Hạnh phúc chạy bằng pin: Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới chữa khỏi trầm cảm nhờ phẫu thuật kích thích não
Bệnh trầm cảm đã khiến Sarah mất hết cảm giác ngon miệng trong 5 năm. Sau cuộc phẫu thuật, món ăn đầu tiên mà cô ấy muốn thử nếm lại là một bát phở Việt Nam.
Một buổi chiều muộn cách đây 5 năm, khi Sarah đang lái xe trên đường từ chỗ làm về nhà, thứ duy nhất hiện lên trong đầu cô là ý định muốn tự sát. Mới ngoài 30 tuổi, người phụ nữ sống ở tiểu bang California, Hoa Kỳ đã bị mắc chứng trầm cảm kinh niên.
Mặc dù đã được các bác sĩ tích cực điều trị với hơn 20 loại thuốc khác nhau, hàng tháng trời ở bệnh viện để thực hiện thủ thuật kích thích điện và từ trường xuyên sọ, căn bệnh trầm cảm của Sarah không hề thuyên giảm.
Trên thực tế, có tới một phần ba trong số hơn 250 triệu người bị trầm cảm trên thế giới giống với cô ấy, nghĩa là họ cũng sẽ không đáp ứng với bất kỳ biện pháp điều trị thông thường nào. Nhiều người vì thế đã quyết định tự sát để chấm dứt chuỗi ngày mà họ coi là một sự hành hạ.
"Ngày hôm đó, tôi đã khóc cả buổi mà không thể ngừng lại", Sarah nói. "Có một ý nghĩ đã nuốt chửng tôi trên suốt quãng đường về nhà, nó nói rằng tôi chỉ cần lái xe đâm xuống vùng đầm lầy và thế là có thể chết đuối một cách nhẹ nhõm".
Thật may mắn, cô ấy đã không làm như vậy. Sarah về được nhà an toàn rồi sau đó lập tức dọn đồ đạc sang nhà bố mẹ. Bác sĩ nói rằng kể từ giờ phút này mọi chuyện sẽ rất nguy hiểm nếu cô sống một mình. Sarah sẽ cần người giám sát luôn bên cạnh để phòng ngừa những lúc cô nghĩ quẩn.
Đúng như dự đoán, ý định tự sát tiếp tục xuất hiện trong đầu Sarah và không buông tha cô ấy trong suốt 4 năm. Cho đến một ngày tháng 8 năm 2020, các bác sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật não đặt vào bên trong đầu cô một thiết bị điện tử có kích thước bằng một chiếc hộp diêm.
Chiếc hộp này được gọi là "máy tạo nhịp cho não". Nó có chức năng phát hiện ra những xung thần kinh nào đã gây ra cơn trầm cảm trong đầu của Sarah. Sau đó, cỗ máy sẽ phát ra các tín hiệu điện để dập tắt những xung thần kinh đó, ngăn chặn cơn trầm cảm xảy đến với cô ấy.
"Trong vòng vài tuần sau cuộc phẫu thuật, ý nghĩa tự sát của tôi đã biến mất", Sarah nói. Các bác sĩ đã xác nhận điều đó bằng một bài kiểm tra trên thang đo trầm cảm. Điểm số của cô ấy đã giảm từ 33, mức trầm cảm rất nặng xuống còn 14 rồi cuối cùng xuống dưới 10.
Sarah bây giờ đã trở thành bệnh nhân đầu tiên, và duy nhất cho tới thời điểm hiện tại, điều trị trầm cảm thành công bằng hình thức cấy ghép kích thích não sâu qua phẫu thuật. "Thiết bị đã giúp tôi ngăn chặn chứng trầm cảm, cho phép tôi trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và xây dựng lại một cuộc đời đáng sống", cô nói.
Kích thích não sâu là một kỹ thuật cấy ghép thiết bị tạo xung và điện cực vào bên trong hộp sọ, nhằm cung cấp các tín hiệu có khả năng thay đổi hoặc điều chỉnh hoạt động bất thường xảy ra trong bộ não. Trước đây, nó đã được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh động kinh và Parkinson.
Ước tính cho thấy trên thế giới đã có hơn 260.000 bệnh nhân Parkinson được cấy ghép các thiết bị tạo xung vào não. Đó là những người đến bệnh viện với các cơn run rẩy dữ dội, nhưng sau khi được kích thích não sâu, tình trạng của họ đã thuyên giảm hoặc khỏi hoàn toàn.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng sử dụng kích thích não sâu để điều trị trầm cảm. Công việc cũng liên quan đến việc cấy thiết bị tạo xung nhịp vào não bộ, một cỗ máy chạy pin có kích thước chỉ bằng một chiếc hộp diêm, phát ra tín hiệu điện đều đặn vào các vùng não có chức năng xử lý cảm xúc.
Ý tưởng cơ bản của các nhà khoa học là nếu họ có thể kích thích được một số vùng não liên quan đến bệnh trầm cảm, chẳng hạn như vùng Brodmann area 25, một khu vực não giàu chất vận chuyển serotonin hoạt động rất mạnh khi chúng ta buồn, bệnh nhân sẽ thoát ra được cơn trầm cảm của họ.
Một số nỗ lực đã đem lại thành công bước đầu, tuy nhiên, không ít thử nghiệm thất bại đã khiến các nhà khoa học nghi ngờ sự hiểu quả phương pháp kích thích não sâu này. Họ tự hỏi: Tại sao nó không hoạt động với tất cả các bệnh nhân giống như nhau?
***
"Đó là bởi chứng trầm cảm của một người này có thể rất khác với chứng trầm cảm ở một người khác", tiến sĩ Katherine Scangos, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học California cho biết.
Khi các tín hiệu điện não tạo ra cơn trầm cảm ở mỗi bệnh nhân đều khác nhau, để điều trị cho họ chúng ta cần một phương pháp tiếp cận cá nhân hóa. Đối với một số bệnh nhân, kích thích sâu vào vùng não Brodmann area 25 có thể may mắn đem lại thành công. Nhưng đối với một số bệnh nhân khác, nó có thể là điều vô ích.
Để kiểm tra xem Sarah sẽ đáp ứng thế nào với các kích thích này, nhóm của tiến sĩ Scangos đã tiến hành một cuộc khảo sát kéo dài 10 ngày trong bộ não của cô ấy. Họ đặt các điện cực rải rác tại nhiều vùng não khác nhau, lập một bản đồ xung thần kinh để xác định điểm khởi nguồn của cơn trầm cảm.
Bước tiếp theo, tiến sĩ Scangos sẽ thử phát tín hiệu xung điện, cũng vào từng vùng não của Sarah với cường độ xung khác nhau. Công việc được thực hiện tỉ mỉ để tìm kiếm ra mô hình xung có hiệu quả cao nhất trong việc đuổi cơn trầm cảm của cô ấy.
Sarah nhớ lại một khoảnh khắc trong quá trình điều tra, cô đột nhiên cảm thấy hạnh phúc và bật cười khiến tất cả các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phải thốt lên "Oh my God!".
"Đó là lần đầu tiên tôi tự nhiên cười được trong suốt ngần ấy năm. Một nụ cười thực sự không hề giả tạo", Sarah nói. Chính tiếng cười ấy của cô đã giúp tiến sĩ Scangos và các đồng nghiệp xác định được con đường kích thích thần kinh mà họ có thể khai thác.
Theo đó, cơn trầm cảm của Sarah đã bắt đầu từ các tín hiệu ở vùng hạch hạnh nhân bán cầu não phải của cô ấy. Bằng cách cấy một điện cực thu tín hiệu vào đây, các nhà khoa học có thể biết khi nào cơn trầm cảm của Sarah bắt đầu khởi phát và khi nào nó xảy ra mạnh nhất.
Để chống lại cơn trầm cảm này, tiến sĩ Scangos không chặn tín hiệu ở ngay vùng hạch hạnh nhân như các nhà nghiên cứu trước đó suy luận. Thay vào đó, cô tìm thấy các kích thích vào vùng vân bụng, liên quan đến cảm xúc, động lực và phần thưởng, mới là mô hình "loại bỏ cảm giác trầm cảm của cô ấy một cách nhất quán", tiến sĩ Scangos nói.
Trong khi kích thích não sâu thường được phân phối liên tục, thiết bị của Sarah chỉ được bật lên 6 giây khi nó phát hiện tín hiệu trầm cảm khởi phát ở vùng hạch hạnh nhân. Đợt kích thích ngắn vào vùng vân bụng này sẽ giúp Sarah không còn thấy trầm cảm nữa.
"Mỗi lúc đó tôi sẽ cảm nhận được một sự tỉnh táo, tràn đầy năng lượng hoặc tích cực trở lại", cô nói.
Đó là ước tính số tiền mà một bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng với bất kỳ biện pháp điều trị nào phải trả để có thể được cấy ghép thiết bị kích thích não sâu như của Sarah tại Mỹ. Bản thân cỗ máy bằng hộp diêm này đã có giá vô cùng đắt đỏ, lên tới 35.000-40.000 USD, tương đương hơn 900 triệu VNĐ.
Rất may là Sarah đã được điều trị hoàn toàn miễn phí vì cô là tình nguyện viên đầu tiên và duy nhất tham gia vào thử nghiệm lâm sàng tại Đại học California. Đổi lại, rủi ro mà cô ấy phải đối mặt, cũng như bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào lựa chọn phương pháp điều trị này, là các nguy cơ biến chứng, bao gồm cả nhiễm trùng và tử vong.
Tuy nhiên, với trình độ của các bác sĩ hiện nay, nguy cơ xảy ra biến chứng hậu phẫu trong các ca mổ kích thích não sâu thế này đã được hạn chế tối đa. Hàng trăm ngàn ca phẫu thuật não cấy ghép điện cực tương tự đã được thực hiện thành công trên thế giới.
Trong khi, các nhà khoa học dự định sẽ phát triển thêm một số phương pháp không xâm lấn, chẳng hạn như tìm cách tạo ra được kích thích từ ngoài hộp sọ, với một chiếc mũ chống trầm cảm có hiệu quả tương đương với điện cực cấy ghép.
Tất nhiên, công việc này sẽ rất khó khăn, nhưng nó có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các bệnh nhân trầm cảm khác, ngay cả những người bị trầm cảm nhẹ cũng có thể tiếp cận với giá cả phải chăng hơn, rủi ro thấp hơn và tác dụng tốt hơn những viên thuốc mà họ đang phải uống mỗi ngày.
"Hiệu quả của liệu pháp này cho thấy chúng tôi không chỉ xác định đúng mạch não và dấu ấn sinh học của bệnh trầm cảm", tiến sĩ Scangos cho biết. "Bản thân của thành công này là một tiến bộ đáng kinh ngạc trong kiến thức của chúng ta về chức năng não bộ, nguyên nhân gây ra các căn bệnh tâm thần".
Hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là nó mới chỉ được thực hiện trên một tình nguyện viên duy nhất, là Sarah. Thông thường, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cần có nhóm chứng được cho dùng giả dược để đối chiếu xem có đúng là phương pháp điều trị là thứ đem lại hiệu quả hay không?
Trong trường hợp này, tiến sĩ Scangos cho biết họ đã lấy chính Sarah làm nhóm chứng. Bởi thiết bị tạo nhịp trong đầu cô ấy không tạo ra cảm giác, các nhà khoa học đã bí mật tắt nó đi trong vòng 6 tuần mà Sarah không hề hay biết.
Ngay lập tức, cô ấy đã rơi vào trạng thái trầm cảm trở lại trong nhiều ngày. Sarah lại xuất hiện ý định tự tử và gia đình của cô ấy phải đưa cô quay trở lại bệnh viện. Tới đây, một kỹ thuật viên đã bật chiếc máy tạo nhịp trở lại và Sarah dần dần cảm thấy tốt lên.
Đều đặn mỗi ngày trong hơn một năm qua, chiếc hộp diêm hạnh phúc trong đầu cô ấy đang phát ra 300 đợt xung điện, tổng cộng 30 phút tạo nhịp mỗi ngày giúp Sarah luôn cảm thấy vui vẻ. Chỉ trừ buổi tối từ 6 giờ chiều trở đi, chiếc máy sẽ tự động ngắt vì kích thích não vào buổi tối có thể khiến Sarah quá tỉnh táo và mất ngủ.
Theo tính toán, một thiết bị kích thích não sâu có thể chạy tới 5 năm mà không hết pin, với tần suất sử dụng của Sarah, pin của cô có thể kéo dài tuổi thọ hơn thế. Nhưng một khi nó cạn điện, các bác sĩ vẫn sẽ phải tiến thành lại một cuộc phẫu thuật để thay thế. Ngoài ra, bản thân máy tạo xung nhịp cũng có tuổi thọ khoảng 15 năm là phải thay mới.
Tạm bỏ qua câu chuyện còn ở tương lai, Sarah cho biết cô đã rất may mắn khi được chọn tham gia vào thử nghiệm lâm sàng lần này. Mặc một chiếc áo phông in dòng chữ ngộ nghĩnh "Take it easy lemon squeezy", Sarah cho biết cuộc sống của mình trước đây chỉ toàn là những suy nghĩ tiêu cực, bất cứ thứ gì xảy ra cũng có thể khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm.
Từng là một người đam mê nấu ăn và yêu thích ẩm thực, nhưng những cơn trầm cảm dần dần khiến phản xạ của Sarah trở nên chậm chạp. Cô thậm chí không thể cầm dao thái thịt vì sẽ tự cắt vào tay mình. Trong một vài lần, Sarah còn làm cháy cả tóc trong bếp và khiến bản thân bị bỏng.
Ngay cả việc ăn uống cũng không còn thú vị. Cô ấy bị mất cảm giác ngon miệng và thấy mọi loại thức ăn đều nhạt nhẽo, không có hương vị.
Tuy nhiên vài ngày sau cuộc phẫu thuật ở bệnh viện, Sarah đã xuống căng tin và mua cho mình một bát phở Việt Nam. Đó là lần đầu tiên cô nếm trở lại được hương vị. Sarah mô tả phở có vị "thanh thanh với mùi của nhiều loại rau thơm".
Sau ngày xuất viện trở về nhà, cô ấy cũng quay trở lại vùng đầm lầy mà 5 năm trước mình từng có ý định tự tử. "Ngày đó khi tôi chìm trong hố sâu của sự chán nản, tất cả những gì tôi thấy ở đây chỉ là một sự xấu xí", cô nói.
"Nhưng Chúa ơi, bây giờ tôi có thể nhìn thấy mọi màu sắc rực rỡ trong một thế giới đẹp đẽ và thật tuyệt vời".