Hết thời "bỏ phố về vườn": Mua mảnh đất vì muốn "đi chữa lành" 4-5 ngày mỗi tháng, cuối cùng 3 tháng lên được 1 ngày
2 năm trở lại đây xu hướng sở hữu đất vườn để làm ngôi nhà thứ hai hoặc để đầu tư đang dần hạ nhiệt. Người mua bắt đầu rao bán, nhiều người phải cắt lỗ để tìm chủ mới.
"4-5 năm trước trào lưu bỏ phố về vườn rất lớn. Ai cũng muốn sở hữu một lô đất vườn để làm ngôi nhà thứ 2. Tuy nhiên, trào lưu này phát triển quá nhanh, lúc đó tình hình kinh tế cũng đang tốt. Còn hiện nay khi bất động sản (BĐS) khó khăn, thu nhập của người dân cũng gặp khó, nên việc bỏ phố về vườn bây giờ cũng cần cân nhắc", ông Trần Khánh Quang – Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư BĐS Việt An Hòa phát biểu trong chương trình Landshow của VTV Money mới đây.
Ông Quang chỉ ra rằng trào lưu "bỏ phố về vườn" đúng với tình hình phát triển BĐS, cũng như mong muốn sống ở nơi trong lành hơn của người dân hậu Covid-19. Không chỉ Việt Nam, "bất động sản xanh" cũng trở thành trào lưu trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Trung Kiên – một môi giới BĐS, việc phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng sao chép, không có sự đồng bộ hay tiêu chuẩn riêng cho từng nơi, dẫn đến những biến động trên thị trường vừa qua.
"Ví dụ trên vùng cao nguyên của Lâm Đồng có những vị trí ngắm mây rất đẹp, nhưng khi có nhiều sản phẩm giống nhau, người ta đến chơi một lần xong chán, không còn quay lại nữa.
Đối với nhà vườn, vấn đề quản lý và chăm sóc rất quan trọng. Chủ đầu tư nếu làm tốt khía cạnh này thì sản phẩm sẽ phát triển. Còn nếu làm không đến nơi đến chốn, sản phẩm sẽ bị bỏ hoang. Khách lên lần đầu tiên thấy đẹp, nhưng lần thứ 2 thì không thế, dẫn đến sự thoái trào", ông Kiên nêu thực trạng.
Ông Quang cho biết giá nhà vườn đang giảm khoảng 30% so với trước đây, nói thêm rằng mức giá có thể chấp nhận được trên thị trường hiện nay là khoảng 1,5 – 2 tỷ mỗi sản phẩm, bởi mô hình nhà vườn cũng không thể mua lô quá nhỏ, phải từ 400 – 500 m trở lên.
Còn theo quan sát của ông Kiên, trước đây có những lô nhà vườn khoảng 500 – 1.000 m2 được đẩy giá lên tới 4-5 tỷ đồng, nhưng bây giờ chúng chỉ còn tầm 1,5 – 2 tỷ. Mặc dù vậy, khách hàng vẫn lăn tăn rất nhiều, chờ đợi xem còn giảm tiếp hay không.
Đề cập đến những rủi ro khi mua đất vườn, ông Quang chỉ ra đây là sản phẩm ngách của thị trường, không phổ biến, lại ở xa, nên rủi ro tiềm ẩn rất nhiều.
"Rủi ro lớn nhất mà tôi thấy là về giá. Vì vị trí đất ở xa nên người mua không nắm được giá trên thị trường thực sự là bao nhiêu, đâu là giá tốt.
Thứ hai là rủi ro về mặt pháp lý. Pháp lý BĐS có đặc điểm là mỗi địa phương lại khác nhau, do đó người mua phải nắm được.
Thứ ba là yếu tố tu sửa, bảo dưỡng. Khi mua mảnh đất về, chúng ta chưa hình dung được chi phí chăm sóc nhà vườn thế nào, phải tu sửa ra sao.
Rủi ro thứ 4 liên quan đến thời gian. Trước khi mua, tôi nghĩ ai cũng muốn 1 tháng "bỏ phố về vườn" 4-5 ngày. Nhưng sau khoảng 1 năm, thì thực tế là chắc 3 tháng lên được 1 ngày, tức là rủi ro về thời gian hưởng thụ", vị lãnh đạo công ty BĐS phân tích.
Theo ông Quang, nếu nhắm đến đất vườn, người mua cần quan tâm đến 2 yếu tố là nội lực của bản thân và thị trường.
"Câu hỏi đặt ra khi mua đất vườn là có phục vụ việc kinh doanh không. Nếu một người đam mê bỏ phố về vườn thì phù hợp, chẳng hạn như những bạn trẻ thích làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nếu xuất phát từ nội lực đó, họ có thể dồn 100% nguồn lực tài chính, sự hiểu biết, sức người để làm.
Còn với những người đang có cuộc sống ổn định ở TP HCM muốn sở hữu một khu đất vườn để giải trí hoặc đầu tư thêm, tôi nghĩ chỉ nên dành 5-10% là tối đa trên tổng giá trị tài sản. Ví dụ có 10 tỷ đồng bỏ ra 1 tỷ là hợp lý. Nếu đầu tư nhiều quá, đến lúc cần thanh khoản tiền mặt lại khó.
Xét đến yếu tố thị trường, nên lưu ý rằng mua đất vườn để ở chứ không phải quăng đó. Tôi nghĩ đất mà quăng đó thì giá trị ngày càng đi xuống. Chỉ những khu đất vườn có thể hoạt động được thì giá trị mới tăng. Những khu đó phải đảm bảo đường điện, đường đi vào, gần khu dân cư, các hạ tầng xã hội (trong khoảng cách 30 km) bao gồm trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại...
Yếu tố quan trọng nữa là pháp lý và quy hoạch. Thêm vào đó, nên hạn chế vay ngân hàng để mua đất vườn. Không vay là tốt nhất trong thời điểm hiện nay", ông Quang bày tỏ.