Cơn sốt 'bỏ phố về rừng' thoái trào: Đất vườn giảm giá sâu vẫn không thể bán
Dù chấp nhận bán cắt lỗ sâu tới cả tỷ đồng nhưng chủ nhiều mảnh đất vườn vẫn bị mắc kẹt do không tìm được khách mua.
Gần 1 năm qua, dù rao cắt lỗ tới gần 600 triệu đồng nhưng anh Lê Anh Minh, một nhà đầu tư ở Hà Nội, vẫn chưa thể bán lô đất vườn có diện tích gần 700 m2 (trong đó có 100 m2 thổ cư) ở Sóc Sơn với giá bình quân 7,2 triệu đồng/m2.
Anh Minh cho hay, lô đất được anh mua vào từ cuối năm 2021, giữa lúc đỉnh sốt, mức giá 8 triệu đồng/m2 được đánh giá là “hời”. Đầu năm 2022, từng có người trả lên tới 12 triệu đồng/m2, với mục đích phân lô nhỏ hơn để bán, nhưng anh từ chối.
Chỉ sau hơn 1 năm kể từ đó, thị trường đất nền lao dốc mạnh, thanh khoản đóng băng, tình hình kinh tế khó khăn nên anh Minh đành rao bán chốt lời để thu hồi dòng tiền nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người mua, dù đã chấp nhận giảm hơn nửa tỷ đồng.
“ Trong mấy tháng qua, tôi tiếp hàng chục lượt khách nhưng thực tế chỉ là thăm dò hoặc trả mức giá khiến tôi không thể đồng ý. Giá mua vào hơn 5 tỷ đồng, nay khách “ép giá” còn chưa đầy 4 tỷ đồng thì có muốn cũng không thể bán được. Tôi đang kỳ vọng thị trường thời gian tới sẽ sáng sủa hơ n”, anh Minh nói.
Tương tự, chị Trần Thu Trang, một nhà đầu tư đất vườn cũng cho biết, năm 2021 chị đầu tư mua 1 mảnh đất vườn rộng 1.000 m2 tại huyện Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) với giá 3 tỷ đồng. Hơn 1 năm nay, chị rao bán với giá 1,8 tỷ đồng, tương đương 1,8 triệu đồng/m2 mà vẫn không có khách mua.
" Tôi chấp nhận cắt lỗ hơn 1 tỷ đồng nhưng vẫn rất khó bán. Lúc đầu khi mua tôi dự định trồng cây ăn quả, cuối tuẩn cả gia đình lên chơi, nhưng đến giờ không có nhu cầu dùng nữa. Thị trường đang khó thanh khoản nên tôi mới chấp nhận bán giá này ”, chị Trang nói.
Trên các trang tin rao bán bất động sản, tại Ba Vì, các khu vực như Yên Bài giá đất vườn rao bán đang dao động 2 - 3 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm con số này là 4 - 5 triệu đồng/m2. Tại xã Tản Lĩnh, Ba Trại, thời điểm "sốt", giá các mảnh đất rộng có một phần thổ cư dao động 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay đã giảm xuống còn 1,5 - 2 triệu đồng/m2.
Tại Hòa Bình, thời điểm đầu năm 2022, giá đất ở huyện Lương Sơn dao động 2 - 3 triệu đồng nhưng nay giảm còn 1 - 1,8 triệu đồng/m2. Tại huyện Kim Bôi, giá đất đã giảm xuống quanh mức 1 triệu đồng/m2.
Theo anh Nguyễn Văn Hưng, môi giới bất động sản tại Hòa Bình, thời điểm năm 2020 - 2021, trung bình mỗi tuần anh dẫn khoảng 3 - 5 đoàn khách từ Hà Nội và một số nơi khác đến xem đất. Thời điểm thị trường tốt, anh chốt được 10 mảnh đất vườn lớn trong vòng 1 tháng.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 tới nay, giá các mảnh đất vườn rộng có một phần thổ cư rất hiếm có giao dịch. Những chủ nhà gặp khó khăn về tài chính chấp nhận giảm giá khá sâu để tìm chủ mới. Bên cạnh đó, trước kia một số gia đình mua mảnh đất rộng, xây dựng căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng cuối tuần song tần suất đến ở cũng ít dần. Do đó, họ tìm khách để bán lại.
“ Nhưng thị trường chung đã chững lại thì các mảnh đất rộng, xa trung tâm, chưa hình thành khu dân cư rất khó bán ”, anh Hưng nói.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng đối với phân khúc đất vườn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể sôi động trở lại như trước, vì xu hướng "bỏ phố về quê" dường như đã nguội dần trong tâm trí người dân khi các yếu tố như tiện ích, giáo dục hay y tế, đồng thời việc xây dựng second home không thực sự hoàn hảo và bền vững.
“ Chính vì thế các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro cũng như khả năng, trường vốn của mình để lựa chọn phân khúc đầu tư cho phù hợp ”, TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Long, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, hiện nay xu hướng "bỏ phố về rừng" đã hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư đang muốn bán đất mua từ năm 2018 - 2021, giờ thường phải chấp nhận lỗ nặng để tìm khách mua.
Ông Long khuyến cáo, khi "bỏ phố về rừng" được gọi là xu hướng thì nó chỉ tồn tại trong giai đoạn rất ngắn. Nhà đầu tư và người dân cần ghi nhớ rằng, giới kinh doanh đất nông nghiệp chủ yếu là những nhóm "cò" đất địa phương hoặc là những nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Đây là những nhóm hoạt động có tính thời điểm và cục bộ, họ sẵn sàng thổi giá liên tục để tạo nên những cơn sốt đất ảo.
Khi cơn sốt đi qua, thiệt hại chủ yếu vẫn là nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản cũng nhận định, trào lưu bỏ phố về rừng đi xuống từ cuối năm 2021. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã "vỡ mộng" với trào lưu này, không nhiều người thành công với mô hình homestay, farmstay.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều lô đất vườn dù cắt lỗ sâu cũng khó tìm người mua.