Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn

15/08/2019 14:47 PM | Kinh doanh

Cao xoa bóp hiệu Con Hổ là một trong những vật "bất ly thân" của hàng triệu hộ gia đình tại châu Á từ xưa đến nay, được cho là có thể chữa được bách bệnh. Giờ đây, cao Con Hổ đã trở thành sản phẩm được cả thế giới ưa thích, bao gồm cả ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga.

Trước khi nhìn thấy những hộp cao xoa bóp, bạn sẽ ngửi thấy mùi của chúng. Ngay khi tới thăm nhà máy ở ngoại ô Singapore, bạn sẽ bị bủa vây bởi mùi hương nồng nặc từ tinh dầu bạc hà và long não. Bạn sẽ thấy các khoang mũi trở nên thông thoáng, mắt bất giác cay cay.

"Chẳng có nhân viên nào ở đây lo mình bị ốm cả", Han Ah Kuan đùa khi ông đứng ở ngoài cửa nhà máy.

Ông Han là giám đốc điều hành của Haw Par Corporation - nơi sản xuất thứ mùi hương nồng nặc này. Ông có một mái tóc bạc bù xù, tính cách dễ chịu và một ít lọ cao Con Hổ (Tiger Balm) ở trong nhà, văn phòng và xe hơi. Trong suốt gần một thế kỷ, không biết bao nhiêu gia đình ở châu Á đã sử dụng sản phẩm của công ty ông để chữa đau cơ, cảm lạnh, đau đầu và nhiều bệnh khác.

 Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn  - Ảnh 1.

Ông Han Ah Kuan - giám đốc điều hành của Haw Par Corporation (Ảnh: Christopher DeWolf)

Andrea Tam - người từng sống ở Hồng Kông - nhớ rằng bà của cô luôn giữ bên người một hộp cao nhỏ màu đỏ. "Bà sử dụng nó cho mọi thứ - kể cả những vết thương hở lẫn đau nhức", cô cho biết.

Nhà báo gốc Anh Vicky Wong cũng có tuổi thơ tương tự. "Nó làm tôi nhớ đến bà mình", cô chia sẻ. "Dù là bệnh gì - đau họng, cảm lạnh, cháu máu cam, muỗi đốt - bà sẽ bôi cao Con Hổ lên người bạn."

Kể từ khi gia nhập công ty cách đây 25 năm, Han chưa bao giờ cho phép thương hiệu được ngủ quên trong quá khứ vinh quang. Ông muốn cao Con Hổ trở thành sản phẩm không thể thiếu của mọi người, từ vận động viên cho đến đám nhóc tuổi teen.

"Giờ đây, tôi có thể tuyên bố rằng khách hàng của công ty thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi khác nhau, có cả nam lẫn nữ", ông nói. "Điều đó có nghĩa là sản phẩm của chúng tôi đáp ứng nhu cầu của nhiều bộ phận khách hàng thuộc các thế hệ khác nhau."

Từ lọ cao nhà nhà dùng cho tới sản phẩm bị lãng quên

Câu chuyện về dầu Con Hổ bắt đầu cách đây vài thế hệ, ở vùng nông thôn tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Cuối những năm 1860, Aw Chu Kin - con trai của một thầy lang - đã theo chân chú mình đến Rangoon (thuộc Miến Điện lúc bấy giờ). Trong cuộc hành trình đó, ông đã có dịp đi qua Singapore và Penang (Malaysia). Tại đây, ông đã kiếm được nhiều tiền hơn khi còn ở nhà bằng việc bán thảo dược cho công nhân ở cảng.

Năm 1870, ông Aw Chu Kin đến Rangoon. Ông mở tiệm thuốc có tên là Eng Aun Tong và sinh ra 3 người con trai: Aw Boon Leong, Aw Boon Haw và Aw Boon Par.

 Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn  - Ảnh 2.

Cửa hàng Eng Aun Tong đời đầu. (Ảnh: Haw Par Corp)

Boon Leong mất sớm, còn ông Aw Chu Kin cũng qua đời năm 1908. Vì vậy, sản nghiệp gia đình do Boon Par và Boon Haw quản lý. Họ nghiên cứu các phương thuốc của cha mình, rồi cải tiến để tạo ra một loại cao giảm đau có thể trị đủ chứng bệnh. Sản phẩm được ra mắt năm 1924 với tên gọi cao Con Hổ (Tiger Balm), đặt theo tên của Boon Haw (con hổ hiền lành).

Cao Con Hổ nhanh chóng trở nên phổ biến trong cộng đồng người Trung Quốc, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Sau khi anh em nhà Aw lần lượt qua đời vào năm 1944 và 1954, việc kinh doanh cao Con Hổ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Không lâu sau khi lên sản chứng khoán năm 1960, Haw Par bị Slater Walker - một tập đoàn của Anh - mua lại. Nhưng rồi tập đoàn này cũng sụp đổ trong một cuộc khủng hoảng tài chính.

 Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn  - Ảnh 3.

Sản phẩm cao Con Hổ đời đầu. (Ảnh: Haw Par Corp)

12 năm đi tìm lại ánh hào quang đã mất

Năm 1981, Wee Cho Yaw - một giám đốc ngân hàng người Singapore - đã nắm quyền kiểm soát Haw Par và tái cơ cấu lại công ty này. Năm 1992, Haw Par lấy lại thương hiệu cao Con Hổ của mình, sau hơn 20 năm bị nhượng quyền dưới sự quản lý của Slater Walker. Tới lúc này, dầu Con Hổ chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của mình.

"Khi chúng tôi lấy lại thương hiệu này, nó đã mất đi cả một thế hệ khách hàng", Han cho biết. Ông gia nhập công ty năm 1992, sau khi được rời Vicks VapoRub - đối thủ trực tiếp của cao Con Hổ.

Sinh ra ở Malaysia, lớn lên ở Singapore, Han đã quá quen thuộc với cao Con Hổ như bao người khác trong thành phố. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chuyên môn, ông biết thương hiệu này đang phải chật vật ra sao.

Han tin rằng điểm yếu nằm ở thương hiệu, không phải ở sản phẩm. Cao Con Hổ vẫn giữ nguyên được hiệu quả của mình, thông qua việc đánh lừa dây thần kinh bằng cảm giác vừa nóng vừa lạnh, cản trở tín hiệu từ vùng cơ đau nhức hay vết ngứa do côn trùng cắn.

Nó công hiệu hơn bất cứ sản phẩm tương tự nào trên thị trường. Vicks chứa 8,6% hoạt chất: long não tổng hợp, dầu bạch đàn và tinh chất bạc hà. Trong khi đó, dầu Con Hổ chứa tới 60% hoạt chất, bao gồm long não tự nhiên, tinh dầu bạc hà, tinh dầu tràm, tinh dầu tử đinh hương.

 Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn  - Ảnh 4.

Những lọ cao Con Hổ trong nhà máy. (Ảnh: Christopher DeWolf)

Tuy nhiên, sản phẩm này cũng có nhược điểm. Người tiêu dùng không muốn ngửi thấy mùi nồng nặc từ cao Con Hổ khi ngồi trong văn phòng; một số khác thì ghét cảm giác trơn, mỡ mà nó đem lại. Chưa kể, một lọ cao có thể giữ trong nhiều tháng, thậm chí là một năm. Do đó, nó sẽ không đem lại lợi nhuận lâu dài.

Sau đó, công ty đã quyết định cải tiến công thức để cho ra đời một dòng sản phẩm mới. Trước tiên là cao dán Con Hổ vào năm 1993. "Đó là cao Con Hổ mà bạn có thể đem theo", Han cho biết.

Kể từ đó, công ty đã giới thiệu một dòng sản phẩm kem bôi làm nóng dành riêng cho thể thao có tên gọi Tiger Balm Active. Ngoài ra, họ cũng sản xuất miếng dán đuổi muỗi, cao dán giảm đau cổ và vai mùi oải hương dành cho những người bị nhức cơ do dùng nhiều điện thoại.

Cho tới nay, thương hiệu cao Con Hổ đã có hơn 10 dòng sản phẩm vô cùng đa dạng.

Tương lai rộng mở của những lọ cao truyền thống

Han đã đẩy mạnh thương hiệu để vươn tới những thị trường mới. "Tôi nghĩ hầu hết người dân Singapore, Hồng Kông và Thái Lan đều lớn lên với những lọ cao Con - và đó chính là vấn đề", ông nói.

Thị trường phương Tây khi đó còn bị bỏ ngỏ. "Họ không có những sản phẩm do cha ông truyền lại", Han cho biết.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, công ty đã mời hai siêu sao bóng rổ Mỹ - Joe Montana và Jerry Rice - làm người phát ngôn cho thương hiệu, từ đó giúp cao Con Hổ được biết tới nhiều hơn trong giới vận động viên. "Tay của một số người còn to hơn đùi tôi nữa", Han nói. "Họ dùng rất nhiều cao Con Hổ".

 Hành trình gần 100 năm của cao Con Hổ: Vật bất ly thân của nhiều gia đình châu Á, bị thất sủng rồi lấy lại ánh hào quang còn rực rỡ hơn  - Ảnh 5.

Các sản phẩm cao Con Hổ trong nhà máy ở Singapore. ((Ảnh: Christopher DeWolf))

Gần đây, thương hiệu cũng được Lady Gaga và vài ngôi sao khác khen ngợi trên mạng xã hội. Công ty cũng không ngừng cải thiện thương hiệu, vừa bảo tồn di sản truyền thống, vừa làm mới hình ảnh của mình.

Họ giữ lại màu vàng cam của cao Con Hổ, cũng như lọ đựng hình lục giác, y nguyên thời anh em nhà Aw mới giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, logo của thương hiệu đã được thay đổi. "Chúng tôi chuyển từ hình con hổ đang nằm nghỉ thành con hổ đang nhảy chồm lên", Han cho biết.

Những thay đổi này dường như đã đem lại tác dụng. Năm 2017, thương hiệu cao Con Hổ đã bán được 66 triệu sản phẩm, tăng 16% so với năm 2016. Giờ đây, nó đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và được đăng ký bảo hộ tại 145 nước.

Cao Con Hổ được sản xuất ra sao?

Thứ duy nhất không thay đổi mấy chính là bản thân sản phẩm. Cao Con Hổ vẫn gồm 2 loại - màu đỏ để giảm đau cơ, màu trắng để chữa cảm lạnh và cảm cúm. Tất cả đều được dựa trên công thức ban đầu của anh em nhà Aw.

Sau khi đeo khẩu trang, đội mũ, mặc áo và giày bảo hộ, Han bước vào nhà máy và giải thích quy trình sản xuất cao Con Hổ.

Đầu tiên, tinh dầu sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Sau đó, người ta sẽ trộn chúng cùng paraffin petrolatum (mỡ khoáng) để cao Con Hổ không bị tan chảy ở nhiệt độ phòng, nhưng vẫn đủ mềm để bôi lên cơ thể.

Sau đó, hợp chất này được bơm vào những lọ thủy tinh, để nguội rồi đóng gói bằng máy móc chuyên dụng dưới sự giám sát của con người. Có khoảng 100 nhân công đang làm việc tại nhà máy ở Singapore, còn tại cơ sở ở Malaysia và Trung Quốc, số lượng còn nhiều hơn thế.

Ở cuối dây chuyền, những hộp cao Con Hổ nhỏ nhắn được công nhân đặt vào từng chiếc hộp lớn hơn, sau đó đặt vào những thùng carton lớn hơn nữa để vận chuyển đi khắp thế giới.

Và khi chúng tới nơi, một người bà, một vận động viên hay một nhân viên công sở bị cứng cổ sẽ mở lọ cao ra và ngửi thấy mùi hương nồng khó quên, đầy đặc trưng ấy.

Theo Ngọc Hà

Từ khóa:  cao con hổ
Cùng chuyên mục
XEM