Hiệp định CPTPP tạo áp lực cải cách thể chế rất lớn

05/11/2018 08:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Khi tham gia CPTPP Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức từ việc cạnh tranh hàng hóa và cải cách thể chế.

Đến thời điểm hiện tại, có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Chủ tịch nước Việt Nam đã trình Quốc hội xem xét để chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Vẫn phải phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu

Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức. Bởi CPTPP sẽ tạo nên một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, với thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, có quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, xét về tổng thể, Hiệp định CPTPP có lợi cho Việt Nam, nhưng thấp hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên thái Bình Dương (TPP).

 Hiệp định CPTPP tạo áp lực cải cách thể chế rất lớn  - Ảnh 1.

Hiệp định TPP-11 (hay CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty)

Cũng theo ông Thắng, khi tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam dự kiến đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% (tương đương 4,93 tỷ USD).Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP, con số này là khoảng 6,7%). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).

“Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian, việc tăng xuất khẩu chủ yếu là sang các nước trong CPTPP nên Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đối với nhập khẩu, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, việc tăng thêm nhập khẩu sẽ chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP. Do đó, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP”, ông Thắng phân tích.

Nhận xét về CPTPP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình và tự do hóa dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP được giữ nguyên từ Hiệp định TPP trước đây. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế từ hơn 90%, thậm chí lên đến 95%.

Tuy nhiên theo ông Thái, giống như nhiều các hiệp định thương mại khác, với cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn bởi hàng hóa nhập khẩu từ các nước CPTPP. Một số ngành được dự báo có thể phải có thêm những nỗ lực để có thể đứng vững và phát triển, trong đó đáng kể là ngành dược, mía đường và thức ăn chăn nuôi.

Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, CPTPP giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

“Cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nên đây vừa là nhu cầu vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào sân chơi chung. Do đó, quan trọng là Việt Nam phải duy trì được đà cải cách một liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP. Ngược lại nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt của Chính phủ cho tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại. Như vậy áp lực cải cách thể chế là rất lớn đối với Chính phủ”, ông Dương cho biết.

Ngoài nỗ lực từ phía Chính phủ, ông Dương cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần xác định đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính bản thân doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin một cách thực chất, trọng tâm phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

“CPTPP vẫn được nói là tiêu chuẩn cao và là cuộc chơi lâu dài. Doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu vừa và nhỏ nhưng hoàn toàn có thể tham gia được thị trường này, phụ thuộc vào chiến lược và tầm nhìn kinh doanh. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn có thể tìm hiểu và khai thác trực tiếp ngay CPTTP khi có hiệu lực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác có thể chọn con đường gián tiếp, lâu dài hơn, trước mắt khai thác các hiệp định quy mô nhỏ hơn để tích lũy kinh nghiệm tổ chức sản xuất, quan hệ, thương hiệu, đối tác”, ông Dương gợi ý./.

Theo Nguyễn Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM