Hậu Brexit, đồng bảng Anh trượt dốc không phanh
Kể từ khi người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU, đồng bảng Anh mất giá liên tiếp và trở thành “vô địch” mất giá trong số các đồng tiền chủ chốt.
Trong khi giới đầu tư vẫn đang bị ám ảnh bởi “bóng ma” Brexit (sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU), đồng bảng Anh đã tụt dốc không phanh, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay.
Sự thăng trầm của đồng bảng Anh
Hậu Brexit, có thể chưa phải là đợt khủng hoảng toàn diện đối với đồng bảng Anh, nhưng phải khẳng định rằng, trong ngắn hạn, đồng tiền này chưa thể phục hồi.
Ngay trong buổi sáng 24/6, 1 ngày sau tuyên bố người dân Anh không muốn ở lại EU, giá đồng bảng Anh đã “bốc hơi” 10%. Tốc độ giảm này chỉ được ghi nhận 4 lần trong lịch sử kể từ năm 1900, đó là vào các năm 1931, 1940, 1949 và 1967. Hai trong số 4 lần này là do quyết định của chính phủ, còn 2 lần còn lại do sự chi phối tự do trên thị trường.
Chỉ hai tuần sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23/6, đồng bảng Anh đã mất giá rất nhiều so với đồng USD, hiện đang giao dịch phổ biến ở mức 1,28 USD đổi 1 bảng anh (GBP). Mức giá thấp kỷ lục này của đồng bảng Anh so với đồng bạc xanh mới chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử và kéo dài tận 2 năm, hồi những năm 1980. Ở thời điểm đó, hầu hết các đồng tiền ở châu Âu đều giảm giá so với USD, và tình thế được cải thiện sau năm 1985 khi Mỹ và cán nền kinh tế chủ chốt ở châu Âu ký thỏa ước Plaza (Plaza Accord), cam kết hỗ trợ tiền tệ thông qua can thiệp thị trường ngoại hối.
Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, các cuộc chiến tranh thương mại hầu như không có cơ hội diễn ra nhờ sự điều tiết trên sân chơi chung WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), khiến các quốc gia bị ràng buộc bởi các cam kết thương mại. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng giúp thị trường ngoại hối trở nên ổn định hơn bất chấp bối cảnh khủng hoảng kinh tế hay đại suy thoái.
Khủng hoảng hay chỉ là “va chạm” tạm thời?
Theo chuyên gia kinh tế Carmen Reinhart và Ken Rogoff của Harvard, đồng bảng Anh hiện đã mất giá tới 15% trong vòng 1 năm qua. Điều này cho thấy ảnh hưởng của sự kiện Brexit là rất lớn, nhưng có lẽ đây cũng chỉ là cú “va chạm” mạnh, chứ chưa thể gọi là khủng hoảng toàn diện bởi chưa có tác động rõ rệt nào tới nền kinh tế. Thậm chí, việc đồng bảng Anh mất giá còn được coi là tín hiệu tích cực tới lĩnh vực xuất khẩu của Anh. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tài chính và bất động sản thì Brexit thực sự là đám mây đen.
Để ngăn đà tụt dốc của đồng bảng Anh, ngân hàng Anh quốc (Bank of England) có lẽ sẽ phải điều chỉnh chính sách nhằm cân bằng thanh toán.
Một số chuyên gia cho rằng, Brexit có thể mang lại cơ hội ngắn hạn cho các nhà đầu tư quốc tế mặc dù tâm lý thị trường nhìn chung sẽ vẫn còn dè dặt bởi thế giới đang cảm nhận được những dư âm của Brexit. Hiện, châu Á vẫn còn một lượng vốn đáng kể sẵn sàng để đầu tư vào các thị trường quốc tế. Những ảnh hưởng ngắn hạn của Brexit sẽ làm cho dòng vốn này chảy vào các thị trường trong khu vực. Biến động thị trường sau Brexit có thể tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Châu Á trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Các chuyên gia tài chính, tiền tệ tại Anh đã khuyến cáo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không nên hạ lãi suất xuống 0% tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 14/7 tới, bởi động thái này rất có thể sẽ đẩy tỷ giá đồng bảng Anh gần về mức ngang bằng so với đồng USD.
Nhà phân tích lĩnh vực ngân hàng Sandy Chen thuộc công ty giao dịch chứng khoán Cenkos Securities cho rằng Thống đốc BoE, Mark Carney sẽ chưa vội quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 0,5% xuống 0% tại cuộc họp lần này.
Theo ông Chen, cho dù BoE có giảm lãi suất đi 50 điểm cơ bản, động thái này cũng sẽ không thể giúp thúc đẩy hoạt động vay cải thiện, vào thời điểm quyết định chia tay EU đang tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế "xứ sở sương mù", khiến giới doanh nghiệp và các hộ gia đình trì hoãn các quyết định đầu tư hay chi tiêu. Hơn nữa, nếu BoE đi tới quyết định này, đồng bảng Anh rất có thể sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục mới./.