Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc đưa năm 2018 đi vào lịch sử loài người?

26/12/2018 08:18 AM | Xã hội

Người ta vẫn chưa thể xác định được đó là những trang sử buồn hay vui….

Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch triệt để nhằm tác động đến hành vi của 1,3 tỷ công dân nước này: Chấm điểm từng khía cạnh trong cuộc sống để phản ánh mức độ tốt, xấu của một con người. Hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm ở các thành phố lớn với một mục đích tạo ra mạng lưới bao trùm cả quốc gia.

Nhà chức trách Trung Quốc đề cập tới nhiều lợi ích trong khi các nhà phê bình chỉ trích nó là sự xâm hại nặng nề tới quyền riêng tư của người dân và là các kiểm soát độc đoán của nhà nước. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng nó sẽ tạo ra một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp bởi chính phủ cảnh báo những người vi phạm pháp luật hoặc bị chấm điểm thấp sẽ phải trả giá đắt.

Thoạt nghe, câu chuyện chấm điểm công dân của Trung Quốc chẳng khác nào nội dung trong các bộ phim khoa học viễn tưởng mà không ít người từng xem. Tuy nhiên, với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, Trung Quốc có thể nhận diện con người qua khuôn mặt, dáng đi thông qua hệ thống máy quay giám sát. Thông tin mới nhất cho thấy phần mềm có thể nhận ra một người ở khoảng cách 50m thông qua dáng đi của họ, điều khiến mọi hành vi đều khó lòng lọt ra ngoài tầm theo dõi.

Bắc Kinh muốn hệ thống này trở thành hiện thực vào năm 2020 và đang thử nghiệm tại các thành phố lớn với khoảng 6% dân số. Những người bị điểm thấp sẽ khó khăn hơn trong việc mua vé máy bay, vé tàu hỏa hoặc nhiều chương trình phúc lợi xã hội khác. Hiện tại, chưa thể xác định Trung Quốc sẽ lắp đặt hệ thống theo dõi chung cho toàn đất nước hay chia thành các hệ thống nhỏ hơn.

Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc đưa năm 2018 đi vào lịch sử loài người? - Ảnh 1.

Công nghệ nhân diện khuôn mặt và kho dữ liệu công dân khổng lồ cho phép Trung Quốc xác định hành vi của từng cá nhân thông qua hệ thống máy quay giám sát.

Trung Quốc đang trải qua tình trạng tham nhũng, lừa đảo tràn lan cùng hàng loạt vụ bê bối thực phẩm. Đó là hậu quả của những năm công nghiệp hóa bùng nổ. Bắc Kinh muốn "thưởng thiện phạt ác" bằng hệ thống chấm điểm công dân, một động thái được coi là nỗ lực để khôi phục niềm tin cũng như duy trì việc tuân thủ các điều luật cơ bản nhất, vốn hay bị người ta phớt lờ.

Hiện tại, ở mỗi địa phương, hệ thống chấm điểm này vẫn có những quy định khác nhau. Tại thành phố Hàng Châu, các hoạt động xã hội tích cực như hiến máu và làm tình nguyện được đánh giá cao trong khi vi phạm luật giao thông khiến điểm tín dụng cá nhân bị giảm. Ở Zhoushan, một hòn đảo gần Thượng Hải, sử dụng điện thoại di động khi lái xe hay hút thuốc, phá hoại của công, dắt chó đi dạo mà không đeo xích hay dọ mõm hoặc mở nhạc lớn ở nơi công cộng sẽ bị trừ điểm.

Trong khi đó, ở một số địa phương, dành quá nhiều thời gian cho trò chơi trực tuyến, lan truyền tin tức giả mạo có thể dẫn tới bị trừ điểm. Trong khi đó, truyền bá tôn giáo bất hợp pháp hay bôi nhọ người khác trên mạng xã hội cũng sẽ bị trừ điểm.

Khi điểm tín nhiệm quá thấp, một người sẽ bị từ chối các dịch vụ cơ bản như vay tiền, không thể ở trong các khách sạn sang trọng, khó khăn trong việc mua bất động sản, xe hơi hạng sang hay cho con cái theo học tại trường tư. Tuy nhiên, mỗi công dân có khoảng 15 ngày kháng cáo điểm tín nhiệm. Không chỉ với công dân Trung Quốc, tại một số địa phương đang thử nghiệm, người nước ngoài cũng nằm trong diện bị tính điểm.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền mô tả việc chấm điểm cá nhân là động thái nguy hiểm. Người ta lo ngại quyền của con người sẽ bị hạn chế với hệ thống giám sát này. Người ta cũng lo ngại những bước tiến xa hơn nữa trong nỗ lực kiểm soát con người khi hệ thống này được hoàn thiện trong tương lai.

Theo một cuộc thăm dò, những người Trung Quốc ở thành phố, có giáo dục lại có quan điểm khá tích cực về hệ thống này. Nhiều người ủng hộ coi nó là phương tiện để thúc đẩy sự trung thực trong xã hội và nền kinh tế hơn là sự vi phạm với quyền riêng tư.

Ở thời điểm hiện tại, người ta chưa thể xác định được những tác động của hệ thống chấm điểm của Trung Quốc với người dân nước này cũng như ảnh hưởng của nó tới tương lai loài người. Tuy nhiên, có thể nhiều năm sau nhìn lại, 2018 sẽ trở thành một năm quan trọng, có tính chất thay đổi với các sống của chúng ta dù chưa ai có thể biết trước đó là thay đổi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực.

Có lẽ, chờ đợi là cách duy nhất mà thế giới có thể biết được điều đó.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM