Hé lộ số thuế "còi" của Uber, Facebook, Google nộp cho VN

20/02/2017 16:00 PM | Kinh doanh

Lần đầu tiên, số thuế của Uber, Facebook, Google nộp cho Việt Nam được tiết lộ khi Tổng cục thuế tham gia bàn tròn "Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?" tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.

Câu chuyện Bộ Giao thông vận tải tuýt còi hoạt động của Uber trong thời gian vừa qua đã dấy lên những tranh cãi về nền kinh tế số đang bùng nổ với rất nhiều hình thái kinh doanh mới mẻ, trí tuệ và sáng tạo. Những hình thái kinh doanh đó đang mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho cộng đồng người tiêu dùng, tuy nhiên, lại đặt ra rất nhiều bài toán thách thức cho các nhà quản lý, đặc biệt trong câu chuyện thu thuế hay vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia.

Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức khi mở cửa các loại hình kinh doanh tuy cũ ở thế giới nhưng rất mới ở Việt Nam. Chẳng hạn như những lĩnh vực nhạy cảm như cho phép người Việt Nam vào casino, hay trò chơi xổ số kiểu Mỹ như công ty Vietlot đang kinh doanh.

Một câu hỏi được đặt ra là, Việt Nam cần thích ứng như thế nào với những hiện tượng mới trong đời sống xã hội hiện nay? Chính phủ phải làm thế nào để quản lý được những hình thái kinh tế mới này, vừa thu được thuế, vừa đảm bảo được an toàn an ninh, vừa tạo ra được một môi trường kinh doanh bình đẳng thông thoáng và người dân luôn luôn được hưởng lợi?

Nhằm mang đến một góc nhìn toàn cảnh đa chiều về các vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet mời Quý vị và các bạn cùng theo dõi Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với các hiện tượng mới của nền kinh tế? với 3 khách mời.

- Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính.

- Ông Đỗ Hoài Nam – chuyên gia về khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty Up Coworking Space (Công ty hỗ trợ không gian khởi nghiệp)

- TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo dõi phần I bàn tròn tại video sau:

Video 1 phần I

Góc nhìn thẳng

Video 2 phần I:

Góc nhìn thẳng

Mổ xẻ không gian đa chiều của nền kinh tế chia sẻ

Nhà báo Phạm Huyền:Câu hỏi đầu tiên, bàn tròn trực tuyến muốn trở lại với một vấn đề thời sự trong những ngày vừa qua – đó là liệu Uber có bị cấm hay không? Uber là một dịch vụ taxi qua mạng, được cung cấp bởi một doanh nghiệp ở Hà Lan. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Các vị khách mời có góc nhìn như thế nào về vấn đề này? Đầu tiên, xin hỏi ông Nguyễn Quang Tiến, ông nghĩ như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải thừa nhận rằng, tại Việt Nam hiện nay, các hoạt động hay sản phẩm như Uber cũng không còn là xa lạ nữa.

Chúng ta là một đất nước rất trẻ với tốc độ tăng trưởng internet lớn. Theo công bố của Bộ Công Thương, có khoảng 28 triệu người là chủ sở hữu các tài khoản xã hội, hơn 32 triệu người sử dụng internet trên nền tảng di động. Đây là những nền tảng hạ tầng để sử dụng các dịch vụ mua bán hàng hóa trực tuyến. Ở Việt Nam là như vậy.

Còn trên thế giới, công nghệ thông tin hiện đang làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc và tạo ra tác động trên mọi mặt, từ khoa học đến đời sống xã hội.

Đối với quản lý, đối với xã hội và đối với doanh nghiệp, nó đang tạo ra một thế giới phẳng, một sân chơi cạnh tranh giữa các loại hình dịch vụ mới và loại hình kinh doanh truyền thống. Điều đó đang tạo ra một sức ép cạnh tranh vô cùng lớn trong nền kinh tế hiện nay. Ví như câu chuyện sức ép cạnh tranh cho các hãng taxi truyền thống khi Uber xuất hiện xảy ra trong thời gian qua.

Vấn đề này đòi hỏi có các giải pháp quản lý trong giai đoạn tới phù hợp hơn, với chi phí thấp hơn nhưng tạo được điều kiện tốt hơn cho các loại hình kinh doanh mới phát triển.

Nhà báo Phạm Huyền:Về vấn đề này, quan điểm của TS Nguyễn Đức Thành ra sao?

TS Nguyễn Đức Thành: Nói riêng về Uber hay nói chung về những sự xuất hiện của những công nghệ, mặt hàng, dịch vụ mới, tôi thấy nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Thứ nhất, nó làm cho người ta ngạc nhiên, kể cả trong giới doanh nghiệp. Đó là sự gia nhập thị trường của những người lạ lần đầu tiên tham gia nhờ công nghệ. Bởi vậy, nó không chỉ gây ra sự ngạc nhiên mà có thể còn là sự phản ứng của những người đã có sẵn trên thị trường.


TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ về Uber- kinh tế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng

TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ về Uber- kinh tế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng

Ví dụ, ngày xưa muốn vận chuyển hành khách, cần có một doanh nghiệp, có đăng ký, có chuyên môn nhất định về ngành nghề ấy chẳng hạn. 100 năm nay là như vậy. Bỗng nhiên nay, khi Uber xuất hiện , nó cho phép một người dân đang có xe nhàn rỗi vào một thời điểm nào đó, người ta có thể sử dụng xe của mình tham gia vào việc vận chuyển không chuyên nghiệp. Với phần mềm Uber, họ bắt được khách và họ vận chuyển khách, sau đó, họ có thể lại đi đón con và làm công việc chính của họ và việc vận chuyển khách kia chỉ là làm ngoài giờ thôi.

Hay như các dịch vụ cho thuê nhà chẳng hạn. Trước đây, chỉ những người chuyên về dịch vụ khách sạn mới cung ứng chỗ nghỉ cho khách khi đến thành phố mới, nhưng mà bây giờ, các hộ gia đình khi đi vắng hoặc có phòng thừa cũng đều có thể tham gia vào việc cung cấp dịch vụ lưu trú đó.

Đó là nền kinh tế chia sẻ.

Chính vì những sự mới mẻ đó trong các mô hình kinh doanh đã gây ra sự ngỡ ngàng và ít nhiều, trong một số trường hợp, gây ra sự phản ứng khá là cực đoan. Chúng ta đã nghe thấy, như trường hợp phản ứng của các hiệp hội taxi truyền thống như ông Tiến nói. Thậm chí ở các nước, đã xảy ra những phản ứng rất dữ dội như hành vi đập phá, đốt hay thậm chí là hành hung đối với những lái xe Uber là những người mới gia nhập thị trường. Đó là những hành vi gây xáo trộn xã hội, một dạng phản ứng xã hội.

Từ góc độ quản lý nhà nước, chủ yếu là quản lý về thuế của Việt Nam, thách thức đặt ra là để xác định anh doanh nghiệp này đang làm cái gì cũng rất khó, rồi thu nhập của anh ta phát sinh ra thuộc dạng gì để tôi đánh thuế, đánh theo luật gì đang có? Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu hay thuế thu nhập doanh nghiệp?

"Tôi nghĩ không thể đối xử với họ như là một việc phản lại sự tiến bộ được. Đó là nguyên tắc"

- TS Nguyễn Đức Thành- VEPR

Nguyên tắc của quản lý nhà nước là phải áp được đúng loại hình, phải định danh hoạt động của doanh nghiệp là gì thì mới quản lý được, như quản lý đánh thuế. Nói đơn giản là khi chúng ta còn chưa biết định danh như thế nào, không biết làm thế nào thì điều đó tất yếu sẽ gây ra sự hoang mang ban đầu nhưng chỉ là ban đầu thôi. Sau đó, tôi nghĩ rằng, xã hội tiến hóa và sẽ có cách định danh cho nó- loại hình kinh doanh mới đó.

Vì thế mà phản ứng đầu tiên của người dân, của các cơ quan quản lý nhà nước và cả những nguời đang tham gia thị trường hiện nay, theo tôi, đôi khi là chưa kịp thời với thực tế các vấn đề kinh tế mới nảy sinh.

Thậm chí, có những phản ứng tiêu cực từ xã hội rằng, anh doanh nghiệp đó làm như thế là phạm luật, là cướp cơm của người khác, là làm điều gì đó xấu.

Nhưng trên thực tế, bản chất vấn đề chỉ là cái mới xuất hiện. Rõ ràng là họ tạo ra dịch vụ, mang lại lợi ích cho khách hàng và có thu nhập chính đáng. Vì vậy, tôi nghĩ không thể đối xử với họ như là một việc phản lại sự tiến bộ được. Đó là nguyên tắc.

Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải ứng xử với công nghệ mới đó như thế nào, cơ quan quản lý nhà nước cũng xác định rõ như thế nào để quản lý và thu được một nguồn thu nhập nhất định từ thuế?

Tôi tin rằng, theo sự tiến hoá của xã hội thì mọi sự sẽ lại đâu vào đấy và chúng ta không thể chống lại những xu hướng đó được.

Nhà báo Phạm Huyền:Vâng, ông nói rất toàn cảnh về bối cảnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ xuyên biên giới hiện nay. Trong những gì ông vừa đề cập, có một khái niệm là “định danh. Việc định danh kéo theo vấn đề là chúng ta quản lý như thế nào.

Tôi muốn hỏi ông Đỗ Hoài Nam về điều này. Là một doanh nhân sáng tạo – chuyên gia về khởi nghiệp, ông nghĩ như thế nào về việc khi một doanh nghiệp có một ý tưởng kinh doanh mới, cứ việc tìm kiếm lợi nhuận, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, còn những việc khác không phải là việc của anh, nhưng sự thực là tại vì sự xuất hiện của anh mà gây xáo trộn khá nhiều trong việc quản lý?


Ông Đỗ Hoài Nam (Namster Đỗ) chia sẻ về kinh tế chia sẻ với Góc nhìn thẳng

Ông Đỗ Hoài Nam (Namster Đỗ) chia sẻ về kinh tế chia sẻ với Góc nhìn thẳng

Ông Đỗ Hoài Nam: Tôi đồng ý với anh Thành về việc xã hội luôn luôn phát triển, và sẽ luôn luôn có những cái mới. Khi có cái mới thì luôn tạo ra những sự xáo trộn, những sự xáo trộn sau một khoảng thời gian sẽ lại cân bằng lại và khi đó, nó sẽ không còn là cái mới nữa.

Vừa rồi, chúng ta nói đến một thế giới phẳng nhưng theo tôi, giờ có thêm một chiều nữa, không còn phẳng nữa.

Đó là việc khoa học công nghệ đi vào mọi ngóc ngách của đời sống.

Về mặt quản lý nhà nước, người ta có thể nghĩ rằng, khi muốn di chuyển từ chỗ này tới chỗ kia thì chỉ cần kẻ một đường và kiểu gì, các doanh nghiệp cũng phải đi qua cái đường của tôi vạch ra. Thế nhưng, với khoa học công nghệ, nó tạo ra chiều thứ ba là chiều thẳng đứng trong không gian kinh tế hiện nay.

"Nó tạo ra chiều thẳng đứng trong không gian kinh tế hiện nay... Ai tạo ra sáng tạo mới thì người đó sẽ tạo ra được giá trị mới cho xã hội và được hưởng quyền lợi từ sự sáng tạo đó".

Chuyên gia startup Namster Đỗ

Doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ có thể đi từ chỗ này sang chỗ khác và không đi trên mặt phẳng ấy nữa, không đi qua cái đường mà chúng ta kẻ nói trên. Trong không gian ba chiều, một hình khối có thể là hình vuông, nghiêng đi sẽ ra một hình chữ nhật khác.

Thành ra, nếu các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội không nhìn nhận ra chiều thứ ba của không gian ấy, là do khoa học công nghệ và internet tạo ra, thì chúng ta sẽ không bao giờ định danh ra được những sản phẩm dịch vụ mới.

Tôi nghĩ, cũng cần phải nhận thức rằng, các cơ quan quản lý không quản lý theo cách để ngăn cản, không làm chậm đi sự phát triển mà việc quản lý làm sao là để mọi người– tức các doanh nghiệp tự bắt kịp những thứ hiện đại nhất mà loài người sáng tạo ra.

Chúng ta phải tạo ra một sân chơi công bằng để không ai phải chịu thiệt. Sau khi tạo ra sân chơi công bằng rồi, chúng ta phải để cho mọi người phát triển. Trong đó, ai tạo ra sáng tạo mới thì người đó sẽ tạo ra được giá trị mới cho xã hội và được hưởng quyền lợi từ sự sáng tạo đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Tạo ra các sáng tạo mới là một động lực cho doanh nghiệp. Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện nay, câu chuyện phát triển kinh tế không chỉ có việc dựa trên nền tảng của sự sáng tạo công nghệ.

Ở Việt Nam chúng ta còn có một loại hình mới, mới ở chúng ta thôi nhưng lại cũ trên thế giới. Đó là loại hình kinh tế đáp ứng tối đa những nhu cầu của con người. Tôi lấy ví dụ như là cho phép người Việt Nam vào chơi casino hay phát triển một loại hình xổ số kiểu Mỹ với hình thức cộng dồn giải thưởng lên tới hàng trăm tỷ hay dự án lập khu “phố đèn đỏ” ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta đang phải đứng trước một sự lựa chọn, đó là đáp ứng tối đa nhu cầu của con người nhưng đồng thời phải quản lý được những hệ lụy của nó. Về vấn đề này, ông nghĩ như thế nào, thưa TS Nguyễn Đức Thành?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Tôi thích hình ảnh anh Nam nói về không gian ba chiều với một chiều mới – một chiều kích mới trong đời sống.


TS Nguyễn Đức Thành và ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ về Uber- kinh tế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng

TS Nguyễn Đức Thành và ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ về Uber- kinh tế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng

Và bởi lâu nay, chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu một chiều kích, nên dường như, chúng ta có xu hướng muốn gò nó lại, đập bớt đi để số chiều không gian giảm về như cũ. Thế thì, chúng ta sẽ thất bại.

Cho nên, theo tôi, những cái mới phải được thừa nhận. Các cơ quan quản lý phải kiến tạo một xã hội mà không gian về chính sách, về cạnh tranh, về môi trường bao gồm cả chiều kích đó. Đó là điều phải làm.

Một cái mới thứ hai, ta hiểu theo nghĩ, nó cũng tồn tại rất lâu rồi nhưng chúng ta không thừa nhận nó. Cái "mới" ấy mặc dù vẫn nằm trong không gian cũ thôi. Ví dụ như đánh bạc hay mại dâm, nó tồn tại cùng với sự phát triển của loài người.

Những nước đi trước dựa trên quan điểm rằng, kinh doanh những dịch vụ đó cũng là có thể quản lý được, ai muốn chơi thì tham gia trong khuôn khổ nhất định. Ở nước ta, trước đây chúng ta chưa thừa nhận nhưng giờ mình bắt đầu thừa nhận, như việc chơi casino.

Cái dịch vụ "mới" đó không có sự thay đổi về chất, không có sự xuất hiện của chiều kích mới mà chỉ là việc chúng ta có bước qua quan niệm và tư duy hay truyền thống hay không?

Điều đó làmột bài toán phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm, hệ giá trị và cách chúng ta nhìn nhận vấn đề đó một cách chủ quan.

"Cái dịch vụ "mới" đó không có sự thay đổi về chất, không có sự xuất hiện của chiều kích mới mà chỉ là việc chúng ta có bước qua quan niệm và tư duy hay truyền thống hay không?"

TS Nguyễn Đức Thành- VEPR

Trong những trường hợp này, tôi cho rằng câu chuyện thuần túy là việc tái định hình các quan niệm và trên cơ sở quan niệm mới về một vấn đề có thể rất cũ – chúng ta định danh nó theo nghĩa chính thống thôi.

Việc quản lý nó, tôi nghĩ là không quá khó, nếu chúng ta chịu khó học hỏi các mô hình của các nước đã áp dụng, chúng ta sẽ tìm được mô hình chúng ta thấy phù hợp.

Có thể biên độ khác nhau, ví dụ chúng ta không thích cách mà dịch vụ sòng bài phát triển như ở Las Vegas hoặc Singapore, chúng ta có thể tìm mô hình mà các giá trị có thể chấp nhận được, thấp hơn ở một mô hình khác mà chúng ta học hỏi được. Tôi nghĩ điều đó không phải là khó.

Thế còn sự tiếp nhận của xã hội đến đâu, của cơ quan quản lý đến đâu thì phụ thuộc vào cách chúng ta làm. Theo thời gian, chúng ta chứng minh rằng thực sự những cái mới đó không gây ra những đảo lộn xã hội và phát triển như một hoạt động bình thường.

Thúc giục, thanh tra, mới thu được thuế Uber, Facebook, Google

Nhà báo Phạm Huyền:Rõ ràng từ những chia sẻ của ông Thành và ông Nam, vai trò quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay là càng ngày càng quan trọng. Sự chuyển mình của Nhà nước cũng phải là sự chuyển mình theo nhu cầu của thị trường, của người dân và theo sức sáng tạo của doanh nghiệp.

Được biết, ông Tiến là một chuyên gia, một nhà quản lý tiên phong trong việc nghiên cứu các yếu tố mới của nền kinh tế, tất nhiên với mục tiêu cụ thể là thu thuế. Ông đã từng nghiên cứu những yếu tố rất mới như câu chuyện cách đây 5-7 năm, làm thể nào để nhận diện hành vi chuyển giá của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các giải pháp thu thuế. Ngày nay thì đó là câu chuyện thu thuế các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Ông có thể chia sẻ gì về việc làm sao để các công cụ quản lý của mình theo kịp được sự phát triển đó?


Ông Nguyễn Quang Tiến- Tổng cục Thuế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng về thu thuế Uber, Facebook, Google

Ông Nguyễn Quang Tiến- Tổng cục Thuế chia sẻ tại Góc nhìn thẳng về thu thuế Uber, Facebook, Google

Ông Nguyễn Quang Tiến: Tổng cục Thuế có thành lập Ban cải cách và đổi mới của chúng tôi với mục tiêu là, ngoài việc xây dựng kế hoạch cải cách thuế dài hạn và trung hạn, có một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là nghiên cứu về các mô hình quản lý thuế mới, áp dụng thí điểm và sau đó chuyển giao linh động.

Như bạn vừa nêu, vào những năm 2011 -2012, báo chí phản ánh rất nhiều hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trên 70 đến 80% các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đều kê khai lỗ. Báo chí nêu rất nhiều, các diễn đàn quốc tế cũng trao đổi liên tục về các hành vi chuyển giá.

Thực tế, các doanh nghiệp FDI thuê những công ty kiểm toán lớn, trong khi đó các công ty kiểm toán làm tương đối hời hợt. Sau đó, tôi biết có những trường hợp chính các công ty FDI đề nghị công ty kiểm toán làm lại cho họ thì công ty kiểm toán lại nói rằng: “Thôi thế là được rồi, bọn thuế nó cũng không biết gì đâu!”

Từ vai trò quản lý Nhà nước, chúng tôi đã bước lên phía trước..

Uber đã nộp 30 tỷ đồng, doanh nghiệp trong nước đã kê khai thuế nhà thầu cho Facebook, Google, thuế từ giao dịch tiền ảo cũng đã thu được.

- Ông Nguyễn Quang Tiến- Tổng cục Thuế

Từ câu chuyện thuế trong giao dịch liên kết như vậy đã thúc đẩy chúng tôi có động lực làm việc. Nếu chúng tôi quản lý không thành công thì Việt Nam sẽ mãi mãi không thành công, mãi mãi không quản lý được những vấn đề mới của đời sống kinh tế như việc chuyển giá giá. Các bạn đều biết câu chuyện về thiên đường thuế, như vụ hồ sơ Panama.

Vậy mà chúng tôi đã làm được, đã quản lý được. Có những công ty FDI sau khi chúng tôi làm việc, đã giảm được hết số lỗ của ho, bình quân giảm hơn 20 tỷ đồng một doanh nghiệp và các doanh nghiệp đều chấp nhận, đều chấp hành.

Đến bây giờ là câu chuyện Uber – một hiện tượng mới. Bộ Kế hoạch đầu tư cũng chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải nêu rằng, đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải, hiện giờ vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc.

Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã phải bước lên phía trước. Bởi, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, chúng tôi nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng là phải nộp thuế.

Các bạn chắc cũng đã biết về công văn hướng dẫn nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber.

Cho đến nay, theo dữ liệu của chúng tôi, doanh nghiệp Uber cũng đã chấp hành, nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu của họ có khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại là họ kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Như vậy để nói rằng, mặc dù khó nhưng ngành thuế đã quyết tâm là có thể quản lý được. Câu chuyện quản lý dịch vụ mới cũng rất cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền:Cách đây 3 năm, chúng ta thấy rất nhiều tiêu đề trên báo chí như là Facebook, Uber trốn thuế. Đầu năm nay thì cũng lại có một cuộc tranh cãi kiện tụng giữa các doanh nghiệp, một doanh nghiệp tố cáo là trang Agoda cũng trốn mấy chục tỉ tiền thuế. Xin ông chia sẻ là có phải các doanh nghiệp đó có phải thực sự bị coi là trốn thuế, ngành thuế vẫn còn "bó tay"?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Câu chuyện Uber cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Nhưng thực ra, tôi có thể khẳng định, những hoạt động kinh tế xuyên biên giới chúng tôi đều đã có quản lý và có kết quả.

Ví dụ như các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam chẳng hạn. Có một doanh nghiệp sau khi chúng tôi thanh tra chỉ ở cấp quận, họ cũng chấp nhận nộp bổ sung thêm hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.

Đến thời điểm này, tôi cũng đã thấy có những doanh nghiệp cũng rất tự giác kê khai nộp thuế nhà thầu cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook. Đó là một bước khởi sắc trong việc quản lý lĩnh vực này.

Cũng có trường hợp về dịch vụ mua bán vật phẩm bằng tiền ảo khi chơi game, qua thành tra kiểm tra và qua thông tin từ cộng đồng, chúng tôi phát hiện rằng có một cá nhân chơi trên mạng, mua bán trong thời gian rất ngắn, chỉ vài tháng trời thôi mà thu được vài chục tỷ đồng. Cá nhân này ở thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đó, chúng tôi cũng đặt ra bài toán, thu thuế họ như thế nào? Chúng tôi cũng vấp phải vấn đề pháp lý. Đây không phải mua bán hàng hóa đơn thuần, đây là tài sản ảo chưa có quy định trong Bộ luật Dân sự.

Cuối cùng, sau khi chúng tôi động viên, trong khi cơ sở pháp lý còn chưa chắc chắn, thì họ đã tự giác kê khai nộp thuế.

Đối với tiền ảo, còn gọi là Bitcoin, có trường hợp một thanh niên ở một tỉnh rất nhỏ đã mua bán trên thị trường quốc tế, mua bán trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ, tất nhiên là có cả mua cả bán, có mua đi bán lại.

Khi đó, cũng có quan điểm cứ muốn hình sự hóa hành vi của họ, hoặc thu thuế họ. Khi cơ quan thuế chúng tôi vào, trao đổi qua lại với Bộ Công an thì nhất trí đây là hành vi kinh doanh mới. Cuối cùng, cá nhân người thanh niên đó cũng chủ động kê khai thu nhập cá nhân.

Những trường hợp như vậy để nói rằng, ngành thuế nói chung đã quản lý được các hoạt động này rồi, đã phát sinh được số thu thuế rồi chứ không phải “bó tay”.

Theo Phạm Huyền

Cùng chuyên mục
XEM