Hậu Covid-19: Facebook ủng hộ làm việc từ xa, Apple khiến nhân viên phản đối

13/06/2021 16:00 PM | Công nghệ

Apple, Facebook, Google hay Twitter đều đã công bố kế hoạch quay trở lại văn phòng của mình nhưng không phải tất cả đều giống nhau.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian gần đây. Tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã khả quan hơn nhiều nhờ chiến dịch tiêm vắc xin được đẩy mạnh. Theo dữ liệu của CDC, khoảng 42,8% người Mỹ đã tiêm vắc xin đầy đủ tính đến ngày 11/6. Khoảng 66% người lớn cho biết cuộc sống của họ phần nào đã quay lại trạng thái bình thường.

Khi nước Mỹ bắt đầu tái mở cửa, các hãng công nghệ lớn cũng công bố kế hoạch cho nhân viên đi làm lại của mình. Đây là các doanh nghiệp đầu tiên đề nghị nhân viên làm từ nhà khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành và họ cũng tiên phong trong làn sóng quay lại văn phòng vào mùa thu năm nay. Kế hoạch của họ phần nào cho thấy cuộc sống công sở trong vài năm tới, chú trọng đến mô hình làm việc kết hợp và thời gian 3 ngày/tuần. Giám đốc nhân sự nền tảng đám mây Twilio cho rằng, câu nói “thời của văn phòng đã hết” là thậm xưng. Sự thực là lý do để mọi người đến văn phòng đang thay đổi.

Tuy vậy, Silicon Valley cũng chia làm hai “phe”: Một bên cho phép nhân viên tiếp tục làm từ xa, bên còn lại yêu cầu phải có mặt vài ngày trong tuần.

Facebook mở rộng chính sách làm việc từ xa cho tất cả nhân viên toàn thời gian. Theo đó, họ có thể tiếp tục làm việc tại nhà sau khi Covid-19 kết thúc nếu công việc của họ cho phép. CEO Mark Zuckerberg là người đi đầu trào lưu này. Theo ông chủ Facebook, làm việc từ xa giúp ông hạnh phúc hơn và hiệu quả hơn nhờ có thêm thời gian cho gia đình và suy nghĩ chuyện lâu dài. Mạng xã hội sẽ điều chỉnh lương của những nhân viên chọn chuyển đến sống ở các thành phố kém đắt đỏ hơn. Họ vẫn phải tới văn phòng để team building. Những người phải quay lại văn phòng được yêu cầu có mặt ít nhất một nửa thời gian.

Twitter cho biết, nhiều khả năng họ không mở cửa văn phòng trước tháng 9. Nhiều nhân viên được phép làm từ xa vĩnh viễn, kể cả khi hết Covid-19. Vài tháng qua chứng minh nhân viên Twitter hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả dù ở bất kỳ đâu. Do đó, nếu vị trí cho phép, họ vẫn được làm như vậy mãi mãi. Nếu mở cửa, Twitter cũng thực hiện theo lộ trình và không nóng vội. “Mở cửa văn phòng là quyết định của chúng tôi, còn khi nào và có quay lại không là quyết định của nhân viên. Khi quyết định mở lại văn phòng, nó cũng không giống như trước”, phát ngôn viên mạng xã hội này chia sẻ.

Trong khi đó, Apple thông báo qua email cho nhân viên về việc họ phải quay lại văn phòng 3 ngày/tuần (thứ Hai, Ba và Năm) từ đầu tháng 9. Một số bộ phận phải có mặt 5 ngày/tuần. Nhân viên có thể đăng ký làm việc từ xa 2 tuần trong năm. CEO Tim Cook khẳng định, họp qua video dù thu hẹp khoảng cách giữa mọi người nhưng không thể thay thế gặp trực tiếp. Đây được xem là một nhượng bộ đối với một công ty không khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà như Apple. Ngay sau đó, nhân viên công ty đã gửi thư yêu cầu cách tiếp cận linh hoạt hơn để những người muốn làm từ xa được tiếp tục như vậy.

Google cũng áp dụng chính sách giống với Apple. Trên blog công ty, CEO Sundar Pichai cho biết, sẽ chuyển sang hình thức làm việc kết hợp, trong đó, hầu hết nhân viên đến văn phòng 3 ngày/tuần và làm từ xa 2 ngày/tuần. Có những vị trí yêu cầu có mặt tại văn phòng trên 3 ngày/tuần. Nhân viên Google có thể đăng ký làm việc tại một nơi khác, không phải văn phòng trong tối đa 4 tuần/năm nếu quản lý cho phép.

Hãng máy tính HP phân chia lực lượng lao động thành hai cấp: Một cấp sẽ đến văn phòng với máy tính cá nhân một hay hai lần mỗi tuần để họp và team building, một cấp duy trì bàn làm việc và có mặt ở văn phòng hầu như cả tuần.

Amazon ban đầu định áp dụng chính sách có mặt gần như cả tuần tại văn phòng, song mới đây quyết định áp dụng thời gian biểu linh hoạt hơn. Đó là 3 ngày/tuần tại công ty và làm từ xa 2 ngày/tuần. Microsoft lại giao quyết định cho các quản lý, song hầu hết các vị trí đều có thể làm từ xa trong một khoảng thời gian nhất định. Hãng phần mềm cho biết, đây sẽ là tiêu chuẩn mới.

Hồi tháng 3, theo một khảo sát 3.000 người của Robert Half tại Mỹ, 34% nói họ sẽ tìm việc mới nếu ông chủ ép họ quay lại văn phòng toàn thời gian, 49% mong muốn được kết hợp giữa làm từ xa và tại văn phòng. Paul McDonald, Giám đốc điều hành cấp cao tại Robert Half, sau một năm thay đổi mạnh mẽ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nôn nóng khôi phục trạng thái bình thường và đón nhân viên trở lại. Tuy nhiên, việc này cũng mang đến những thách thức mới mà công ty phải vượt qua. Không phải tất cả nhân viên đều sẵn sàng, hay thiện chí, muốn quay về văn phòng.

Khảo sát gần 209.000 người tại 190 quốc gia của hãng tư vấn Boston và The Network chỉ ra 9/10 nhân viên (89%) nói họ muốn được phép làm việc từ xa trong một khoảng thời gian của năm.

Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM