Hành trình kỳ diệu từ cậu bé nhà nghèo phải bỏ học đi làm kiếm ăn, đối mặt với ung thư đến ông chủ nhà hàng đạt ngôi sao vàng Michelin danh giá

29/08/2017 07:40 AM | Sống

Đã nhiều lần muốn từ bỏ ước mơ của mình vì khó khăn, vì phải làm việc vất vả trong một môi trường sang trọng đẳng cấp nhưng cuối cùng với lòng kiên trì, ông đã làm được những điều mà chính mình cũng không ngờ tới.

Đầu bếp 52 tuổi Ang Song Kang, chủ nhà hàng được gắn sao vàng Michelin Chef Kang’s ở Singapore, là một tấm gương mà rất nhiều người cần noi theo. Ông luôn quan niệm rằng: “Giống như một người chỉ huy, khi là một đầu bếp, tôi luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Nếu mọi thứ không đi theo chiều hướng tốt, tôi sẽ la mắng chính bản thân mình”.

Tuổi ấu thơ nhọc nhằn

Là con trai cả trong một gia đình nghèo, bố mẹ li dị từ khi còn rất nhỏ, ông Ang thường uống nước lấp đầy bụng mỗi khi đói. Người mẹ khốn khổ của ông Kang đã rất khổ sở đi tìm việc và cuối cùng được nhận làm lao công, số tiền kiếm được quá ít ỏi để nuôi 5 đứa con nên gần như bữa nào cũng đói. Một người em trai của ông Kang vì ốm nặng, không có tiền chữa chạy nên đã mất khi còn quá nhỏ.

Ang Song Kang, hay còn được biết nhiều hơn với danh tiếng Chef Kang, chưa một ngày nào quên được những ngày tháng tuổi ấu thơ khổ sở của mình dù ngày hôm nay đã có thể tự hào về thành công của mình. Nhưng trước khi có thể mỉm cười hài lòng với thành quả ngày hôm nay, ông Kang đã phải đau đớn chống chọi lại bệnh ung thư và đối mặt với việc nhà hàng bị phá sản.

Không giống như những đầu bếp khác, sau khi nhà hàng của mình được gắn sao vàng Michelin, Chef Kang không để bản thân nghỉ ngơi mà vẫn lăn xả vào bếp nấu nướng cùng với sự trợ giúp của một đầu bếp khác tầm tuổi 40. “Khi còn bé, tôi đã từng chạy rất nhiều lần vào nhà bếp với mong muốn tìm thấy cái gì đó có thể ăn được. Đó chính là lí do tôi sẽ không giờ rời xa căn bếp của mình. Nếu tôi cho phép bản thân nghỉ ngơi, thư giãn, thì dù kĩ năng nấu nướng có tốt thế nào thì cũng sẽ sớm bị mai một thôi.”

Điều đặc biệt ở Ang Song Kang là ông luôn nói chuyện với mọi người bằng tiếng Anh pha lẫn với tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông Trung Quốc). Sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, ông Kang cũng không liên lạc với bố đẻ. Khi lên chín, ông Kang đã nhận làm rất nhiều việc để giúp đỡ mẹ có thêm tiền nuôi các em như bán đồ ăn vặt. Ông cũng thường xuyên bỏ học để đi bưng bê cà phê, chính vì thế mẹ ông không ít lần rất buồn lòng khi nghe thầy cô giáo báo con mình không đến lớp.

Năm 11 tuổi, Ang Song Kang bỏ hẳn học tiểu học để giúp đỡ gia đình và nhận làm việc tại một nhà máy gắn nhãn vào chai với số lương ít ỏi 30 USD một tháng. Ông chia sẻ, nếu khi đó gia đình có điều kiện tốt hơn thì ông mong muốn được theo ngành luật chứ không phải trở thành một đầu bếp như bây giờ. Nhưng chưa bao giờ ông hối hận về những gì mình đã làm trong quá khứ, bởi vì ông là con trai cả trong gia đình, là anh trai lớn của các em nên cần phải ra ngoài làm việc và giúp đỡ mẹ.

Vài năm sau đó, Kang có đi ngang qua một quán ăn zi char trong một khu công nghiệp nằm ở phía bắc Singapore. “Tôi cảm thấy rất thích thú. Nếu làm ở một quán ăn thì tôi không phải lo lắng về bữa trưa hay bữa tối của mình. Còn làm ở nhà máy thì tôi phải trả tiền từng bữa ăn.” Đã không ít lần, Kang tạt qua quán ăn và xin chủ quán được làm phục vụ ở đó, nhưng lần nào cũng bị từ chối vì họ không muốn nhận trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên. Cuối cùng, kiên trì tới lần thứ sáu, cậu Kang 16 tuổi đã được nhận vào làm với nhiệm vụ luôn luôn phải làm sạch các bế hải sản, nhặt những con cá con tôm đã chết ra khỏi bể và rửa bát đĩa.

Sau hơn một năm làm việc tại nhà hàng, Kang bắt đầu được học làm bếp. Bước đầu tiên là học cách thái rau củ, sơ chế cá và khó nhất là kĩ thuật múa chảo trên lửa. Mỗi bài học nấu ăn của ông đều mang giá trị của sự đơn giản mà tinh tế.

Chông gai chồng chất khó khăn trên con đường vươn tới ước mơ

Có lần nấu ăn cho hơn 10 nhân viên, ông đã bị các đồng nghiệp khác cằn nhằn chỉ trích vì những món ăn đơn giản còn làm không xong thì bao giờ mới làm được những món khó hơn. Ông nhớ tới một kỉ niệm khi ông chế biến món thịt lợn xào chua ngọt: “Khi bạn nhìn thấy một thứ đơn giản nhưng thực ra làm ra nó lại chẳng hề đơn giản chút nào. Thịt lợn xào của tôi mềm và không giòn.”

Qua một người bạn, sau đó Kang đã nhận làm việc ở một nhà hàng Hong Kong ở khu vực Thomson. Khi nhìn thấy những món mà trong đời chưa bao giờ nhìn thấy như sashimi tôm hùm, sự tò mò đã thúc đẩy Kang phải nỗ lực học hỏi trong lĩnh vực này. Nhưng vì vướng phải rào cản ngôn ngữ, các nhân viên phần lớn đều nói tiếng Quảng Đông nên những năm đầu bước vào tuổi 20, Kang chỉ nhận được nhiệm vụ là lau dọn bàn ăn. “Tôi đã tự nói với mình rằng, tôi không được học hành gì, tôi cần phải học thêm nhiều kĩ năng phục vụ cho tương lai của bản thân. Tiếng Anh và tiếng Quan Thoại của tôi khá nghèo nàn, tuy học tiếng Quảng Đông rất khó nhưng tôi vẫn phải cố.”

Căng thẳng và những giờ làm việc kéo dài trong một căn bếp chuyên nghiệp khiến Ang Song Kang nhiều lần muốn từ bỏ. May mắn là Kang đã được một đầu bếp Hong Kong đạt tiêu chuẩn quốc tê với ít nhất 15 năm năm kinh nghiệm làm việc ở đây chỉ bảo tận tình. Trong hơn 10 năm, Kang đã theo sát và phụ bếp cho “sư phụ” của mình khắp Hong Kong, Singapore và Indonesia. Có những khi ông cũng phải mất đến vài năm để học một kĩ thuật nấu ăn đặc biệt ở từng nhà hàng khác nhau. Tuy sau này thành thạo tiếng Quảng Đông như một người bản địa Hong Kong nhưng Kang đã mất đến 10 năm chỉ để học về soup.

“’Sư phụ’ của tôi giống như cha tôi vậy. Ông ấy nói với tôi rằng, nếu tôi không làm việc chăm chỉ thì tốt nhất đừng theo cái nghề này. Ông ấy cũng rằng những gì ông ấy dạy tôi thì chỉ có 40% thôi còn 60% còn lại là do tự bản thân tôi cố gắng và kinh nghiệm tôi thu được”. Những năm đầu 2000, ông Kang đã thực sự chuẩn bị mọi thứ để có thể sở hữu riêng một nhà hàng. Ông muốn dùng kinh nghiệm của chính mình ở Hong Kong để nấu ra món zi char cao cấp. Nhưng vì lí do tài chính mà giấc mơ dang dở.

Năm 2002, ông mở cửa hàng đầu tiên nhưng đã sớm phải đóng cửa sau 7 năm hoạt động. Năm đó, ông đã phải đệ đơn xin phá sản khi phải hứng chịu rất nhiều rủi ro kinh doanh, ngay cả hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc cũng thất bại. Tuy vậy nhưng ông Kang và vợ luôn cố gắng đảm bảo để hai đứa con được sống đầy đủ như bạn bè trang lứa. Khi đứa con thứ nhất chào đời, ông Kang cũng từng thất nghiệp vài tháng, gia đình cũng đã cùng nhau trải qua những giai đoạn khó khăn nên đối với bà Pouw, vợ ông Kang, chẳng có gì là họ không thể vượt qua cả.

Năm 2011, ông Kang tiếp tục mở một nhà hàng khác nhưng chỉ một năm sau đó nhà hàng đã đóng cửa. Nửa cuối năm 2015, nhà hàng Chef Kang’s ra đời với số vốn đầu tiên là 100.000 USD mà ông vay mượn được từ bạn bè và người thân. Nhưng đúng vào thời điểm ấy, ông phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư thận.

Những món ăn chứa đựng cả tâm hồn

Luật sư Edward Tiong, một khách hàng mến mộ tài năng nấu ăn của ông Kang, thường xuyên dẫn bạn bè trong nước và quốc tế đến thưởng thức những món ăn được nấu từ chính bàn tay của Chef Kang trong hơn 10 năm rồi. “Những món ăn anh ấy chế biến đều rất ấn tượng. Anh ấy luôn đặt cả tâm hồn mình vào từng món ăn, đó là niềm đam mê không bao giờ bị dập tắt.”

Bệnh tình thuyên giảm. Con cái cũng trưởng thành nên hai vợ chồng ông Kang bây giờ sống rất thoải mái. Cậu con trai 22 tuổi đang làm việc trong lĩnh vực sales còn cô con gái 18 tuổi hiện là sinh viên bách khoa.

Cuối tháng 3 vừa rồi, ông Kang đã nhận được giải bạc tại Lễ trao giải những nhà hàng châu Á tốt nhất được tổ chức tại Singapore. Vào tháng 6, ông lại tiếp tục đón nhận niềm vui khi Chef Kang’s nằm trong danh sách của Singapore Michelin Guide. Với những thành tựu lớn lao của bản thân, ông Kang chỉ cảm thấy mình giống như một người chơi góp phần nhỏ bé. “Tôi đã cố gắng theo đuổi giấc mơ của chính mình. Hiện tại, tôi rất hài lòng với những gì mình đang có. Sau khi nhận được sao Michelin, chắc chắn, với tôi, sẽ là một cuộc đời mới.”

Ninh Linh

Cùng chuyên mục
XEM