Hàng xách tay về Việt Nam có nguy cơ “chết yểu”

14/03/2018 19:30 PM | Xã hội

Sau khi Việt Nam tham gia ký kết CPTPP, 100% dòng thuế với tất cả hàng hóa sẽ về 0% trong vòng 7- 10 năm nữa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các mặt hàng từ 11 nước tham gia CPTPP và sẽ hết cảnh ngóng mua hàng xách tay qua kênh trung gian.

Tại Hà Nội, thủ phủ của hàng xách tay nằm trên con phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội). Nơi đây, dày đặc các cửa hàng có cách bài trí và quy mô như những siêu thị mini, diện tích mặt sàn có cái lên tới hàng trăm mét vuông, bày bán đủ chủng loại như: Mỹ phẩm, sữa tắm, socola, quần áo, bàn chải đánh răng, đũa, nồi, xoong chảo, bia, rượu ngoại, thuốc lá, kính mắt, dao, đũa…

Do được tiếng là hàng xách tay, nên giá thành các mặt hàng đều không rẻ nếu so với hàng phổ thông nhưng lại mềm hơn so với hàng nhập khẩu chính ngạch.

Đặc biệt, các sản phẩm như nước hoa, thuốc lá, rượu… vốn bị đánh thuế cao lại nhiều hàng giả nên trong vỏ bọc hàng xách tay vẫn luôn được săn đón dù giá bán nhiều khi chỉ thấp hơn một chút so với thị trường.

Chị Trần Thị Bình, trú tại đường Hai Bà Trưng, chia sẻ trước đây tôi là "tín đồ" hàng xách tay, sau khi sang Nhật du lịch mới phát hiện một số sản phẩm đang sử dụng mua tại Việt Nam, song giá rẻ hơn cả nước sản xuất ra nó, có khi thấp hơn tới 30- 50%. Nhiều sản phẩm làm đẹp của Nhật, nếu mua tại Nhật phải mua theo giờ, số lượng có hạn, mỗi sản phẩm đều đóng hộp trang trọng nhưng tại Việt Nam, hàng được bày cả lố, giá cũng chỉ bằng, thậm chí rẻ hơn mua tại Nhật nên tôi từ bỏ thói quen mua hàng xách tay vì sợ “tiền mất tật mang”!

Với việc 11 nước ký kết như, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua được mỹ phẩm, đồ ăn từ các nước trên mà không phải chịu thuế.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Ông đơn cử một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…

Còn chuyên gia kinh tế Phan Hùng Sơn cho hay: "Hàng xách tay vì là được coi mang trực tiếp từ nước ngoài về nên mặc định là không có giấy tờ xuất xứ. Thật trớ trêu khi không ít người Việt mù quáng tin rằng, cứ phải không có một chữ tiếng Việt nào trên bao bì thì mới chuẩn là hàng xịn".

Theo lời ông Sơn, chính vì kẽ hở tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.

Ông Sơn nhận định việc thuế về 0% với các mặt hàng từ các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật, Singapore, Australia... có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được "hàng hiệu" giá rẻ và luôn đảm bảo chất lượng.Thị trường hàng xách tay sớm muộn không còn chỗ đứng.

Tuy nhiên, trái với ý kiến cho rằng hàng xách tay sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường, anh Nguyễn Dương, người chuyên buôn hàng xách tay từ Singapore phân tích, có thể hàng hóa từ các nước nhập về Việt Nam bằng 0% nhưng chưa chắc hàng chính ngạch nhập sang Việt Nam rẻ hơn hàng xách tay.

"Buôn hàng xách tay phải lựa chọn thời điểm các trung tâm thương mại lớn nước ngoài giảm giá, để đảm bảo nguồn gốc chứ không tìm hàng trôi nổi như nhiều người đồn đại. Những mặt hàng này được hoàn thuế ngay tại sân bay và quan trọng là chúng tôi không mất tiền thuê nhân sự, quản lý như nhập chính ngạch của doanh nghiệp nên giá hàng xách tay sẽ luôn rẻ hơn nhập chính ngạch dù cả 2 cùng không mất thuế", anh Dương chia sẻ.

Tại Hà Nội, không cần đến "thủ phủ" Nguyễn Sơn, hiện, để sở hữu một sản phẩm hàng xách tay từ nước ngoài là điều dễ dàng đối với người có nhu cầu. Ngoài những kênh là người thân đang sinh sống, du học và làm việc ở nước ngoài, người tiêu dùng dễ dàng “săn” hàng xách tay có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… trên các trang mạng xã hội hay mua trực tiếp tại các cửa hàng.

Theo Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM