Hermes: Thiếu gia người Hoa chạy Uber ở Đài Loan, bất ngờ về Việt Nam nhận trách nhiệm nối nghiệp gia đình trong 6 tháng
Vừa tốt nghiệp đại học ở Đài Loan và mới có một bản hit cùng ban nhạc của mình, Hermes Shih (tên tiếng Anh của Po-Kuang Shih) bị bố mẹ gọi về Việt Nam để nối nghiệp kinh doanh gia đình. Bố Hermes ra “tối hậu thư” cho cậu “phải xong trong 6 tháng” vì ông muốn… nghỉ hưu.
Trước khi về Việt Nam để tiếp quản doanh nghiệp gia đình người Hoa ở Sài Gòn đã có lịch sử hơn 20 năm hoạt động, Hermes chưa từng nghĩ đến việc sẽ trở lại nơi đây. Dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam gần 20 năm trước đó, cậu vẫn chưa nói sõi tiếng Việt.
Giải thích về tên tiếng Anh của mình, cậu cho biết: "Hermes là tên của một thương hiệu thời trang cao cấp của châu Âu, nhưng thực ra nó còn là tên của một vị thần trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp – người tạo ra đàn lia".
Cậu cho biết, khi còn nhỏ, việc học tiếng Anh không tốt nên khá lo lắng và phải tập trung học ngoại ngữ này cùng với tiếng Trung Quốc, và vì thế không dành thời gian nhiều cho học tiếng Việt. Lúc đi du học, thậm chí Hermes còn không nghĩ mình sẽ về Việt Nam làm việc, nên càng ít động lực.
Hermes yêu thích cuộc sống tại Đài Loan và muốn ở lại với bạn gái, cùng con đường nghệ thuật đang có triển vọng với một ban nhạc có tên Walking Down Zhinnan Road gồm 5 thành viên (Hermes là tay trống).
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp đại học, bố của Hermes đã gọi điện và sang tận Đài Loan để gọi cậu về. "Bố già rồi, con phải nối nghiệp gia đình cùng với anh trai trong 6 tháng nữa để bố… nghỉ hưu", ông Shih Hsi Yi đã nói với cậu như vậy.
Mẹ Hermes - bà Sandy (ngoài cùng bên trái) và ông Shih Hsi Yi (ở giữa) và Hermes (bên phải).
Trao đổi với Trí thức trẻ, Hermes cho biết, ban đầu cậu không thích trở về Việt Nam mà muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc ở Đài Loan và "hơi sốc" khi bị gọi về. Thế nhưng, cậu vẫn quyết định nghe lời bố và nhận trách nhiệm nối nghiệp kinh doanh của gia đình vì "đó là một việc nên làm".
Khi trở về, phải làm việc với nhân viên và đối tác người Việt Nam, cậu cũng thay đổi thái độ với việc học tiếng Việt và đang phấn đấu để có thể nói trôi chảy. Hermes chia sẻ: "Đó là một vấn đề mà tôi cần giải quyết".
Thực tế, dù trước đó Hermes không có ý định nối nghiệp kinh doanh gia đình, bố của cậu đã có bước chuẩn bị hợp lý. Vào năm thứ 3 đại học, người bố sang Đài Loan và đưa cậu đến thực tập tại một công ty làm dịch vụ gia công xử lý bề mặt kim loại ở đây.
Cậu làm việc và thực hiện một số nghiên cứu về lĩnh vực gia công xử lý bề mặt kim loại (dịch vụ mà gia đình Hermes đang kinh doanh) tại công ty này trong 1 tháng. Những kiến thức trong kỳ thực tập này cũng giúp ích cho Hermes không nhỏ khi trở về Việt Nam.
Trở về Việt Nam cuối năm 2019, Hermes được giao ngay một vị trí quan trọng tại công ty của gia đình – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh. Gia đình của Hermes đã kinh doanh tại Việt Nam 21 năm với 2 công ty 100% vốn Đài Loan, làm dịch vụ gia công xử lý bề mặt kim loại ( mạ điện cực cation và xử lý nhôm ). Doanh nghiệp có nhà máy ở Khu công nghiệp Hố Nai – Trảng Bom (Đồng Nai).
Không giống như cách học việc thông thường, người cha buộc Hermes phải làm quen rất nhanh chóng với các công việc trong công ty cũng như gặp gỡ khách hàng. Thay vì phải tìm hiểu từ từ, bố (ông Shih Hsi Yi - Tổng giám đốc) và mẹ (bà Wang Li Yea, tên tiếng Anh là Sandy - Chủ tịch công ty) cho cậu đại diện công ty đi gặp khách hàng với anh trai ngay từ khi mới tiếp quản công việc.
Bà Sandy cho biết: "Trước khi đến, chúng tôi trao đổi với Hermes về những việc quan trọng nhất của buổi gặp và tư vấn nên nói gì, còn lại thì phải tự tìm hiểu thông tin. Hermes cũng không nhất thiết phải trả lời ngay mọi đề xuất, yêu cầu của khách hàng nên cũng không quá phức tạp". Thêm vào đó, một số khách hàng gặp ban đầu đều là "người quen lâu năm của gia đình" nên rủi ro về các ứng xử không phù hợp là không cao.
Còn cậu thiếu gia người Hoa cho biết: "Tôi hiểu là ba mẹ muốn mình phải học thật nhanh nên mới để tôi đi độc lập. Vì thế, tôi chỉ có một đường thôi: cố gắng học mọi thứ trong thời gian ngắn nhất".
Chia sẻ về mục tiêu "6 tháng phải hoàn thành việc nối nghiệp gia đình", bà Sandy nói: "Ông ấy nói như vậy vì muốn thúc đẩy Hermes về Việt Nam sớm hơn. Nếu không, Hermes sẽ ở Đài Loan lâu hơn và không có ý định trở về Việt Nam. Một thanh niên trẻ có thể làm như vậy và đó sẽ là một ý tưởng sai cho công việc của gia đình. Thực tế, Hermes không nhất thiết phải hoàn thành việc này trong 6 tháng".
Trong khi đó, Hermes lại tiếp nhận thông điệp của người cha một cách hết sức nghiêm túc. Ngoài việc học hỏi mọi khía cạnh trong kinh doanh cũng như kỹ thuật tại công ty của gia đình, Hermes cho biết, anh sẵn sàng đón nhận trách nhiệm mà ba mẹ giao cho mình, kể cả khi chưa hoàn toàn tự tin về năng lực của mình. "Đó là bổn phận và nghĩa vụ tôi cần làm và sẽ phải học tiếp thật nhanh", Hermes chia sẻ.
Sau khi cậu làm quen với công việc của gia đình chưa được 2 tháng thì đại dịch Covid-19 xảy ra, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình vô cùng khó khăn, nhưng tình hình tốt lên từ tháng 7 và 6 tháng cuối năm không tệ như chúng tôi tưởng. Còn 4 tháng đầu năm 2021, tình hình đang tiến triển tốt cho đến khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 quay lại Việt Nam", Hermes cho biết.
Khi mới tốt nghiệp đại học (một trường thuộc Top 5 ở Đài Loan), Hermes chưa có định hướng rõ về sự nghiệp ngoài khát vọng trở nên nổi tiếng cùng ban nhạc với 5 thành viên mà cậu là tay trống. Trong thời gian đó, cậu sử dụng chiếc xe hơi thuê để chạy Uber kiếm thêm và muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người lao động ở đây.
Khi ban nhạc có một bài hát được nhiều người ưa thích ở Đài Loan, cậu và các bạn của mình cũng mơ về ngày sẽ thực sự kiếm được tiền bằng âm nhạc. Thế nhưng, ban nhạc cũng không ổn định được thành viên vì ngoài Hermes phải về Việt Nam nối nghiệp, giọng ca chính của ban nhạc cũng đi Anh để học thạc sĩ….
Ban nhạc Walking Down Zhinnan Road tại Đài Loan mà Hermes là tay trống (người ở giữa)
Chia sẻ về niềm đam mê âm nhạc của con trai, bà Sandy cho biết: "Đó là sở thích của tuổi trẻ, nhưng khó có thể trở thành sự nghiệp được. Hermes cần dành thời gian nhiều cho việc kinh doanh của gia đình". Bà mẹ này bổ sung: "Hermes rất chăm chỉ và nỗi lực học tập, nếu như kiên nhẫn hơn thì hoàn hảo (cười)".
Sau gần 1,5 năm về Việt Nam làm việc cho gia đình (Công ty First Việt Nam), Hermes nắm bắt công việc rất nhanh. Cậu dành toàn bộ thời gian trong tuần cho nhà máy tại Đồng Nai, chỉ cuối tuần mới trở về nhà ở TP.HCM.
Hermes cho biết, cậu đã sẵn sàng cho việc chuyển giao thế hệ tại Công ty First Việt Nam dù "vẫn phải học thêm rất nhiều". "Thực tế là ngay cả khi ba mẹ quyết định nghỉ và giao cho anh em tôi tiếp quản thì họ vẫn ở bên cạnh tư vấn cho chúng tôi mỗi khi cần thiết", cậu cho biết. Mục tiêu của cậu và anh trai là sẽ tìm kiếm thêm những mảng kinh doanh mới cho công ty trong năm 2021 và "xe máy điện sẽ là một cơ hội".
Trong thời gian rảnh rỗi, cậu vẫn lên mạng để trao đổi với những người bạn trong ban nhạc về việc sáng tác và tập bài hát mới. "Tôi rất mong khi hết dịch sẽ có cơ hội sang Đài Loan gặp bạn bè để cùng nhau chơi nhạc. Đó là đam mê. Ban nhạc của chúng tôi không biến mất mà vẫn xuất hiện trên online. Nhưng bây giờ, tôi phải tập trung làm tốt việc kinh doanh của gia đình và kiếm tiền trước đã", Hermes tâm sự.
Tại Việt Nam, trong những công ty gia đình, không phải người con nào cũng chấp nhận lời đề nghị của ba mẹ để nối nghiệp kinh doanh như Hermes. Anh Ngô K.K – giám đốc một công ty chuyên cung cấp giống cây tại TPHCM cho biết, gia đình anh đã kinh doanh giống cây trồng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hai người con đã lớn lại không thích nối nghiệp kinh doanh của gia đình. "Đó là lựa chọn thôi, mình cũng khó ép nhưng nếu các con nối nghiệp công việc của ba thì mình sẽ rất vui", anh Ngô K.K nói với Tri thức trẻ.