Hiểu đúng về hệ số lan truyền R0 trong dịch corona: Đừng để những con số đánh lừa bạn
Theo quan điểm của cô, chỉ cần biết hệ số R0 cao hơn 1, chúng ta nên xem căn bệnh này là một vấn đề nghiêm trọng. Còn việc nó có lớn hơn 1 bao nhiêu thì chưa thể đưa ra một cái nhìn toàn cảnh cho dịch bệnh ở giai đoạn này.
Khi một dịch bệnh mới xuất hiện, các tổ chức y tế thường nhìn vào một con số đơn giản để đánh giá sự lây lan của nó. Con số được ký hiệu là R0, phát âm là R-naught và được định nghĩa là hệ số lây truyền cơ bản (basic reproduction number).
Hiểu một cách ngắn gọn, R0 là số người trung bình sẽ lây bệnh từ một người nhiễm duy nhất trước đó, trong một quần thể chưa từng ghi nhận căn bệnh đó trước đây. Nếu R0=3, thì có nghĩa là cứ một người nhiễm bệnh sẽ lây cho 3 người hoàn toàn mới.
Nếu R0 lớn hơn 1, điều đó nghĩa là dịch bệnh sẽ còn tiếp tục lây lan. Ngược lại, nếu nó nhỏ hơn 1, chúng ta mong đợi dịch bệnh sẽ sớm kết thúc.
Mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng các nhà khoa học rất khó mới có thể tính chính xác được R0 của một dịch bệnh, và việc diễn giải nó thế nào cho công chúng cũng là điều khó khăn không kém.
Đối với các tổ chức và quốc gia, nhìn vào hệ số lây truyền cơ bản sẽ cho phép họ ra các quyết định ứng phó với dịch bệnh. Nhưng đối với công chúng, R0 sẽ trở thành một cơn ác mộng nếu mọi người không hiểu đúng về nó.
Vậy với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới ở Vũ Hán, Trung Quốc gây ra, R0 của nó hiện là bao nhiêu? Tính đến sáng ngày hôm nay, toàn thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 9.700 ca và 213 người tử vong ở Trung Quốc.
Trong tuần qua, đã có ít nhất 6 nhóm nghiên cứu, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố các ước tính của họ về hệ số lan truyền cơ bản của chủng virus coronavirus mới. Mỗi nhóm lại sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau, nhưng kết quả của họ khá tương đồng với R0 dao động trong khoảng từ 2-3.
WHO bảo thủ hơn một chút so với các nhóm khác, với ước tính R0 từ 1,4 đến 2,5. Một đội nghiên cứu ở Trung Quốc đưa ra con số ngoại lệ, với ước tính R0 dao động từ 3,3 đến 5,5. Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Anh Quốc cho biết họ tính được ra R0 của chủng virus corona mới là 3,8 vào tuần trước, nhưng đã điều chỉnh nó xuống còn 2,5 khi dữ liệu mới xuất hiện.
Điều này đã dẫn đến sự kiện một tiến sĩ ở Harvard đăng tải con số R0=3,8 lên Twitter kèm theo mô tả đó là một “đại dịch tồi tệ” gây hoang mang với công chúng. Tệ hơn cả là tweet của ông ấy đã được chia sẻ lại hơn 16.000 lần trước khi bị chính ông gỡ bỏ và đính chính.
Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về con số R0 của chủng virus corona mới hiện nay?
Đầu tiên, phải nói rằng, ước tính R0 cho dịch bệnh hiện tại hoàn toàn phù hợp với các căn bệnh khác chúng ta từng biết đến. Virus corona mới ở Trung Quốc rất giống với SARS (với R0 dao động trong khoảng 2 đến 5) và HIV (cũng có R0 trong khoảng từ 2 đến 5). Nhưng nó thấp hơn đáng kể so với bệnh sởi, một căn bệnh lây nhiễm mạnh hơn nhiều với R0 đạt tới 12-16.
Nhưng một mức R0 lớn hơn không nhất thiết đại diện cho một căn bệnh tồi tệ hơn. Chúng ta biết cúm mùa có R0 dao động trong khoảng 1.3, và nó lây nhiễm cho hàng triệu người mỗi năm.
SARS có R0 từ 2 đến 5 nhưng chỉ nhiễm được hơn 8.000 người. Hệ số lan truyền cơ bản chỉ là thước đo khả năng truyền tải bệnh tiềm năng. Nó không thực sự cho thấy căn bệnh sẽ lây lan nhanh đến thế nào.
“Mọi người thường hiểu lầm rằng hệ số R0 cao có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ có một đại dịch, nhưng đó không phải là ý nghĩa cuối cùng của nó”, nhà nghiên cứu Maia Majumder đến từ Trường Y Harvard, người đã công bố một trong bảy ước tính R0 cho virus mới giải thích.
Theo quan điểm của cô, chỉ cần biết hệ số R0 cao hơn 1, chúng ta nên xem căn bệnh này là một vấn đề nghiêm trọng. Còn việc nó có lớn hơn 1 bao nhiêu thì chưa thể đưa ra một cái nhìn toàn cảnh cho dịch bệnh ở giai đoạn này.
Nhưng tại sao lại vậy? Đó là bởi R0 là một hệ số trung bình. Ví dụ khi các nhà khoa học công bố một chủng virus có R0=2. Có rất nhiều trường hợp có thể xảy ra với nó. Một là mọi người nhiễm bệnh đều truyền virus cho 2 người khác. Hoặc nó cũng có thể chỉ có 1 người đã lây nhiễm cho 100 người, trong khi 49 người còn lại không lây cho ai cả.
Hai kịch bản này có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong một dịch bệnh, nhưng nó đều cho ra con số R0 trung bình bằng 2.
Trong kịch bản thứ hai, một người bệnh lây nhiễm cho rất nhiều người khác, vượt qua con số R0 trung bình được gọi là người siêu lây lan. Họ là những bệnh nhân gây nguy hiểm cho các nhân viên y tế chăm sóc cho họ. Nhưng ngược lại, đôi khi đó lại là một dấu hiệu tốt.
Nó nói lên rằng hầu hết những người đã nhiễm bệnh không phải là thủ phạm gây ra dịch bệnh, chỉ có những trường hợp siêu lây lan ít ỏi để chúng ta tập trung đến, nhà nghiên cứu David Fisman đến từ Đại học Toronto cho biết.
Sự tập trung này sẽ cho phép các biện pháp kiểm soát được đưa ra dễ dàng hơn. Trước đây, các dịch bệnh gây ra bởi những virus corona khác, chẳng hạn như SARS và MERS, đều có liên quan đến các trường hợp siêu lây lan, mặc dù vẫn còn quá sớm để nói liệu 2019-nCoV có lặp lại điều tương tự hay không.
Điều lưu ý thứ tư là R0 không dễ tính toán. Điều đó đặc biệt đúng trong những ngày đầu của một trận dịch, khi chúng ta không biết rõ có bao nhiêu trường hợp đã nhiễm bệnh.
Một số người có thể đã bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Những người khác có thể đã không báo cáo các triệu chứng của họ với cơ quan y tế. Không có dữ liệu rõ ràng về số người mắc bệnh, chứ đừng nói đến hành trình di chuyển và tương tác của họ với những người khác.
Các nhà khoa học phải tính toán R0 bằng cách thực hiện các mô phỏng phức tạp trên máy tính, sử dụng những lý thuyết, phương trình và mô hình toán học. Đó là lý do tại sao ước tính ban đầu có thể rất khác nhau và chúng nên đặt sự nghi ngờ trên tất cả các con số đó.
Thứ năm, R0 không phải là một con số kỳ diệu và bất biến đối với bản thân chủng virus. Nó còn phụ thuộc vào kịch bản lây nhiễm, khả năng ai đó bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người đã bị nhiễm bệnh trước đó, các tần suất tiếp xúc như vậy cũng bị ảnh hưởng từ cách chúng ta đối phó với dịch bệnh.
Khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, virus đã lây truyền theo những kịch bản rất khác nhau tại Trung Quốc và Canada. Đó là lý do tại sao các giá trị R0 của virus được ước tính trên một phạm vi rộng, từ 2 đến 5.
Ở những nơi tình hình lây nhiễm được kiểm soát tốt, ví dụ khi bạn có thể phát hiện và cách ly ngay các trường hợp nhiễm bệnh ban đầu, R0 sẽ thấp hơn so với ở những điểm dịch bùng phát sớm nhất, Majumder nói.
Các ước tính R0 hiện tại chỉ đang tính cho virus corona khi nó lây nhiễm chủ yếu ở Vũ Hán, và chủ yếu là vào thời điểm trước khi mọi người biết về virus này. Chúng ta sẽ phải chờ các số liệu mới để có được R0 mới sau khi virus lây lan tới các địa điểm hiện tại mà chúng ta đã biết.
“Có khả năng, những con số sẽ thấp hơn đáng kể”, Kristian Andersen, một chuyên gia virus học đến từ Viện nghiên cứu Scripps nhận định.
Lưu ý thứ sáu và cũng là cuối cùng, R0 không phải là con số định mệnh. Nó chỉ là thước đo cho một kịch bản tiềm năng của dịch bệnh. Một khi các quốc gia nhận ra rằng mình đang sắp phải đối mặt với một dịch bệnh mới, họ có thể chủ động sàng lọc nó, kiểm tra xem các nhân viên y tế có đang tự bảo vệ mình đúng cách hay không và tiến hành cách ly kiểm dịch.
Ngay cả các biện pháp đơn giản như rửa tay cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Tất cả các biện pháp này có khả năng làm giảm khả năng lây lan của virus, từ đó đảm bảo rằng tốc độ lây truyền thực tế của dịch bệnh, được gọi là RTHER nhỏ hơn R0 và lý tưởng là nhỏ hơn 1.
Đến thời điểm này, chúng ta có thể trấn an mình khi biết rằng, một nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân nhiễm virus đang được cách ly sớm hơn hẳn (chỉ trong vòng 1 ngày) so với thời điểm ban đầu khi dịch bệnh bùng phát (trong vòng 6 ngày).
Mặc dù vậy, con số đó không phải là cái cớ cho sự chủ quan. Virus corona mới thực sự đang tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng với toàn thế giới, và chúng ta phải tính đến cả kịch bản xấu nhất nếu nó xảy ra.
Tại những thời điểm ban đầu của dịch bệnh, khi mọi thứ còn khá mơ hồ, chúng ta hay bấu víu vào những con số để đưa ra những nhận định sai lệch. R0 hiện tại là một ví dụ.
Chúng ta phải hiểu rằng đó là một con số động, nghĩa là R0 sẽ còn biến đổi. May mắn là chủng virus corona mới này xuất hiện vào thời điểm các nhà khoa học có nhiều phương tiện để xuất bản và so sánh dữ liệu của họ hơn bao giờ hết.
Đó có thể là một điều tốt, vì giao tiếp nhanh và cởi mở có thể giúp thế giới đối phó và kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn. Nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro, khi R0 vốn dĩ là một con số phức tạp thường bị hiểu quá đơn giản trong bối cảnh truyền thông xã hội.
“Có được các giá trị R0 này một cách nhanh chóng là điều rất quan trọng”, Andersen nói. “Tuy nhiên, cách mà một số người và các cơ quan báo chí diễn giải những ý nghĩa đằng sau nó… lại chính là một phần vấn đề”.
Tham khảo Atlantic