'Hành trình vạn dặm' của startup xuất khẩu quế Vinasamex: Giúp các nông hộ dân tộc Tày - Nùng tăng thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021

04/04/2022 08:06 AM | Kinh doanh

Trợ giúp để đời sống của người nông dân Việt Nam – đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa ngày càng tốt lên, hẳn là mơ ước của tất cả các startup khi dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, không dễ để làm điều đó bởi phải rất kiên nhẫn. Như Vinasamex, phải mất tới 6 năm, họ mới có thể ‘kéo’ những người Tày – Nùng trồng hồi quế thoát đói khổ.

Chị Nguyễn Thị Huyền - CEO của Vinasamex.
Chị Nguyễn Thị Huyền - CEO của Vinasamex.

Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) thành lập vào năm 2012, bởi vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền và anh Nguyễn Quế Anh. Hiện chị Nguyễn Thị Huyền đang đảm nhiệm vị trí CEO còn anh Nguyễn Quế Anh làm Chủ tịch doanh nghiệp – cơ cấu chức vụ thường thấy khi các cặp đôi cùng khởi nghiệp.

"Trước khi thành lập Vinasamex, tôi từng làm việc trong một công ty có liên quan đến 2 loại gia vị là quế hồi. Trong một lần đưa khách đến với rừng hồi ở miền núi phía Bắc, tôi đã rất ấn tượng với khung cảnh xanh mướt và mùi thêm thoang thoảng trong không khí ở hàng ngàn cây hồi – quế ở đây.

Lúc đó, tôi có đi quanh và hỏi thăm bà con nông dân. Nông dân ở đây cho biết: hơn 50 hecta rừng hồi đang được canh tác bởi dân tộc thiểu số, 90% là người Tày và người Nùng, 95% trong số đó là phụ nữ. Nhưng họ không biết công dụng của sản phẩm cụ thể là làm gì và sản phẩm ấy bán được ở đâu.

Họ chỉ biết người ta mang sang Trung Quốc để bán và họ thường xuyên bị thương lái Trung Quốc ép giá. Những khi không bán được hàng, họ sẽ bị không có tiền để trang trải các sinh hoạt phí cũng như không có điều kiện cho con đi học.

Sau khi trở về, kiểu tôi bị ám ảnh mãi bởi câu chuyện nói trên. Rõ ràng người dân ở đây đang ngồi trên một ‘núi vàng’, nhưng vì không có tư duy và cách làm đúng, họ vẫn cứ mãi nghèo. Sau vài năm trăn trở song vẫn không thể ‘thoát ra’ khỏi mong ước được làm gì đó cho người nông dân Việt Nam, giúp người dân tộc tiêu thụ được nông phẩm thượng hạng mà họ làm ra; nên Vinasamex đã ra đời", CEO của Vinasamex chia sẻ trong bài thuyết trình ở cuộc thi Blue Venture Award 2022.

Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 1.

Vinasamex vừa lên ngôi quán quân của cuộc thi Doanh nhân xã hội - Blue Venture Award 2020.

Vậy nên, trong 10 năm qua, mục tiêu của Vinasamex chỉ xoay quanh 2 vấn đề: nâng tầm quế hồi Việt Nam cũng như đời sống nông dân trồng quế hồi Tày - Nùng. 2 mục tiêu này liên quan mật thiết với nhau, bởi chỉ khi chất lượng quế hồi Việt Nam được nâng cấp thì mới có lợi thế cạnh tranh trên trường thế giới, sản phẩm của người nông dân trồng làm ra mới bán được giá và đời sống của họ mới được cải thiện từng năm.

Và cho tới thời điểm này, Vinasamex đã có những thành tựu nhất định và phần nào đó đã đạt được 2 mục tiêu nói trên.

NÂNG TẦM CHẤT LƯỢNG QUẾ HỒI VIỆT NAM NHẰM CẠNH TRANH SÒNG PHẲNG TRÊN TOÀN CẦU

Khởi nghiệp luôn vất vả và cần rất nhiều kiên nhẫn – khởi nghiệp nông nghiệp ở vùng cao lại càng thế.

Nhận thấy không thể phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc Ấn Độ và phải tạo ra sự cạnh tranh bằng những giá trị khác biệt, Vinasamex đã có nhiều kế hoạch để khẳng định thương hiệu của quế và hồi Việt Nam trên bản đồ gia vị thế giới.

Theo đó, họ đã quyết tâm đi theo hướng organic ngay từ đầu – đó là một quyết định dũng cảm ở thời điểm cách đây 10 năm, khi mà hữu cơ vẫn còn là khái niệm mù mờ. Nhờ thế, năm 2016, Vinasamex đã xin được chứng nhận quốc tế của 4 thị trường cao cấp nhất là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 2.

"Ngay từ đầu, chiến lược của chúng tôi là sẽ cạnh tranh với các bạn hàng khắp thế giới bằng chất lượng chứ không phải bằng giá. Chính vì vậy, Vinasamex đã cố gắng lấy các giấy chứng nhận chất lượng ở các thị trường hàng đầu, cùng với đó là giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của các nhà máy, rồi giấy chứng nhận thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với xã hội, môi trường, khí hậu và người dân. Đây là điểm khác biệt lớn của Vinasamex so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi dám tự tin với cái tâm làm nghề của mình và kinh nghiệm mà chúng tôi đã nghiên cứu rất sâu", chị Nguyễn Thị Huyền khẳng định.

Ngoài ra, nếu như trước kia doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sản phẩm thô thì nay doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu ra nhiều loại hình sản phẩm khác như bột, tinh dầu… mang thương hiệu Vinasamex để đa dạng hóa sản phẩm.

Các sản phẩm Vinasamex đang được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử nổi tiếng trong và ngoài nước như Lazada, Amazon, Alibaba, Tiki, Shopee Vinasamex cũng đang là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất thực phẩm – đồ uống – dược mỹ phẩm trong và ngoài nước.

"Với, nhóm đối tượng khách hàng là B2B - thị trường chủ lực của chúng tôi là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 90% doanh thu; còn với nhóm B2C, Vinasamex hiện đang phân phối trên fanpage, các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ và một số siêu thị, chiếm 10% doanh thu", CEO Vinasamex nêu cụ thể.

Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 3.

Cách thức marketing mà Vinasamex đã và đang triển khai là tham gia nhiều hội chợ quốc tế, gặp mặt trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm của mình, đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu…

Vậy nên, trong 2 năm qua, dù thị trường bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid nhưng doanh thu của Vinasamex vẫn tăng trưởng. Doanh thu năm 2020 của họ là 151 tỷ và năm 2021 là 275 tỷ đồng.

Hiện nhà máy của Vinasamex cũng đã tạo ra 300 cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Trong tương lai gần, Vinasamex sẽ mở rộng các nhà máy ở Lào Cai và Lạng Sơn để sản xuất các sản phẩm chuyên sâu từ quế và hồi.

NÂNG TẦM ĐỜI SỐNG NGƯỜI NÔNG DÂN DÂN TỘC THIỂU SỐ

Cũng theo nữ lãnh đạo này, trong suốt 10 năm đi cùng Vinasamex, điều mà chị cảm thấy tự hào nhất là đã thực hiện được hai trong những ước mơ lớn của mình.

Đầu tiên, Vinasamex đã giúp cho bà con dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, cụ thể là hỗ trợ cho 15 nghìn hộ nông dân ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn thay đổi được nhận thức và thay đổi được cuộc sống. Thứ hai, Vinasamex có những dự án tác động về bình đẳng giới, cung cấp tri thức giúp 1.225 phụ nữ hiểu hơn về bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, khiến họ tự lập và tự tin hơn trong cuộc sống…

Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 4.
Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 5.

"Năm 2015 thu nhập của một hộ gia đình Tày – Nùng ở vùng trồng của chúng tôi chỉ là 7 triệu, nhưng đến năm 2021, thu nhập của một hộ gia đình đã tăng lên 150 triệu", Nguyễn Thị Huyền tự hào nói.

Còn theo một chia sẻ từ người nông dân, từ khi có sự xuất hiện của những doanh nghiệp như Vinasamex, giá quế hồi ở đây đã tăng nhanh chóng và bền vững.

Ví dụ: Năm 2000, nông dân chỉ bán chỉ được 1.700 đồng/kg vỏ quế; rồi giá quế nhích dần lên 4.000, 5.000, 6.000 đồng/kg... Năm 2021, giá vỏ quế tươi trung bình là 25.000 đồng/kg, giá vỏ quế khô không nạo vỏ là 60.000 đồng/kg, giá vỏ quế khô đã nạo vỏ là 100.000 đồng/kg; giá lá quế 1.800-2.000 đồng/kg; tinh dầu quế từ 550.000 – 600.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, Vinasamex cũng thường xuyên có những buổi chia sẻ cho nông dân những tiêu chuẩn chất lượng nông sản của thế giới.

Hành trình vạn giặm nâng tầm đời sống nông dân Việt của Vinasamex: Giúp các hộ gia đình người dân tộc Tày - Nùng từ thu nhập 7 triệu năm 2015 lên 150 triệu năm 2021 - Ảnh 6.

Vùng trồng của Vinasamex.

Vinasamex đã chủ động tổ chức những buổi tập huấn - trao đổi với nông dân về việc không nên dùng chất hóa học trên vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng định hướng nông dân sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong nhà máy và phân loại rác để nâng cao trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội.

Theo đó, Vinasamex không chỉ giúp người dân ở đây có thêm tiền mua thịt cá và cho con cái đến trường mà còn khiến môi trường sống của họ ngày càng tốt hơn – trong lành hơn.

Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền cũng hy vọng những gì Vinasamex đang làm ở Lào Cai, Yên Bái hay Lạng Sơn sẽ là cảm hứng để các doanh nghiệp - tỉnh thành khác có thêm động lực chuyển đổi cây trồng nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Mới đây, Vinasamex đã có cơ hội tham mưu cho tỉnh Quảng Trị phát triển vùng trồng quế ở Cam Lộ.

Mục tiêu của Vinasamex trong 5 năm tới: duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất organic, củng cố vị trí đầu ngành quế hồi xuất khẩu, nâng tầm ngành quế hồi Việt Nam trên thị trường thế giới hơn nữa và dần đứng đầu trong ngành sản xuất gia vị tại Việt Nam. Vinasamex dự kiến sẽ IPO vào năm 2026.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM