúng ta đắm chìm vào một nhiệm vụ. Nhưng khi sự tiếp nhận trở nên đặc biệt mãnh liệt, trong một thời gian dài tập trung liên tục, điều ngược lại xảy ra và thời gian chậm lại đáng kể.
Các trạng thái ý thức thay đổi cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác về bản sắc, và cảm giác tách biệt giữa chúng ta và thế giới. Như nhà tâm lý học Marc Wittmann đã chỉ ra, cảm giác về thời gian của chúng ta gắn chặt với cảm giác về bản thân.
Chúng ta thường có cảm giác sống trong không gian tinh thần của mình, với thế giới "ngoài kia" chứ không phải ở trong chúng ta.
Nhưng trong những trạng thái thời gian nở rộng cực đoan, cảm giác tách biệt kể trên sẽ bị mờ nhạt. Chúng ta không còn cảm thấy mình bị bao bọc bên trong tâm trí mình nữa, mà có một cảm giác kết nối đặc biệt với môi trường xung quanh.
Điều này có nghĩa là ranh giới giữa chúng ta và thế giới trở nên mềm mại hơn. Và trong quá trình đó, cảm giác về thời gian của chúng ta mở rộng. Chúng ta thoát khỏi ý thức bình thường của mình và bước vào một dòng thời gian khác.
Giả thuyết này của tiến sĩ Taylor có thể giải thích tại sao các bậc thiền sư, những người luyện tập thiền định có thể trải nghiệm thời gian một cách khác biệt với đa số chúng ta.