Hàng loạt phụ huynh có con sắp lên lớp 6 "mướt mồ hôi" vì quy định này: Đồng tình nhiều, phản đối cũng không ít
Giảm áp lực học tập cho học sinh cần đi kèm với giảm tình trạng làm đẹp hồ sơ, học bạ, nếu không thì lại chuyển từ áp lực này sang áp lực khác.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư về Quy chế tuyển sinh cấp THCS và THPT. Thông tư được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức tuyển sinh THCS và THPT.
Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về quy chế tuyển sinh THCS và THPT nêu rõ: Từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Với những trường phổ thông nhiều cấp học trực thuộc đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do cơ quan chủ quản hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Kế hoạch tuyển sinh lớp 6 của các trường phải được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Theo quy chế cũ, Bộ cũng yêu cầu các trường xét tuyển vào lớp 6, nhưng trường có số đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu có thể xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, nội dung này không được đề cập trong quy chế mới.
Ở Hà Nội và TP. HCM, các trường mô hình chất lượng cao hay tiên tiến, hội nhập quốc tế đều thi tuyển hàng năm, sau khi xét học bạ.
Phụ huynh tranh luận
Nhiều người đồng tình, cho rằng việc bỏ thi tuyển sẽ giúp hạn chế tình trạng ôn luyện từ những năm lớp 3, lớp 4, thậm chí sớm hơn, đỡ áp lực cho cả phụ huynh và học sinh. Con người phải được phát triển đầy đủ thể chất tinh thần. Học sinh tiểu học lẽ ra phải được chú trọng Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, chứ không phải suốt ngày đi luyện lò Toán, Văn, Anh để đạt được ước mơ của bố mẹ.
Ý kiến ngược lại phản biện, xét tuyển thì càng dễ phát sinh tiêu cực trong việc dạy thêm ở cấp 1 do áp lực thành tích là 1 tiêu chí tuyển sinh... Cộng thêm 1 cơn bão chứng chỉ ngoại ngữ, Tin học sẽ ập đến. Các trường công đúng tuyến, đại trà thì cấm thi tuyển là hợp lý. Nhưng các trường chất lượng cao mà cấm thi tuyển là điều bất cập. Thực tế như ở các năm trước, chuyện học sinh 5 năm liền học sinh giỏi nhưng thi tuyển lớp 6 bị điểm liệt không hề hiếm.
"Nếu xét tuyển các con sẽ phải nỗ lực và cố gắng cả 5 năm học cấp 1 để có 1 học bạ đẹp ngay từ những năm lớp 1, chứ không chỉ nỗ lực cho 1 kỳ thi. Ngoài ra, xét tuyển còn thiệt thòi cho các con đang học ở những lớp tốt, có thể các con không được học sinh xuất sắc 5 năm do lớp cũng toàn hàng "khủng", nhưng lực học còn hơn các bạn trường thường lớp thường nhiều", một phụ huynh nêu ý kiến.
Một số phụ huynh cũng tỏ thái độ lo lắng vì con mình đã ôn thi 5 năm nay, nếu các trường có nguyện vọng thi không tổ chức thi tuyển thì coi như bao sông sức "đổ sông đổ biển". Dù vậy, không ít người cho rằng, cho con đi học là để con có kiến thức vững chắc.
"Con mình sinh năm 2004, từ lớp 3 cho dùi mài chuẩn bị thi thố, đúng năm 2014 không tổ chức thi mà xét tuyển, trượt thẳng cẳng vì không có giải gì để đưa vào hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình học ôn thi bố mẹ biết được năng lực của con như thế nào và tiếp tục đầu tư để thi chuyên cấp 3 và đỗ chuyên như mong đợi rồi kiếm được học bổng du học.
Học là cả quá trình, đích đến là bậc đại học, cao học, nghiên cứu sinh,... và thành công là mong tìm được công việc tốt, phù hợp, vui vẻ. Các bố mẹ đừng quá lo lắng, cánh cửa này khép sẽ có cánh cửa khác mở ra", một bà mẹ góp ý.
"Bài Toán khó cho các trường cấp 2 trong khâu chọn lọc đầu vào"
Nói về vấn đề này, thầy giáo Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC" cho rằng: Việc thay đổi hình thức từ thi tuyển sang xét tuyển thực ra không phải điều mới. Năm 2014 cũng đã từng có quy định tương tự như vậy. Tất nhiên dù với hình thức nào thì đều sẽ cả mặt ưu và mặt nhược.
Ưu điểm lớn nhất của việc thi tuyển là tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Các trường hệ CLC (chất lượng cao) và định hướng CLC sẽ có sự chủ động trong việc chọn lọc nguồn học sinh chất lượng theo yêu cầu đầu vào. Bên cạnh đó, việc thi tuyển sẽ khuyến khích nỗ lực cá nhân của người học, tăng sự minh bạch trong đánh giá. Thêm nữa, việc thi tuyển cũng có lợi thế trong việc tổ chức đồng bộ, thủ tục không quá phức tạp và dễ triển khai.
Việc xét tuyển được cho là giảm áp lực học tập cho học sinh, tuy nhiên, điều này cần đi kèm với giảm tình trạng làm đẹp hồ sơ, học bạ, nếu không thì lại chuyển từ áp lực này sang áp lực khác. Nói chung đây sẽ là 1 bài Toán khó cho các trường cấp 2 trong khâu chọn lọc đầu vào
"Cách tối ưu nhất vẫn nên là kết hợp cả 2. Trường có thể có những tiêu chí xét tuyển với các học sinh có năng khiếu và có thành tích nổi bật trong học tập, song vẫn nên có hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực để tạo ra sự khách quan và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng", thầy Minh nhận định.
Năm học 2024 - 2025, trên địa bàn Hà Nội có nhiều trường tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để tuyển sinh lớp 6 như: THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)…
Vậy với Thông tư 30 Bộ GD-ĐT mới ban hành, những trường này tuyển sinh thế nào?
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trung học cơ sở (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Tinh thần của Thông tư mới là giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học. Với các trường chất lượng cao, trường tư tại Hà Nội có tỷ lệ chọi lớn thì phương thức tuyển sinh sẽ do Sở quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở phù hợp nhất".