Hàng loạt nhà máy ethanol phá sản vì công nghệ Trung Quốc!

03/04/2016 19:51 PM | Kinh tế vĩ mô

4/7 nhà máy ethanol nhập khẩu và sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển nhưng vẫn nhập thiết bị từ Trung Quốc.

Kết quả: cả 7 nhà máy hiện giờ, nếu không đóng cửa, phá sản, nợ đầm đìa thì cũng ngừng sản xuất.

Từ chủ trương đúng đắn, đến số tiền vài chục nghìn tỷ đồng bỏ ra để đầu tư 7 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học (ethanol), đến nay khi lần lượt các nhà máy đều đóng cửa thì nguy cơ ngày càng cao: người Việt đang đứng ngoài chứng kiến thế giới đang tăng tốc sản xuất và sử dụng ngày càng nhiều loại xăng sinh học trong đời sống kinh tế.

60% nhà máy dùng “công nghệ phế thải” Trung Quốc?

Theo một báo cáo về thực trạng các cơ sở sản xuất ethanol mới đây của Bộ Công thương , trong số 7 nhà máy sản xuất ethanol - nhiên liệu chính phối trộn tạo nên xăng sinh học E5 thì có đến 4 nhà máy sử dụng hoàn toàn công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng một số công nghệ của các nước phát triển nhưng các thiết bị vẫn nhập từ Trung Quốc.

Đáng nói, 4 nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc khi hoàn thành chỉ sau từ 1 đến 2 năm hoạt động đã phải tạm ngừng. Các nhà máy còn lại, cũng chỉ tồn tại được một thời gian sau đó.

Các nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc gồm: Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân tại Quảng Nam, công suất thiết kết 100.000 tấn ethanol/năm, tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động đến năm 2012 nhà máy ngưng hoạt động. Tương tự, nhà máy ethanol Tùng Lâm (tỉnh Đồng Nai) sau thời gian đưa vào hoạt động cũng phải tạm dừng từ năm 2011.

Đáng chú ý, hai nhà máy sử dụng công nghệ Trung Quốc cho ra đời những sản phẩm ethanol không đạt tiêu chuẩn pha chế xăng E5, đã bị các DN trong nước ngừng hợp đồng. Đó là Nhà máy Ethanol Đại Việt (Đắc Nông), công suất thiết kế 55.000 tấn ethanol/năm, vốn đầu tư 500 tỷ đồng đi vào hoạt động năm 2011 nhưng tháng 4/2013, nhà máy này đã chính thức dừng hoạt động. Nhà máy thứ 4 Ethanol ĐăkTô (tỉnh Kon Tum) có công suất thiết kế 50.000 tấn ethanol/năm, nhưng đã sớm đắp chiếu vì sản phẩm không đạt tiêu chuẩn pha chế thành xăng E5.

Ngoài các nhà máy tư nhân sử dụng 100% công nghệ và thiết bị của Trung Quốc, 3 nhà máy Ehanol lớn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển song đều có các thiết bị của Trung Quốc.

Nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) có tổng vốn gần 2.500 tỷ đồng, công suất 79.000 tấn ethanol/năm nhưng dự án này mới chỉ hoàn thành giai đoạn thi công mà chưa được đưa vào sản xuất. Tương tự là Nhà máy ethanol Bình Phước khi đã xây dựng toàn bộ dự án, chạy thử nghiệm và cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, vì không có thị trường tiêu thụ nên dự án này phải tạm ngừng, chờ bán mình.

Một dự án khác xây dựng và hoạt động được mấy năm và được coi là "niềm hy vọng" cuối cùng của xăng sinh học E5 tại Việt Nam là nhà máy Ethanol Dung Quất (công nghệ Mỹ, thiết bị Trung Quốc). Tuy nhiên, do bài toán thị trường nên từ tháng 4/2015, nhà máy này đã tạm ngưng. Đến tháng 3/2016, toàn bộ hoạt động của nhà máy đã chính thức tạm dừng vì: sản phẩm không bán được.

Nhiều nước đã bỏ qua E5, sử dụng xăng E10, E20

Trên thực tế, xăng sinh học là một sản phẩm thân thiện với môi trường và đã được nhiều nước tập trung vào chính sách phát triển, ưu đãi thuế và phổ biến rộng rãi. Nhiều nước phát triển đã đưa các loại xăng sinh học vào sử dụng từ những năm thuộc thập kỷ 70 cùng với chính sách miễn, giảm thuế.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xăng sinh học trên thế giới đang rất phổ biến, nhiều nước đã thay thế hoàn toàn xăng truyền thống bằng xăng sinh học. Brazil là quốc gia đi đầu trong chương trình sản xuất và sử dụng xăng sinh học, nước này đưa xăng sinh học vào sử dụng từ năm 1975, cồn sản xuất từ mía được pha vào xăng với tỷ lệ lên đến 20%, thậm chí trong ngành vận tải nước này đang có khoảng 85% phương tiện sử dụng xăng sinh học.

Tại Mỹ, chính phủ nước này đưa xăng sinh học vào thử nghiệm sau đợt khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và hiện nay nhiều bang của Mỹ đã sử dụng xăng E5 (phối trộn tỷ lệ 5% cồn ethanol vào xăng), E10 (phối trộn 10% cồn ethanol vào xăng).

Giáp Việt Nam, Thái Lan và Philipines là hai quốc gia đi đầu đưa xăng E5 vào đời sống. Philipines đã đưa xăng E5 vào quy định bắt buộc sử dụng năm 2009, xăng E10 là năm 2011. Tại Thái Lan, xăng sinh học E10 được sử dụng nhiều nhất tại đây, trong đó nhiều thành phố đã bắt đầu sử dụng nhiều xăng E20 (phối trộn tỷ lệ 20% ethanol vào xăng) và E85 (phối trộn tỷ lệ 85% ethanol vào xăng).

Hai nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc hiện cũng đang chuyển sang dùng xăng sinh học E10 và E20. Ấn Độ sử dụng xăng sinh học E20 đại trà vào năm 2017 bởi công nghệ sinh học nước này rất phát triển. Còn Trung Quốc đã chuyển dần các nhà máy phối trộn xăng sinh học E5 sang xăng sinh học E10.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu sinh học Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 và có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp này, trong đó có mức trợ cấp lớn nhất là 1,400 nhân dân tệ (RMB)/tấn. Trong khi sản xuất ethanol từ nguyên liệu thực phẩm chỉ nhận 500 RMB/tấn và ethanol từ nguyên liệu thực phẩm không ăn được chỉ nhận được 70 RMB/tấn.

Việc chuyển công nghệ, thiết bị và dây truyền các nhà máy phối trộn xăng sinh học E5 sáng E10 của Trung Quốc giai đoạn từ 2005 -2010 đã diễn ra nhanh chóng. Theo Cơ quan trên, nhờ sự chuyển biến đó mà dự kiến năm 2020, Trung Quốc sẽ sản xuất đại trà nhiên liệu sinh học tổng hợp (E10), phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Nguyễn Tuyền

Cùng chuyên mục
XEM