Hệ lụy của văn hóa 996 nhìn từ chuyện đột quỵ vì làm việc đến 1h sáng: Có đáng để đánh đổi mạng sống chỉ vì tiền?

07/01/2021 16:23 PM | Sống

Hàng triệu người trên thế giới đang sẵn sàng làm việc đến lao lực chỉ để đổi lại những đồng tiền lương còm cõi. Nếu để bản thân bị hủy hoại vì công việc, số tiền kia liệu còn ý nghĩa gì nữa?

1

Cách đây vài ngày, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng trước thông tin một nữ nhân viên bị đột quỵ khi đang đi bộ về nhà cùng đồng nghiệp lúc 1h30 sáng. Dù được đưa đi cấp cứu, cô gái trẻ đã không qua khỏi.

Nữ nhân viên sinh năm 1998 này mới gia nhập Pinduoduo - sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn của Trung Quốc - từ tháng 7/2019. Cô phụ trách lĩnh vực kinh doanh tạp hóa, làm việc tại văn phòng ở Tân Cương.

Đồng nghiệp cho biết, nữ nhân viên là người vô cùng chăm chỉ. Trừ thời gian ngủ, cứ mở mắt ra là cô lại làm việc, thậm chí còn làm thêm ngoài giờ đến tận nửa đêm. Điều này khá phổ biến trong ngành của cô. Bài đăng cuối cùng của cô trên mạng xã hội cũng chỉ vỏn vẹn 1 dòng: "Cố gắng làm việc nhiều hơn nữa!".

Một số cư dân mạng cho biết, họ làm việc không dưới 12 tiếng/ngày, làm liên tục 13 ngày mới được nghỉ 1 hôm. Toàn bộ nhân viên còn ở lại công ty thay vì về quê đón Tết dương cùng gia đình. Dịp lễ, Tết cũng là lúc các sàn TMĐT cạnh tranh khốc liệt nhất, muốn nghỉ cũng không thể nghỉ.

Vừa mới trải qua 2020 đầy khó khăn, cô gái trẻ 23 tuổi đã bỏ mạng khi chưa kịp tận hưởng niềm vui của năm mới.

Trước cái chết đột ngột của nữ nhân viên, công ty Pinduoduo chỉ lạnh lùng trả lời: "Mọi người hãy nhìn những người thuộc tầng lớp thấp xem, có ai không quên mình vì tiền? Đây là vấn đề của cả xã hội, của thời đại. Nếu cứ mãi an nhàn thì sẽ để lại hậu quả, vì thế hãy cố gắng đi". Dưới sức ép của cư dân mạng, họ đã phải xóa bài đăng này đi.

Dường như, trong xã hội ngày nay, dường như chẳng còn con đường nào khác để kiếm tiền ngoài đánh đổi mạng sống.

 Hệ lụy của văn hóa 996 nhìn từ chuyện đột quỵ vì làm việc đến 1h sáng: Có đáng để đánh đổi mạng sống chỉ vì tiền?  - Ảnh 1.

2

"996" có nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Đây là văn hóa làm việc đang được áp dụng tại nhiều công ty của Trung Quốc.

Một tuần làm việc 72 tiếng, người lao động gần như không thể làm gì khác. Không thời gian cho gia đình. Không thời gian để gặp mặt bạn bè. Không thời gian để tận hưởng sở thích. Thậm chí ăn một bữa tử tế cũng chẳng thể có. Nhiều người tự hỏi, tại sao những nhân viên này có thể chịu được một cuộc sống chỉ có ngủ dậy và đi làm.

"Nhiều công ty và người lao động còn không có cơ hội để áp dụng 996", tỷ phú Jack Ma - người sáng lập Alibaba - phát biểu. "Nếu không làm việc theo văn hóa 996 khi còn trẻ, bạn định chờ tới bao giờ? Trong thế giới này, ai cũng muốn thành công, sung sướng và được trọng vọng. Cho tôi hỏi: Nếu bạn không bỏ nhiều thời gian và công sức hơn người khác, làm sao bạn có thể thành công như mình muốn?".

Jack Ma không phải doanh nhân có tiếng duy nhất ủng hộ chế độ làm việc tàn nhẫn này. JD.com - một công ty thương mại điện tử lớn khác ở Trung Quốc - cũng từng gửi email cảnh báo cho những nhân viên làm việc kém hiệu quả - những người mà họ cho là không "cố gắng" làm thêm ngoài giờ "dù ở vị trí nào, năng lực ra sao, mức lương bao nhiêu, sức khỏe thế nào hay có lý do gia đình gì".

Kể từ khi ngành công nghệ bùng nổ vào đầu thập niên 2000, nhiều công ty đã chấp nhận văn hóa làm việc suốt ngày đêm để giành lấy lợi thế dẫn đầu trước các đối thủ cạnh tranh. Một số nơi khác cũng bắt chước khi thấy họ ngày càng thành công hơn.

Văn hóa làm việc quá sức chẳng phải vấn đề mới hay của riêng Trung Quốc. Tại Nhật Bản, nhân viên cũng ở trong tình trạng tương tự. Họ không được phép rời công sở khi sếp chưa về, cũng như thường xuyên làm thêm giờ 80 tiếng/tháng. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều người lao động Nhật Bản tìm đến cái chết - hay còn gọi là "karoushi" (cái chết vì làm việc quá sức).

Ngay ở Thung lũng Silicon (Mỹ), nhiều người cũng bị cuốn vào guồng quay làm việc, để có thể thành công càng sớm càng tốt. Từ Google ở nước ngoài đến Huawei ở Trung Quốc, vinh quang của mỗi công ty đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt của từng cá nhân.

 Hệ lụy của văn hóa 996 nhìn từ chuyện đột quỵ vì làm việc đến 1h sáng: Có đáng để đánh đổi mạng sống chỉ vì tiền?  - Ảnh 2.

3

Li Zhepeng (25 tuổi) chuyển tới Thượng Hải với hy vọng sẽ có một bước nhảy vọt trong sự nghiệp. Thế nhưng, thay vì tận hưởng cuộc sống nhộn nhịp nơi phố thị, anh phải đối mặt với hiện thực hoàn toàn khác.

Mỗi ngày, Li mất 90 phút để đi tới văn phòng ở ngoại thành. Anh làm việc 12 tiếng/ngày, bao gồm cả Chủ nhật, công việc là viết mô tả cho sản phẩm trên sàn TMĐT. Chàng trai trẻ được 3.500 tệ/tháng (hơn 13 triệu VNĐ) - một con số quá thấp so với mức sống đắt đỏ tại thành phố phát triển bậc nhất Trung Quốc này.

Người lao động nào cũng có lý do để chịu đựng văn hóa 996. Có người cần tiền vô cùng. Có người cho rằng thành công trong sự nghiệp buộc phải trả giá bằng cuộc sống riêng tư. Có người chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ văn hóa làm việc của công ty. Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật; nếu không chấp nhận, họ có thể bị mất việc.

Một dân cư mạng Trung Quốc bất lực viết: "Ngoài kia có rất nhiều người, ai cũng sẵn sàng thay thế bạn. Bạn không chấp nhận văn hóa 996, nhưng có vô số lao động ngoài kia sẵn sàng chịu đựng, thậm chí còn chẳng đòi thêm tiền".

Emma Rao đã có 3 năm kinh nghiệm việc theo văn hóa 996. Cô gái Nam Kinh này đã tới Thượng Hải 5 năm trước để đầu quân cho một công ty dược phẩm đa quốc gia. Công việc nhanh chóng chiếm hết thời gian trong ngày của cô.

"Tôi gần như tuyệt vọng", cô nói. "Đời sống cá nhân của tôi đã bị tước đoạt". Sau khi về nhà, cô chỉ còn rất ít thời gian để ăn uống, tắm rửa và đi ngủ. Tuy nhiên, Rao sẵn sàng hy sinh thời gian ngủ của mình để cho sở thích cá nhân. Cô thức đêm để lướt web, đọc tin tức và xem video trên mạng tới hơn nửa đêm.

Giới trẻ Trung Quốc gọi thói quen này là "bàofùxìng áoyè", có nghĩa là "thức đêm để trả thù". Thay vì ngủ, họ chọn dành chút thời gian ít ỏi này để bù đắp phần nào cho cuộc sống cá nhân bị đánh cắp của mình.

Gu Bing (33 tuổi) là giám đốc sáng tạo tại một công ty kỹ thuật số tại Thượng Hải. Thường xuyên tan làm muộn, cô coi việc đi ngủ trước 2h sáng là quá sớm. "Dù ngày hôm sau sẽ mệt mỏi, nhưng tôi vẫn không muốn đi ngủ sớm", cô nói.

Hồi còn trẻ, Gu rất thích thức đêm. Dần dần, cô nghĩ đến việc bắt đầu thói quen ngủ "bình thường" hơn. Tuy nhiên, cô và các bạn vẫn hay tỉnh giấc giữa đêm. "Tôi thực sự cần khoảng thời gian đó. Tôi muốn sống lành mạnh nhưng công việc không cho phép. Tôi muốn lấy lại thời gian của mình", Gu tâm sự.

 Hệ lụy của văn hóa 996 nhìn từ chuyện đột quỵ vì làm việc đến 1h sáng: Có đáng để đánh đổi mạng sống chỉ vì tiền?  - Ảnh 3.

4

Theo thống kê của WHO năm 2016, Trung Quốc có 120 triệu người mắc bệnh tiêu hóa nặng. Tỷ lệ mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính của đất nước này cũng cao hơn 30% so với thế giới.

Sau một thời gian làm việc liên tục với cường độ cao như vậy, những hậu quả nặng nề về mặt sức khỏe là không thể tránh khỏi. Chưa kể, nhân viên công sở còn thường xuyên phải ăn các món đầy muối và dầu mỡ khi hội họp, tiếp khách ngoài nhà hàng. Một số người còn vừa ăn vừa làm cho kịp deadline nên nhai không kỹ, dễ dẫn tới các bệnh như loét dạ dày hay viêm dạ dày.

Khi công việc trở nên căng thẳng, nhiều người chọn cách ăn uống vô độ để xả stress. Điều này sẽ phá vỡ nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể, buộc tuyến tụy phải tiết ra một lượng lớn dịch tiêu hóa trong thời gian ngắn, khiến họ bị chướng bụng, thậm chí là ung thư tuyến tụy.

Bạn cần hiểu rằng, thân thể khỏe mạnh mới là yếu tố then chốt để duy trì cuộc sống, không gì quan trọng hơn. Đặc biệt là chúng ta lại vừa trải qua năm 2020 chìm trọng dịch bệnh. Bạn không nhất thiết phải bỏ mạng để kiếm tiền; sao phải vì tiền mà đánh đổi sức khoẻ của mình?

Làm việc bán sống bán chết như vậy cũng chẳng hiệu quả hơn so với làm việc từ tốn và bình tĩnh. Càng mệt mỏi, dân công sở lại càng làm việc cẩu thả hơn, thậm chí còn gây ra những lỗi không đáng có làm chậm tiến độ của dự án, mất thêm thời gian để sửa. Ngay cả những thiên tài như Darwin hay Poincaré cũng phải thư giãn bằng các hoạt động giải trí sau mỗi 3-4 tiếng làm việc.

Văn hóa 996 không chỉ giết chết thể xác và tinh thần của nhân viên. Nó còn tước đoạt thời gian nghỉ ngơi của con người, gây tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình. Nó giống như một nhà tù văn hóa, nơi người lao động phải giả vờ bận rộn cho tới khi được tan sở, hay làm việc đến chết mới thôi.

5

Hãy thử hỏi bản thân một câu này: Bạn làm việc chăm chỉ để làm gì?

Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn? Để trở thành trụ cột trong xã hội hiện đại? Để hoàn thành ước mơ ngày nhỏ của mình? Để thực hiện điều mình thích?

Tất cả những điều trên, tựu trung lại, đều là vì chính mình.

Quả thực, cuộc sống này còn nhiều điều ý nghĩa, còn nhiều sứ mệnh vĩ đại đang chờ bạn đảm nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta chỉ là những người bình thường, cũng có giới hạn nhất định. Vì thế, trước tiên hãy trân trọng sức khỏe và cuộc sống của chính mình.

 Hệ lụy của văn hóa 996 nhìn từ chuyện đột quỵ vì làm việc đến 1h sáng: Có đáng để đánh đổi mạng sống chỉ vì tiền?  - Ảnh 4.

Đầu tiên, đừng để chủ nghĩa tiêu dùng chi phối mình.

Nếu không muốn số tiền mình kiếm được rơi vào tay người khác, bạn cần phải tiết kiệm được đủ tiền để trang trải cuộc sống và cho bản thân quyền lựa chọn. Tiêu tiền một cách khôn ngoan, bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn chẳng cần nhiều tiền như mình nghĩ. Do đó, bạn cũng chẳng cần phải lao đầu vào kiếm tiền như thiêu thân giống người khác.

Thứ hai, chọn một công ty có tình người trong phạm vi cho phép.

Điều sợ nhất không phải là đánh đổi tính mạng để kiếm tiền, mà là dùng tiền cũng không đổi lại được tính mạng.

Có người đã phân tích rằng mức lương của nữ nhân viên Pinduoduo kia cũng chẳng hề cao, chỉ khoảng 5.000 tệ/tháng (khoảng 19 triệu VNĐ). Vậy mà cô ấy vẫn chấp nhận làm việc lao lực lúc 1-2h đêm, đến mức đột quỵ như vậy.

Nếu buộc phải bán mạng để kiếm tiền, hãy chọn cho mình một công ty trả lương xứng đáng.

Thứ ba, nếu không chịu được khổ thì phải nỗ lực vươn lên vị trí cao hơn.

Lợi thế của người lãnh đạo là có thể thoải mái nghỉ ngơi khi họ muốn. Ít nhất bạn cũng sẽ được thư giãn khoảng 1 tiếng, cho mình một chút tự do.

***

Công việc là thứ giúp chúng ta trang trải cuộc sống, không phải để tước đoạt tính mạng. Đúng là chúng ta cần nỗ lực chăm chỉ, nhưng quan trọng nhất, chúng ta cũng cần về nhà nghỉ ngơi. Đó mới là cách hữu hiệu nhất để tồn tại lâu dài.

(Theo Medium, Zhihu...)

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM