Hành trình phá đường dây mua bán trẻ em cực lớn

03/11/2022 10:48 AM | Xã hội

Đường dây mua bán trẻ sơ sinh này đặc biệt lớn, hoạt động liên tỉnh với nhiều đối tượng tham gia và đã mua bán trót lọt hơn 30 bé.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10-2022 của tỉnh Bình Dương hôm 1-11, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đã thông tin về đường dây mua bán trẻ em với quy mô lớn vừa được triệt phá.

Hành trình phá đường dây mua bán trẻ em cực lớn - Ảnh 1.

Công an phá chuyên án, bắt Nguyễn Thị Ngọc Như khi cô ta đang thực hiện hành vi phạm tội

Chủ mưu từng bán con

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động , đầu tháng 7-2022, các trinh sát Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02, Công an tỉnh Bình Dương) phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương xuất hiện một phụ nữ xưng tên "Trúc", nick Zalo là "Thiên Trúc". Người này thường xuyên tiếp cận y tá, điều dưỡng để lấy thông tin và chủ động tìm những phụ nữ đến khám thai hoặc mới sinh con nhưng không muốn nuôi.

Công an xác định "Trúc" thực chất là Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, ngụ TP HCM). Như tham gia nhiều nhóm kín về cho, tặng con nuôi trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.

Ngày 13-8, PC02 đã xác lập chuyên án đấu tranh. Tài liệu thu thập được cho thấy ngoài Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương, Như còn thường xuyên đến các cơ sở y tế có đặc thù tương tự trong tỉnh và TP HCM với chủ ý xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị được sinh.

Sau khi mua trẻ, Như lên các nhóm kín rao bán với mức giá 35-60 triệu đồng/bé. Kèm theo đứa trẻ là một bộ hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh...) được Như bán với giá 30-40 triệu đồng nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho người mua nếu khách có nhu cầu.

Giữa tháng 8-2022, các trinh sát hình sự nhận được nguồn tin sẽ có giao dịch mua bán trẻ sơ sinh ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Ngay sau đó, kế hoạch phá án được triển khai. Tổ trinh sát được lệnh bám theo một chiếc ôtô màu trắng.

Sau đó, tại đường ĐT 744 trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, PC02 cùng Phòng CSGT và Công an huyện Dầu Tiếng bắt quả tang Như chuẩn bị mang bán 1 trẻ sơ sinh. Công an đã thu giữ giấy xác nhận ADN, giấy chứng sinh được Như đặt làm giả.

Qua xác minh của cơ quan công an, trẻ sơ sinh nói trên mới 7 ngày tuổi, mẹ là Ng.Th.M (SN 1997, quê Tiền Giang) đã bán con cho Như với giá 15 triệu đồng. Qua đấu tranh, Như khai từ tháng 2-2022 đến khi bị bắt đã mua, bán 6 trẻ sơ sinh. Đáng nói, khi bắt đầu "hành nghề", người phụ nữ này đã bán đứa con ruột vừa chào đời của mình.

Hành trình phá đường dây mua bán trẻ em cực lớn - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Ngọc Như được xác định là kẻ cầm đầu đường dây mua bán trẻ sơ sinh cực lớn này

24 trẻ đang "mất tích"

Những ngày sau đó, ban chuyên án bắt khẩn cấp 2 đối tượng môi giới tại tỉnh Đắk Nông là Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2001, quê Bạc Liêu). Đến ngày 22-8, 4 phụ nữ quê ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp cũng bị bắt khẩn cấp về hành vi bán con mới sinh.

Nguyễn Thị Ngọc Như khai thực hiện thành công 5 vụ mua bán trẻ sơ sinh và làm nhiều giấy tờ giả theo yêu cầu của khách. Chu Thị Cúc Phương thực hiện 24 vụ và đồng phạm Nguyễn Thị Thùy Dương thực hiện 2 vụ, trong đó 1 lần cũng bán chính con ruột của mình.

Trong quá trình điều tra, đến nay, ban chuyên án đã xác định và mời làm việc hơn 16 người mua, người bán trẻ em. Tất cả đều thừa nhận hành vi của mình. Ban chuyên án đã tìm và xác định được 7 bé sơ sinh đã bị bán.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can về các tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" và "Làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức". Công an đồng thời củng cố hồ sơ để khởi tố đối với 16 đối tượng liên quan.

Nói về những khó khăn trong quá trình triệt phá đường dây mua bán trẻ em cực lớn này, thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Phòng PC02, cho biết từ khi xác lập chuyên án đến lúc triệt phá chỉ khoảng 4-5 ngày. Tuy nhiên, trước đó, PC02 đã mất gần 2 tháng ròng rã đeo bám, thu thập tài liệu nhằm xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh.

Khó khăn lớn nhất là về mặt quân số bởi cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án rất mỏng so với địa bàn hoạt động của tội phạm. "Loại tội phạm này có phạm vi hoạt động quá rộng, trên 10 địa bàn như Long An, Bến Tre, Bình Phước, Gia Lai… Để đi tới đó thu thập tài liệu phải tốn rất nhiều thời gian, lại phải bảo đảm yếu tố bí mật" - thiếu tá Sơn nhớ lại.

Ông Sơn cho hay hiện mới chỉ có 7 bé được xác định còn 24 trẻ thì chưa. Khi lấy lời khai các đối tượng cũng như mẹ của các bé thì họ hoàn toàn không biết người nhận nuôi những trẻ này là ai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi triệt phá đường dây này, PC02 đã vận động quyên góp tiền để hỗ trợ chăm sóc các bé sơ sinh trong vụ án.

Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo PC02 nghiên cứu để kiến nghị một số vấn đề vì trong quá trình tiếp cận vụ án thì thấy nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước như cấp giấy chứng sinh, giấy khai sinh… Nếu không siết chặt thì vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng mua bán trẻ dễ dàng trót lọt” - thiếu tá Võ Văn Sơn nhấn mạnh.

Nuôi chờ sinh rồi bán ngay

Ngoài việc môi giới để kiếm tiền lời, Chu Thị Cúc Phương còn tổ chức "dịch vụ nuôi đẻ". Nếu các bà mẹ mang bầu có nhu cầu bán con thì Phương sẽ tập hợp tại nhà của mình ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông để nuôi, chờ đến ngày sinh.

Sau khi cháu bé lọt lòng, Phương đem bán ngay mà không cần biết mục đích người mua là gì. Tại thời điểm bị bắt giữ, trong nhà Phương đang nuôi 4 thai phụ.

Theo Thảo Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM