Hiện tượng xe chở ban nhạc: Bí quyết giúp Sơn Tùng đưa thương hiệu Biti's "lạc trôi" vào đầu giới trẻ Việt chỉ sau 2 ngày

04/01/2017 07:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu trong movie của Sơn Tùng là sản phẩm sandal dù có cải tiến thì cũng đã lỗi mốt và không thể tạo thành trào lưu như vừa qua.

Trong 2 ngày qua, thương hiệu cứ ngỡ vang bóng một thời Biti’s nhanh chóng được giới trẻ nhắc đến khá nhiều trên mạng xã hội hơn 10 năm qua cộng lại. Điều này có sự giúp đỡ không nhỏ của 2 ca sĩ trẻ tuổi Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn khi sản phẩm của Biti’s xuất hiện trong hai sản phẩm âm nhạc mới là "Lạc Trôi" và "Đi để trở về".

Trong 2 movie này sản phẩm Biti’s Hunter, dòng sản phẩm chất lượng cao được Biti’s tung ra cạnh tranh với những thương hiệu lớn quốc tế như Nike hay Adidas.

Nhưng tại sao giới trẻ lại thích thú đến vậy? Một trong những điều mà Biti’s tạo ra chính là lắng nghe khách hàng. Các nhà kinh tế học cho rằng cầu- những gì người tiêu dùng mua ở các mức giá khác nhau chủ yếu mang tính tâm lý. Nó dựa trên cơ sở giá trị mà khách hàng nhận thấy trong hàng hóa hoặc dịch vụ và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố.

Cụ thể là có 13 nhân tố riêng biệt hình thành nên nhu cầu trên thị trường gồm: Sự phù hợp; Xe chở ban nhạc và bong bóng; Chi phí hoặc giá cả; Các yếu tố nhân khẩu; Độ co dãn hay sự nhạy cảm về giá; Trào lưu và mốt; Lòng tham; Thói quen; Thu nhập; Jazz; Kiến thức; Lòng trung thành; Tâm trí và tiền.

Xét trong trường hợp của Biti’s, 2 yếu tố có thể xem là nguyên nhân cho hiện tượng trỗi dậy của thương hiệu này gồm: Xe chở ban nhạc và bong bóng; Trào lưu và mốt.

Xe chở ban nhạc và bong bóng

Xe chở ban nhạc là những chiếc xe ngựa lớn được trang trí lộng lẫy mà các ban nhạc của gánh xiếc sử dụng. Mỗi khi gánh xiếc đến thị trấn, xe chở ban nhạc sẽ đi thông báo, với rất đông người lớn và trẻ em theo sau do bị cuốn hút bởi đám đông và sự phấn khích. Những chiếc xe chở ban nhạc ngày nay nói chung đã biến mất, nhưng chúng vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong thị trường; chúng xuất hiện với thông điệp rằng cầu tăng không phải do nhu cầu nội tại mà đơn giản do những người khác đang mua hàng. Giống như những đám đông đến để xem gánh xiếc, đám đông càng lớn, những người không tham gia bị hấp dẫn gia nhập càng nhiều.

Hiệu ứng xe chở ban nhạc đôi khi có thể xảy ra từ những thứ rất nhỏ, đơn giản chỉ bởi tạo ra tiếng động lớn. Những chiếc xe chở ban nhạc đặc biệt mạnh mẽ trong những thị trường tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và bất động sản. Xe chở ban nhạc càng mạnh, tiềm năng tạo "bong bóng" càng lớn. Bong bóng tài chính là một sự tăng nhanh về giá của tài sản, xảy ra mà không hề có bất cứ lý do nền tảng cơ bản nào (như thông báo về sản phẩm mới, hay khám phá ra một mỏ dầu).

Rõ ràng với cách quảng bá sản phẩm mới của Biti’s thông qua người nổi tiếng trong giới trẻ giống như tạo một tiếng động lớn và thu hút sự chú ý của phần đông cộng đồng mạng.

Những chiếc xe chở ban nhạc của thị trường, cũng giống như những chiếc xe chở ban nhạc của gánh xiếc, nhấn mạnh rằng, mua sắm là một hành động mang tính xã hội, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng khắp của những người khác. Năng lượng xã hội rộng lớn được thể hiện trong những chiếc xe chở ban nhạc rất khó để kiểm soát, nhưng đem lại lợi thế to lớn cho những ai thành công.

Trào lưu và mốt

Trào lưu và mốt có liên quan đến hiệu ứng xe chở ban nhạc – chúng là bản chất xã hội của việc tiêu dùng, thứ dẫn dắt mọi người mua một sản phẩm vì những người khác có hoặc đang mua sản phẩm đó. Trong thị trường hàng tiêu dùng, trào lưu và mốt tạo ra khuôn mẫu chu kỳ, trong đó, doanh số bán một sản phẩm ban đầu tăng nhanh, sau đó giảm dần khi thị trường trở nên bão hòa và cuối cùng nhường chỗ cho sản phẩm mới. Ví dụ trường hợp điện gia dụng, trong đó radio nhường chỗ cho tivi đen trắng rồi tivi đen trắng nhường chỗ cho đầu máy video.

Theo một nghĩa nào đó, sản phẩm cũng có vòng đời như con người – sinh ra, phát triển, trưởng thành và cuối cùng là chết. Phân tích vòng đời sản phẩm cung cấp cho nhà điều hành những công cụ để phân tích và dự đoán khuôn mẫu nhu cầu. Một đường cầu điển hình cho một sản phẩm sẽ có dạng như hình chữ "S" – một sự tăng trưởng nhanh lúc ban đầu được theo sau bởi một sự giảm trong tăng trưởng và cuối cùng là doanh số đi ngang.

Đó là lý do các công ty sáng tạo - những công ty thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm ở phần đi lên của hình chữ S – có một lợi thế cố hữu so với các công ty bảo thủ hơn, là các công ty bán sản phẩm trưởng thành ở phần đi ngang của hình chữ S. Theo Peter Drucker, nhà điều hành có hai chức năng, marketing (bán sản phẩm đang có) và sáng tạo (tạo ra sản phẩm mới), trong đó chức năng sáng tạo vai trò quan trọng ngày càng tăng.

Nếu như trước đây hình ảnh đôi sandal của Biti’s gắn với thế hệ 8x thì hiện tại thương hiệu này muốn thế hệ trẻ mới gắn bó với hình ảnh giày sneaker theo xu hướng thế giới. Rõ ràng nếu trong movie của Sơn Tùng là sản phẩm sandal dù có cải tiến thì cũng đã lỗi mốt và không thể tạo thành trào lưu như vừa qua.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM