Hiểu tất tần tật về đạo đức học qua 3 gạch đầu dòng, đã làm người thì ai cũng nên biết

14/12/2017 09:04 AM | Quản trị

Nhiều người chưa hiểu được sâu xa về đạo đức học để rồi không biết mình có vi phạm đạo đức hay không.

1. Đạo đức không xác định

Đạo đức thay đổi theo thời gian, địa lý, văn hoá, tôn giáo... nên không thể có một chuẩn chung cho tất cả mọi người. Ví dụ, bây giờ chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau là sử dụng, buôn bán nô lệ là vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, hơn 100 năm trước, nội chiến nước Mỹ diễn ra giữa hai miền nam bắc chỉ vì vấn đề nô lệ. Miền bắc hô hào giải phóng nô lệ vì nô lệ cũng là con người. Miền nam quyết tâm chống lại vì nô lệ là tài sản của họ.

Một ví dụ khác, thời phong kiến vẫn quan niệm rằng "đàn ông năm thê bảy thiếp". Nhưng thời nay, đa thê là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Nhưng cũng có một số điều mang tính phổ quát, thường được chấp nhận xuyên suốt lịch sử ở mọi nơi như nói dối là không tốt, trộm cắp là hành vi xấu... Tóm lại, không có một quy chuẩn đạo đức thống nhất nên đạo đức của tôi khác với đạo đức của bạn.

2. Ba trường phái đạo đức

a. Thuyết Vị Lợi (Utilitarianism): Đạo đức là hành động để đạt được kết quả tốt nhất, lớn nhất. Tức là, bạn nên giết 1 người (thậm chí người đó vô tội) để cứu 10 người. Bật mí, thầy giáo dạy môn Đạo Đức của tôi đã từng phải hối lộ để nhận được visa sớm cho kịp lịch dạy học ở Việt Nam.

b. Đạo Nghĩa Luận (Deontology): Bạn nên tuân thủ nghĩa vụ và pháp luật. Thuyết này khác với thuyết vị lợi ở điểm bạn không nên vi phạm quyền lợi chính đáng của một người, để làm lợi cho nhóm người rất lớn khác. Nghĩa là bạn không nên cưỡng chế di dời nhà của 1 người, để xây một cái cầu phục vụ lợi ích của 5 triệu người.

c. Luân Lý Luận (Virtue): Bạn nên làm gì để thành con người hoàn thiện hơn, tốt hơn, "sống tốt đời, đẹp đạo". Ví dụ, nếu một kẻ khủng bố cảm tử liều chết khiến hắn cảm thấy mình là con chiên ngoan đạo hơn, tốt hơn, đến gần với Chúa hơn thì đó là đạo đức của hắn (tôi không khuyến khích nhé).

3. Xác định hành động có đạo đức hay không?

Có rất nhiều cách để xem hành động của mình có vi phạm đạo đức hay không. Tôi chỉ gợi ý một cách dưới đây. Trước khi hành động, bạn hãy tự hỏi mình 8 câu hỏi chính (8KQ).

- Công bằng: Làm sao tôi có thể hành xử công bằng và cân bằng các lợi ích hợp pháp?

- Kết quả: Kết quả ngắn hạn và dài hạn cho tôi và tất cả mọi người là gì?

- Trách nhiệm: Trách nhiệm và nghĩa vụ trong trường hợp này là gì?

- Nhân cách: Hành động nào thể hiện rõ nhất bản thân tôi và người tôi muốn trở thành?

- Tự do: Hành động nào tôn trọng tự do, quyền tự do của mọi người?

- Thấu cảm: Tôi sẽ làm gì nếu tôi thực sự quan tâm tới mọi người?

- Quyền lực: Quyền lực hợp pháp (luật, tôn giáo,...) gì được kỳ vọng ở tôi?

- Điều đúng đắn: Những điều đúng (luật, xã hội,...) gì được áp dụng tại đây?

Sau khi trả lời đủ 8 câu hỏi này, tôi nghĩ bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn về hành động của mình dưới khía cạnh đạo đức.

Hãy thoải mái trao đổi, thắc mắc! Nếu các bạn ủng hộ mạnh mẽ, tôi sẽ viết chi tiết về cách sử dụng 8 câu hỏi (8KQ) này ở bài viết tiếp theo.

Vũ Minh Trường

Cùng chuyên mục
XEM