"Hiện tượng sàn chứng" Trịnh Văn Quyết: Từ nhà nghèo tay trắng thành tỷ phú đô-la thứ 2 của TTCK Việt Nam

27/10/2016 15:29 PM | Kinh doanh

Gia cảnh nghèo, đi lên từ hai bàn tay trắng và xuất thân từ một luật sư, thời điểm hiện tại là người giàu thứ 2 sàn chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch tập đoàn FLC đã trở thành hiện tượng ở Việt Nam.

Cuối tháng 9/2016, ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chính thức vượt qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát để xếp thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng.

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 27/10/2016, doanh nhân này tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi chính thức trở thành tỷ phú đô-la thứ 2, sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Với thành công hiện tại ở tuổi 41, Trịnh Văn Quyết đã khiến không ít người bất ngờ và khâm phục với điểm xuất phát của mình.

Xuất thân từ con nhà nghèo

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quyết vào TP HCM học sửa chữa điện tử và nuôi ước mơ vào Đại học.

Sau 2 năm làm thợ sửa chữa, tranh thủ học vào buổi tối, hè năm 1996, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc liền lúc nhận giấy báo trúng tuyển vào 3 trường đại học. Ông quyết định chọn đại học Luật Hà Nội để theo học.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai với dáng người mảnh dẻ đã có đam mê kinh doanh. Năm thứ 2 đại học, ông buôn bán điện thoại và mở văn phòng gia sư. Người anh cả không những đủ trang trải cuộc sống mà còn lo được cho các em ăn học và tích lũy vốn sau này.

Năm 1999, sau khi ra trường, ông Quyết thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SmiC. Năm 2004, ông là Trưởng Văn phòng Luật sư SmiC.

Luật sư rẽ ngang sang bất động sản

Là Tổng Giám đốc Công ty Luật SMiC từ năm 2008 đến nay, ông Quyết đóng vai trò là chuyên gia tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ...

Ông nổi lên qua các vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu USD tiền đền bù đất ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005 … Với 30 khách hàng thường xuyên là tổ chức, doanh nghiệp, công ty SmiC đã giúp ông Quyết có số vốn ban đầu để kinh doanh ở lĩnh vực khác, đặc biệt bất động sản.

Ông chủ FLC từng cho biết, chính nghề luật sư đã giúp ông tích lũy kiến thức cũng như tạo ra cơ hội để đến con đường làm doanh nhân. Ông thừa nhận, nghề thầy cãi khiến ông luôn thận trọng vì thế, dù đầu tư rất nhiều dự án song nó phải chắc chắn ông mới làm chứ không mạo hiểm.

Năm 2008, Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập với số vốn 18 tỷ đồng, năm 2010 chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC. Ông Trịnh Văn Quyết là một trong ba cổ đông sáng lập của của công ty này.

Năm 2011, FLC tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đây quy mô của công ty đã tăng trưởng nhanh chóng và giúp vị chủ tịch Trịnh Văn Quyết trở nên nổi tiếng trên thương trường với biệt danh Luật sư kinh doanh.


Ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết.

"Câu chuyện hiếm trong giới bất động sản" mang tên FLC

Đánh dấu sự đi lên của tập đoàn FLC cũng như ông Trịnh Văn Quyết là gắn liền với dự án FLC The Landmark Tower. Khu đất rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội).

Năm 2008, khi còn là vùng đất trũng, đầy cỏ dại, ông Quyết quyết định mua bằng tất cả vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, vay mượn để có vài chục tỷ đồng. Hồi đó, ông kêu gọi góp vốn, mãi không ai góp, có người góp một triệu đồng rồi đòi lại nhưng ông vẫn quyết mua vì có cảm nhận, suy đoán rằng, nó sẽ là dự án sinh lợi cao, ở khu vực phát triển.

Dự án FLC Landmark Tower được xây dựng thành một tòa nhà phức hợp, 32 tầng, gồm cả khu căn hộ và văn phòng cho thuê. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.

Cuối những năm 2011-2013, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thì FLC lại rất thành công với dự án này.

Trong vòng vài năm qua, vốn điều lệ của FLC đã tăng 73 lần từ mức 18 tỷ đồng năm 2008, và tổng tài sản tăng lên đến 112 lần. Năm 2013 doanh thu của tập đoàn này đạt trên 1.744 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 144,8 tỷ đồng, tăng khoảng 400% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2015, Tập đoàn đã thực hiện chi trả cổ tức 750 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2014. Sự phát triển của FLC cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tính đến cuối năm 2015, tổng số lao động làm việc tại Tập đoàn là trên 3.000 người.

Sự tăng trưởng nhanh chóng về doanh thu, vốn điều lệ của tập đoàn FLC còn nhờ vào doanh thu bán hàng từ kinh doanh thép xây dựng và inox cho nhiều công ty lớn. Ngoài bất động sản, FLC đã đầu tư thêm vào các lĩnh vững khác như thương mại, giáo dục, sản xuất giấy...

Sự tăng trưởng thần kỳ của FLC được Forbes nhận xét "là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản".

Từ "chuyện hiếm" FLC đến "siêu cổ phiếu" ROS

Những ai mua cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros từ những ngày đầu cổ phiếu này lên sàn niêm yết có lẽ đang vui chiến thắng khi mà cổ phiếu ROS liên tục tăng không ngừng nghỉ. Từ 12.600 đồng giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 1/9, đến hôm nay 27/10, ROS đã tăng vọt gấp 6 lần, lên tới 79.100 đồng/cổ phiếu.

Với số vốn điều lệ không hề nhỏ là 4.300 tỷ đồng, mỗi phiên tăng giá của ROS là vốn hóa cổ phiếu này tăng mạnh đưa Faros trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Người đứng sau sự tăng trưởng ngoạn mục này của tân binh ngành xây dựng không ai khác chính là ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết. Và cũng chính cổ phiếu ROS đã đưa ông Quyết lên ngôi vị tỷ phú đô la thứ 2 trên sàn chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 93 triệu cổ phiếu FLC (Công ty CP Tập đoàn FLC) và gần 280 triệu cổ phiếu ROS (Công ty CP Xây dựng Faros). Tính đến phiên đóng cửa ngày 27/10, tổng giá trị 2 cổ phiếu FLC và ROS mà ông Quyết sở hữu là trên 22.674 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Trong đó, giá trị số cổ phiếu FLC là 561 tỷ đồng và giá trị ROS là 22.113 tỷ đồng.

Thực tế thì từ trước khi có ROS, cổ phiếu FLC của ông Quyết đã là "hiện tượng hiếm gặp" của TTCK.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, ông Quyết cho biết, ông đi lên từ hai bàn tay trắng, nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn với thương trường, một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tính toán làm ăn trong kinh doanh mà có.

Trong một bài phỏng vấn ông Quyết từng nói: “Gia đình tôi vốn là gia đình công chức nghèo, tôi cũng không có quan hệ chính trị sâu rộng… để xin-cho, vậy giàu lên nhờ gì thì mọi người cứ đánh giá”.

Ngoài những biệt tài trên chính trường, ông Quyết còn có thú vui chơi siêu xe. Năm 2014, ông Quyết có kế hoạch mua hai máy bay trực thăng để kinh doanh dịch vụ du lịch.

Gia cảnh nghèo, đi lên từ hai bàn tay trắng và xuất thân từ một luật sư, thời điểm hiện tại là tỷ phú đô la thứ 2 sàn chứng khoán, ông Quyết đã trở thành hiện tượng ở Việt Nam.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM