Hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc sắp “soi” đến phát ngôn trên mạng

02/08/2019 11:00 AM | Xã hội

Nếu dự thảo mới của Trung Quốc được thông qua, các "anh hùng bàn phím" chuyên sáng tác, phát tán tin đồn và các bài viết đi ngược quy chuẩn xã hội sẽ bị cho vào "sổ đen".

Hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc sắp “soi” đến phát ngôn trên mạng - Ảnh 1.

Xếp hạng công dân tại thành phố Vinh Thành (Trung Quốc)

Khi các khu vực tại Trung Quốc bắt đầu thực hiện cái gọi là hệ thống chấm điểm công dân, một số người phải chịu hậu quả nặng nề vì điểm số thấp. Theo SCMP, dự thảo quy định mới sắp mở rộng để bao gồm cả nội dung chia sẻ trực tuyến.
Nếu dự thảo được thông qua, người dùng Internet viết, xuất bản, truyền bá tin tức đi ngược lại luân thường đạo lý, đạo đức kinh doanh sẽ bị xem là “bất tín trầm trọng”. Không chỉ người dùng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cũng bị cho vào sổ đen vì hành vi không đáng tin cậy.

Cục Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) không nêu chi tiết hành vi nào bị xem là “bất tín trầm trọng” mà chỉ đưa ra vài ví dụ. Ngoài việc chia sẻ thông tin sai sự thật, CAC cho biết các công ty vi phạm luật pháp và quy định sẽ bị tước giấy phép kinh doanh hoặc đóng cửa, hoặc không chấp hành lệnh trừng phạt cũng bị cho vào sổ đen.

Tới thời điểm hiện tại, các hành vi phổ biến nhất ngoài đời thực khiến một người lọt vào sổ đen là cư xử tồi tệ trên phương tiện giao thông công cộng, không thanh toán nợ. Có vẻ như chính phủ Trung Quốc đang tìm cách thay đổi điều này.

Tác động của hệ thống tín nhiệm xã hội khá dễ thấy. Danh sách đen của Trung Quốc hiện liệt kê hơn 14 triệu người là "bất tín".

Điểm số công dân là sự kết hợp phức tạp của nhiều chương trình đang được chính quyền địa phương và tổ chức tài chính thực hiện. Tất cả đều chia sẻ dữ liệu với nhau. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cho biết hệ thống quốc gia sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2020.

Dù hệ thống của mỗi thành phố khác nhau, chúng có chung mục đích là trừng phạt những ai không chấp hành luật lệ và khen thưởng những ai hành xử có ích cho xã hội. Người có tên trong danh sách đen có thể bị bêu tên tại các địa điểm công cộng như rạp chiếu phim, đường phố, website quốc gia. Họ có thể bị cấm dùng phương tiện giao thông công cộng, bị loại trừ khỏi một số phúc lợi xã hội. Ngược lại, người được chấm điểm cao lại tận hưởng phúc lợi như kiểm tra sức khỏe miễn phí, hóa đơn điện nước rẻ hơn.

Tại Trung Quốc, phát tán tin đồn trên mạng xã hội có thể phải ngồi tù. Song, từ trước tới nay, không hành vi hay phát ngôn trên mạng nào liên kết với điểm tín nhiệm xã hội. Dường như các nhà chức trách cho rằng thay đổi điều này là biện pháp quản lý nội dung trực tuyến tốt hơn.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM