Hệ lụy không ngờ của chiến tranh thương mại: Thuế quan đang giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc!
Sau khi tạo ra được phép màu kinh tế nhờ hoạt động xuất khẩu hàng hóa giá rẻ từ những đôi tất cho đến đồ chơi và thép, Trung Quốc hiện giờ đang ở trong sứ mệnh nâng cấp bản thân trên chuỗi giá trị.
Có một hệ quả bất ngờ từ cuộc chiến thương mại mà Nhà Trắng đã phát động nhằm vào Trung Quốc: các công ty ở đồng bằng sông Châu Giang (Pearl River Delta), trọng tâm sức mạnh của ngành sản xuất Trung Quốc, đang đẩy nhanh quá trình leo lên những nấc thang mới trên chuỗi giá trị để có thể cạnh tranh với hàng hóa Mỹ.
Đối phó với thuế quan – thứ khiến hàng hóa xuất đi trở nên đắt đỏ hơn, Michael Lu, ông chủ của LTS Group đang lên kế hoạch cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng nhiều robot hơn trong nhà máy sản xuất bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng được bày bán trong các siêu thị Mỹ của mình.
Ông cũng có kế hoạch tìm kiếm các nguồn lao động giá rẻ ở những nơi khác tại châu Á. Tại Thâm Quyến sẽ chỉ còn giữ lại bộ phận nghiên cứu và phát triển cùng với một nhóm các công nhân tay nghề cao sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, ví dụ như hệ thống chiếu sáng thông minh.
Thuế quan của Mỹ hướng đến triệt tiêu lợi nhuận của các mặt hàng giá thấp mà Trung Quốc bán cho người Mỹ. Do đó, không có gì bất ngờ khi chính thuế quan của Mỹ lại khuyến khích các công ty Trung Quốc suy nghĩ lại về hướng đi của mình, trong bối cảnh Chính phủ nước này đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Tất nhiên đó không phải là mục tiêu của ông Trump. Nhưng đó lại là những gì đang diễn ra.
Đổi thay ở đồng bằng sông Châu Giang
Sau khi tạo ra được phép màu kinh tế nhờ hoạt động xuất khẩu hàng hóa giá rẻ từ những đôi tất cho đến đồ chơi và thép, Trung Quốc hiện giờ đang ở trong sứ mệnh nâng cấp bản thân trên chuỗi giá trị. Vài năm gần đây, Bắc Kinh chú trọng vào chiến dịch chuyển các nhà máy chỉ cần đến những lao động tay nghề thấp ra khỏi Trung Quốc và xây dựng 1 nền kinh tế sử dụng các công nghệ sản xuất tân tiến nhất để tạo ra những sản phẩm có giá trị thặng dư cao hơn.
Có thể nhìn thấy làn sóng này rất rõ ở vùng đồng bằng sông Châu Giang – nơi gần 4 thập kỷ trước đã được cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình chọn để thử nghiệm chính sách mở cửa kinh tế. Năm tháng trôi qua, nơi đây trở thành "công xưởng thế giới" sản xuất mọi thứ, bên cạnh những mặt hàng đơn giản có giá rẻ như bèo còn là những mặt hàng điện tử phức tạp như điện thoại thông minh và chip bán dẫn.
Theo các nhà sản xuất, các lợi thế của vùng này bao gồm chuỗi cung ứng mạnh, dễ tiếp cận các cảng, vị trí ngay gần trung tâm tài chính Hồng Kông và sự ổn định chính trị được đảm bảo bởi Bắc Kinh. Ở đây cũng có lực lượng lao động dồi dào với khoảng 60 triệu người.
Năm 2000, chỉ 17% sản lượng công nghiệp của vùng này được phân loại là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm điện tử, công nghệ sinh học và linh kiện hàng không vũ trụ. Tuy nhiên theo số liệu từ chính quyền địa phương và HSBC Research, năm ngoái con số đã tăng lên 44%.
Để thúc đẩy "cuộc cách mạng" đối phó với thuế quan, tỉnh Quảng Đông mới đây đã thông báo kế hoạch từ nay đến 2020 sẽ đầu tư hơn 450 tỷ nhân dân tệ (tương đương 65,46 tỷ USD) hỗ trợ các ngành chiến lược bao gồm công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị cao cấp và các sản phẩm y sinh.
Jimmy Liao là ông chủ của Tech Turbo, một công ty ở Thâm Quyến chuyên mua và xử lý lại các con chip máy tính để có thể sử dụng trong các thiết bị như đồng hồ thông minh, thiết bị gia dụng có kết nối internet và đặc biệt là các sản phẩm chiếu sáng thông minh. Nhiều khách hàng của Liao bị ảnh hưởng bởi đợt đánh thuế mới nhất và do đó họ yêu cầu Liao giảm giá.
Nhưng anh đã có giải pháp cho riêng mình: giảm mua chip từ nhà cung ứng chính ở Mỹ là Qualcomm và quay sang làm ăn với 1 công ty Trung Quốc có tên Telink Semiconductor. Anh dự tính đến năm 2019 sẽ có một nửa chip được mua từ Trung Quốc (năm ngoái chỉ 20%). Những khách hàng như Liao sẽ giúp ích cho ngành chip nội địa – lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD để nuôi dưỡng.
Liao cho biết chip Trung Quốc không tốt bằng chip Mỹ nhưng các nhà sản xuất nội địa rất chịu khó lắng nghe để cải thiện sản phẩm và họ cũng đang dần tốt lên.
Là thành phố có GDP cao nhất trong vùng, Thâm Quyến có xuất khẩu chiếm 3/4 trong GDP đạt 2.240 tỷ nhân dân tệ năm 2017. Đây là nơi có trung tâm sản xuất lớn nhất của nhà lắp ráp iPhone Foxconn, và cũng là nơi đặt trụ sở của tập đoàn công nghệ Tencent. Ở đây đang trỗi dậy một sức sống mới: 12 triệu dân Thâm Quyến giờ có thể thanh toán mọi thứ bằng ứng dụng trên điện thoại di động, nhiều nhà máy cũ biến thành phòng nghiên cứu và thiết kế, xuất hiện nhan nhản các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và fintech.
Bên ngoài Thâm Quyến, vẫn có nhiều nơi sản xuất đồ nội thất, quần áo và các sản phẩm hóa chất giá rẻ như Đông Quản. Tuy nhiên không khí ở đây cũng nhuốm màu đổi mới. Kể cả trước khi có căng thẳng thương mại, các nhà máy chuyên sản xuất hàng giá rẻ đã bắt đầu chuyển nhà máy sang nước khác do chi phí lao động tăng lên và Chính phủ Trung Quốc siết chặt các quy định về bảo vệ môi trường.
Công ty Sintai Furniture của Tony Lee xuất khẩu bàn ghế ngoài trời và các đồ nội thất khác cho các siêu thị như Costco và Home Depot của Mỹ, do đó sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Lee đang chuyển khoảng 20% hoạt động sản xuất sang Việt Nam, dự tính số hàng này sẽ tránh được thuế của Mỹ, còn dây chuyền phục vụ châu Âu và các thị trường khác vẫn ở Đông Quản.
Theo Lee, chi phí có thể tăng lên trong ngắn hạn vì phải bỏ tiền đào tạo công nhân và vận chuyển nguyên vật liệu. Tuy nhiên về dài hạn thì chiến lược này vẫn giúp tiết kiệm tiền. "Sẽ mất thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng ở Việt Nam, nhưng khi đã hoàn thiện thì chi phí sản xuất ở đó sẽ rẻ hơn ở Trung Quốc".
Việc Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao cũng là một trong những vấn đề chủ chốt gây ra tranh cãi giữa hai nước. Trong báo cáo công bố ngày 22/3 về các hành vi thương mại của Trung Quốc, trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng để theo đuổi các mục tiêu của chiến dịch Made in China 2025, Trung Quốc đã thúc đẩy các chính sách không công bằng như trợ cấp, bảo hộ cho các ngành ưu tiên và buộc các doanh nghiệp phương Tây phải tiết lộ bí mật thương mại nếu muốn lập liên doanh với các công ty Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định Made in China 2025 được Trung Quốc coi là ưu tiên quốc gia và do đó họ sẽ khó có thể từ bỏ mục tiêu của mình.
Theo tính toán của Oxford Economics, thuế suất 10% (hết năm nay sẽ tăng lên 25%) mà ông Trump đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này giảm xuống còn 5,6% trong năm 2019 – mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ và giảm so với mức dự báo 6,5% của năm nay.
Tuy nhiên Oxford Economics dự báo các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ làm giảm đáng kể tác động.
Tuần trước, tỉnh Quảng Đông vừa ban hành luật đầu tư mới cho phép các nhà đầu tư ngoại sản xuất một vài sản phẩm công nghệ cao mà không cần phải lập liên doanh. Vùng đồng bằng sông Châu Giang cũng đang thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tháng 9 Exxon Mobil ký thỏa thuận 10 tỷ USD xây dựng 1 khu phức hợp hóa dầu ở Huizhou. Đây sẽ là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc từ trước đến nay.
Wang Guanghui cho biết từ năm ngoái, trước cả khi Mỹ đe dọa áp thuế với hàng Trung Quốc, ông đã nhận ra công ty sản xuất ốp lưng điện thoại của mình đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ có chi phí rẻ hơn. Với khoản trợ giúp 63.000 USD từ chính quyền địa phương, công ty của Wang đã có thể đầu tư vào tự động hóa và cắt giảm đáng kể chi phí lao động.