Hành tinh này nóng đến mức "xé nát" cả phân tử hydrogen trong khí quyển
Hành tinh này có khối lượng nặng gấp 3 lần Jupiter.
Những lực cực mạnh hiện diện trên các hành tinh khổng lồ nằm gần những ngôi sao siêu nóng đã dẫn chúng ta đến một số khám phá bất ngờ, như những hành tinh có hình dáng như trái banh bầu dục, nằm ở những địa điểm kỳ lạ, và thậm chí là có nhiệt độ bề mặt nóng hơn hầu hết các ngôi sao khác trong vũ trụ. Phát hiện mới nhất của các nhà khoa học, ngoại hành tinh KELT-9b, "diễn ra hiện tượng nóng chảy trên toàn hành tinh, đến mức xé nát cả những phân tử tạo nên bầu khí quyền của nó" - theo NASA.
KELT-9b có khối lượng nặng gấp 3 lần Jupiter (sao Mộc), và có nhiệt độ bề mặt lên đến 4.300 độ C, biến nó thành hành tinh nóng nhất từng được khám phá cho đến thời điểm này. Độ nóng của nó kinh khủng đến mức phá vỡ cả cấu trúc của các phân tử hydrogen trong bầu khí quyển hành tinh.
Ảnh dựng của ngoại hành tinh KELT-9b (đang xoay quanh ngôi sao màu trắng)
Sự nóng chảy diễn ra ở phần bề mặt hành tinh đối diện với ngôi sao (màu trắng trong hình trên), gọi là "phần ban ngày", nơi các phân tử hydrogen bị xé nát và trôi về phần bề mặt hành tinh không hướng về ngôi sao, gọi là "phần ban đêm", sau đó tái liên kết lại thành phân tử hydrogen trước khi trôi ngược trở lại "phần ban ngày" để bị xé nát một lần nữa.
"Loại hành tinh này có nhiệt độ cực đoan đến mức nó tách biệt với rất nhiều các ngoại hành tinh khác" - Megan Mansfield, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Chicago và là tác giả của nghiên cứu phát hiện ra KELT-9b nói. "Có một số hành tinh như Jupiter nhưng nóng và siêu nóng nhưng không nóng bằng (KELT-9b), dù rằng vẫn đủ ấm để khiến hiệu ứng này xảy ra".
Để tìm kiếm các ngoại hành tinh khác có cùng những hiện tượng tương tự, các nhà khoa học sẽ cần sử dụng những trang thiết bị có độ chính xác rất cao. Nghiên cứu bầu khí quyển của các ngoại hành tinh không phải là điều dễ dàng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu dùng những công cụ như kính thiên văn vũ trụ Spitzer của NASA, vốn có khả năng chụp được những biến động nhỏ trong nhiệt năng phát ra bởi các ngoại hành tinh bằng cách đo bước sóng hồng ngoại.
Sử dụng dữ liệu từ Spitzer, nhóm của Mansfield đã có thể thấy được sự khác biệt giữa "phần ban ngày" và "phần ban đêm" của KELT-9b, mặc cho nó quay rất gần ngôi sao đến mức một năm trên hành tinh này chỉ bằng 1,5 ngày trên Trái đất mà thôi.
Nằm cách Trái đất 670 năm ánh sáng, với nhiệt độ bề mặt đủ nóng để tách các phân tử thành nhiều mảnh nhỏ, NASA xác nhận "KELT-9b sẽ được xếp vào danh mục những thế giới không có điều kiện cho sự sống".
Tham khảo: DigitalTrends