Hàng loạt thương hiệu lớn rời bỏ thị trường, người dùng Nga “chốt đơn” mua Cocacola, Zara, Ikea kiểu gì?

23/02/2023 20:11 PM | Kinh doanh

Hàng loạt thương hiệu yêu thích lũ lượt rời khỏi đất nước, Nga đang tạo ra cơ hội làm giàu chưa từng có cho các “tay buôn”, các quốc gia láng giềng tranh thủ kiếm lời.

Ảnh minh họa

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, mặc dù các công ty châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản – vốn là những công ty cung cấp những mặt hàng quan trọng cho Nga lần lượt rút khỏi quốc gia này thì điều đáng nói, tác động với người Nga chỉ là rất nhỏ. Các thương hiệu có thể đã rời khỏi đất nước, nhưng hàng hóa của họ lại không hề.

Các sản phẩm từ các thương hiệu đó vẫn có sẵn cả trực tuyến và tại các cửa hàng, người mua chỉ cần biết nơi để tìm.

Những chiếc xe tải chở Coca Cola lăn bánh qua biên giới vào Nga, khách du lịch trở về từ nước ngoài với đầy những thiết kế mới nhất của Zara đã giúp người dân Nga vẫn có thể mua được những thương hiệu mà họ yêu thích.

Inditex, chủ sở hữu của Zara trong năm vừa qua đã đóng cửa 502 cửa hàng ở Nga sau khi Moscow xảy ra xung đột với Ukraine, sau đó bán lại cho Tập đoàn Daher có trụ sở tại UAE. Trong khi hầu hết các thương hiệu phương Tây đã tạm dừng hoạt động tại Nga cũng đã rút khỏi Belarus - một đồng minh của Moscow nhưng Inditex thì không.

Albina, 32 tuổi, mang một chiếc vali rỗng đến Minsk (Belarus) vào mùa hè năm ngoái và quay trở lại vào ngày hôm sau với số quần áo của Zara, Bershka và Massimo Dutti với giá trị 33.000 rúp ( tương đương 442 USD) cho cô và bạn bè. Albina cho biết thêm rằng cô cũng đã mua quần áo ở Paris và Dubai và sử dụng mạng lưới những người bán hàng trực tuyến để mua bán hàng hóa cho những người dân Nga.

Đồng rúp mạnh năm ngoái và đồng lira yếu của Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nga. Giám đốc tiếp thị của CDEK Forward - một dịch vụ giao hàng từ các trang thương mại điện tử nước ngoài - bà Dinara Ismailova cho biết biến động tiền tệ là một phần nguyên nhân khiến số lượng giao hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga tăng gấp 7 lần.

Các mặt hàng được bày bán tại siêu thị Nga. Ảnh: Reuters

Chợ trực tuyến

Khi chuỗi cung ứng bị phá vỡ, Nga đã hợp pháp hóa hình thức nhập khẩu song song, cho phép các nhà bán lẻ mang sản phẩm từ nước ngoài vào mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Dẫn đầu thị trường là công ty Wildberries chuyên bán hàng cũ từ các thương hiệu thuộc Inditex và có gần 17.000 mặt hàng trong danh mục Zara. Một mặt hàng phổ biến khác là Coca-Cola, thường được quảng cáo là hàng nhập khẩu để người mua biết đó là hàng thật.

Trong khi Coca-Cola đã ngừng sản xuất và bán đồ uống ở Nga vào năm ngoái, những công ty khác đã nhập khẩu chúng với nhãn trên lon và chai cho thấy chúng đến từ Châu Âu, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc. Tại một siêu thị ở Moscow, ba lon Coca-Cola được bày bán với ba mức giá khác nhau với nhập khẩu lần lượt từ Đan Mạch, Ba Lan và Anh.

Giá chênh lệch do nhập khẩu từ các nguồn khác nhau. Ảnh: Reuters

Các quốc gia thân thiện tranh thủ làm giàu

Ram Ben Tzion, Giám đốc điều hành của nền tảng kiểm tra kỹ thuật số Publican cho biết, Coca Cola có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu tăng cao từ các quốc gia láng giềng với Nga, nơi hầu hết các mặt hàng nhập khẩu song song đến từ đó.

Dữ liệu thương mại của các nước "thân thiện" không áp đặt lệnh trừng phạt đã cho thấy xuất khẩu sang Nga đang tăng cao so với trước đây.

Thương mại Trung Quốc-Nga đạt mức kỷ lục 1,28 nghìn tỷ nhân dân tệ ( tương đương 186 tỷ USD) vào năm 2022, trong khi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng 61,8% lên 9,34 tỷ USD và của Kazakhstan tăng 25,1% lên 8,78 tỷ USD.

Tuy nhiên Ben Tzion cho biết, các tuyến đường cung cấp không chính thức có thể dẫn đến nhiều hàng hóa kém chất lượng hơn vào Nga khi các cơ quan quản lý mất giám sát.

Một số thương hiệu phải đối mặt với nhiều năm chiến đấu với các bản sao và nhập khẩu trái phép. Trong khi đó, các đối thủ Nga của Coca-Cola đã tăng công suất đóng chai và tung ra loại đồ uống Cola mới. Các nhà cung cấp trước đây cũng sẵn sàng bán các mặt hàng IKEA đã được sửa đổi nhẹ dưới các tên khác nhau. Một người đã quảng cáo một bộ giường có tên là "ARUA” (tương tự của IKEA).

Mặc dù các cơ hội mới đang mở ra cho các công ty Nga, nhưng việc gắn bó với các thương hiệu phương Tây có thể cản trở nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tham khảo: Reuters, FT

Theo Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM