Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One

08/04/2018 11:05 AM | Sống

Ready Player One không chỉ là một bộ phim với kỹ xảo hoành tráng, mà còn là một bữa "đại tiệc" dành cho những người ưa thích văn hóa đại chúng của một thời xưa cũ. Và đương nhiên, để có thể mang lại bữa tiệc hoành tráng như vậy tới với khán giả, đạo diễn Steven Spielberg cùng đoàn làm phim cũng đã mất rất nhiều công sức để có thể xin bản quyền cho tất cả những thứ xuất hiện trong bộ phim.

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ đã có rất nhiều người trong chúng ta ra rạp để thưởng thức bộ phim Ready Player One: Đấu trường ảo - bộ phim mới nhất của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg. Tuy nhiên nếu như vì một lý do nào đó bạn vẫn chưa xem bộ phim này, và không muốn bị tiết lộ trước về nội dung phim, thì bài viết này hoàn toàn không dành cho bạn và bạn có thể chuyển trang được rồi.

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 1.

Khi Ernest Cline bắt đầu chấp bút viết những dòng đầu tiên của tiểu thuyết " Ready Player One ", ông chẳng dám mơ đến chuyện cuốn sách của mình sẽ có một ngày được chuyển thể thành phim. Đối với ông, việc đứa con tinh thần đầu tay của mình được chuyển thể thành sách đã là cả một sự thành công ngoài mong đợi rồi.

Cuốn sách Ready Player One kể về cuộc hành trình tìm kho báu trong một thế giới thực tế ảo mang tên Oasis, và chứa đựng trong đó hàng loạt nhân vật, hàng loạt cái tên gắn liền với văn hóa đại chúng của một thời xưa cũ - những thứ mà Ernest Cline đã có cả một thời say mê. Từ trò chơi nhập vai Dungeons and Dragons, đến những bộ phim kinh điển như "Back to the Future" hay "Monty Python and the Holy Grail", và cả những trò chơi trên máy game thùng xưa cũ như "Pac-Man" và "Joust".

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 2.

Đương nhiên, với lượng nhân vật và tác phẩm khổng lồ được Ready Player One nhắc đến như thế, Ernest Cline biết rõ rằng việc chuyển thể cuốn sách của mình thành phim sẽ khó khăn đến như thế nào, bởi việc xin bản quyền cho tất cả những thứ xuất hiện trong phim chính là một cơn ác mộng có thể khiến bất cứ ai nản lòng. Bản thân Cline cũng chia sẻ rằng, ông đã xác định Ready Player One là một trong số những tác phẩm không bao giờ có thể chuyển thể được thành phim. "Đó là một công việc cực kỳ khó khăn và nặng nề, thậm chí có phần bất khả thi."

Thế rồi, Ready Player One lọt vào mắt xanh của đạo diễn lừng danh Hollywood Steven Spielberg, và dưới bàn tay của vị đạo diễn tài ba này, bộ phim tưởng chừng như sẽ không bao giờ có thể được sản xuất cứ thế dần thành hình.

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 3.

"Khi Steven Spielberg làm đạo diễn, nỗi lo bộ phim không thể thực hiện được bỗng chốc tan biến." - Zak Penn, người chịu trách nhiệm viết kịch bản phim cùng Ernest Cline cho biết. "Nếu như ông ấy bảo có thể, thì tức là bộ phim có thể được thực hiện."

Và quả thật, Steven Spielberg đã tái hiện thành công thế giới của Ready Player One lên trên màn ảnh rộng, tràn ngập những hoài niệm xưa cũ của thập niên 80 đã qua - biến bộ phim trở thành một bữa đại tiệc của những người yêu thích những bộ phim, bản nhạc hay nhưng tựa game đình đám một thời. Có thể nói, rất lâu rồi kể từ sau Wreck-It Ralph, những người đam mê văn hóa đại chúng mới có một bộ phim "thích mắt, sướng tai" đến như vậy.

Tuy nhiên, Ready Player One không phải là một phiên bản chuyển thể chính xác đến từng chi tiết của tác phẩm cùng tên, mà phải thay đổi rất nhiều để có thể phù hợp hơn với màn ảnh rộng. Chẳng hạn như trong truyện, Parzival cũng những người bạn của mình không chỉ phải tìm 3 chiếc chìa khóa mà còn phải tìm kiếm cả 3 cánh cổng để sử dụng chúng, và những thử thách trong truyện cũng khác phim rất nhiều. Những thử thách ở trong "Tomb of Horrors" của Dungeons and Dragons, từ bộ phim WarGames và Blade Runner, hay album "2112" của ban nhạc Rush là một trong số rất nhiều tình tiết bị lược bỏ khi chuyển thể thành phim.

Đối với đoàn làm phim của Ready Player One, thử thách lớn nhất và phức tạp nhất là lựa chọn những chi tiết có thể đưa vào trong phim, theo hai tiêu chí chính. Thứ nhất, những tình tiết đưa vào phim phải phù hợp với khán giả điện ảnh: sẽ chẳng có ai muốn ngồi xem nhân vật chính bỏ gần 6 giờ đồng hồ để chơi Pac-Man một cách hoàn hảo và đạt điểm số tuyệt đối cả, hay Dungeons and Dragons về cơ bản quá phức tạp đối với đại đa số khán giả đại chúng. Vấn đề thứ hai, quan trong hơn, là đảm bảo tính hợp pháp của các hình ảnh được đưa vào trong phim: việc xin bản quyền của một số hãng sẽ dễ dàng hơn một số hãng khác.

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 4.

Bạn có thể nhận ra bao nhiêu nhân vật trong này?

"Xin bản quyền cho những thứ xuất hiện trong phim là công việc khó khăn nhất" - Kristie Macosko Krieger, đồng sự lâu năm của đạo diễn Steven Spielberg cho biết. "Chúng tôi phải làm việc này từ rất sớm, nhiều năm trước khi bắt tay vào quay phim. Bởi lẽ nếu chúng tôi không đi xin bản quyền để biết cái gì được và cái gì không được đưa vào phim, quá trình quay phim sẽ khó lòng có thể diễn ra suôn sẻ."

"Cô ẩy (Kristie) đã làm việc vô cùng tích cực với bộ phận pháp lý của Warner Bros để có thể xin bản quyền của càng nhiều tác phẩm càng tốt." - Đạo diễn Spielberg chia sẻ. "Tất nhiên, không phải chúng tôi muốn gì được nấy, khi mà danh sách những thứ chúng tôi muốn đưa vào phim rất rất dài. Tuy nhiên cuối cùng thì mọi chuyện cũng đâu vào đấy, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận và xin bản quyền thành công khoảng 80% danh sách kể trên."

Trong khi một số người cảm thấy hết sức thoải mái với việc cho phép Steven Spielberg sử dụng bản quyền nhân vật của mình trong Ready Player One, cũng có nhiều người khác lại không chấp nhận điều này. Chẳng hạn như phân đoạn xuất hiện Rick Deckard (trong bộ phim Blade Runner) ở trong truyện, dù rất muốn đưa nó lên phim nhưng cuối cùng đoàn làm phim lại không xin được bản quyền, bởi mặc dù Warner Bros phát hành Blade Runner, họ lại không nắm trong tay quyền sở hữu trí tuệ của bộ phim.

"Chúng tôi cần sự đồng ý của hãng sản xuất là Alcon Entertainment, tuy nhiên họ lại không cho phép, bởi lẽ khi ấy họ đang chuẩn bị để ra mắt bộ phim Blade Runner 2049. Họ lo ngại việc đồng ý sẽ khiến doanh thu của bộ phim bị ảnh hưởng, mặc dù Ready Player One sẽ công chiếu sau Blade Runner 2049 khá lâu."

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 5.

Gundam RX-78-2 cũng xuất hiện trong trận đánh cuối cùng của phim

Hay như trong trận chiến cuối cùng ở trong truyện, vốn là Ultraman (được biết đến với khán giả Việt bằng cái tên "Siêu nhân điện quang") đối đầu với Mechagozilla, tuy nhiên vì vấn đề không xin được bản quyền mà cuối cùng, đoàn làm phim đã thay thế Ultraman bằng Iron Giant. Iron Giant là nhân vật của bộ phim hoạt hình The Iron Giant ra mắt năm 1999, do Warner Bros phát hành.

Thực ra chỉ cần tinh ý một chút, người xem sẽ để ý thấy phần lớn những nhân vật cameo xuất hiện trong phim đều thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Warner Bros, chẳng hạn như các nhân vật trong DC Comic nói chung và dòng game Batman Arkham nói riêng, hay Marvin the Martian của series hoạt hình Looney Tunes, Freddy Krueger trong A Nightmare on Elm Street, v...v...

Trường đoạn mà các nhân vật chính vượt qua thử thách trong bộ phim "The Shining" để tìm chìa khóa được Steven Spielberg thực hiện nhằm vinh danh một trong những bộ phim kinh dị kinh điển nhất của thập niên 80. Đây cũng là món quà tri ân mà ông gửi tặng đến người bạn của mình, đạo diễn quá cố Stanley Kubrick.

"Điểm tôi thích nhất ở trường đoạn The Shining, chính là việc Steven Spielberg dùng nó để vinh danh đạo diễn Stanley Kubrick." - Ernest Cline chia sẻ. "Bên cạnh đó, đây cũng là bộ phim mà tôi hết sức yêu thích".

Hành trình mang cả thế giới tràn ngập màu sắc văn hóa đại chúng đến với màn ảnh rộng của Ready Player One - Ảnh 6.

Đồng tác giả kịch bản Zak Penn cho biết: "Một điểm cộng khác của "The Shining" là việc bộ phim không đòi hỏi những khán giả trẻ, những người không sinh ra và lớn lên trong thập niên 80 của thế kỷ trước phải có những hiểu biết nhất định về bối cảnh phim. Tất cả những gì khán giả cần biết chỉ là 'đó là một ngôi nhà ma ám'. Chỉ vậy mà thôi."

Theo lời Ernest Cline, ông hết sức hài lòng với kết quả cuối cùng mà đoàn làm phim thu được. Dù rằng Ready Player One phiên bản điện ảnh khác biệt rất nhiều so với cuốn tiểu thuyết Ready Player One, thì tinh thần chủ đạo của bộ phim, cũng như tình yêu với văn hóa đại chúng của một thời đã qua vẫn được giữ nguyên vẹn. Đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là việc chuyển thể phim giống đến từng chi tiết như trong truyện.

Theo Kuroe

Cùng chuyên mục
XEM