Hàng cơm tấm "kê xô" với mâm đồ ăn 6 món nhìn thôi đã thèm, đặc biệt chỉ kê duy nhất 1 chiếc bàn suốt 30 năm vậy mà trong 3 tiếng là hết sạch!
Do cách bày đồ ăn bằng những chiếc xô mà người ta hay gọi đây là quán 'cơm tấm kê xô' nổi tiếng ngon lại rẻ suốt hơn 30 năm.
Xuất phát từ một món ăn cứu đói của người lao động nghèo không có điều kiện kinh tế. Cơm tấm giờ đã được xem là signature của Sài Gòn. Tồn tại và phát triển theo những biến thiên lịch sử.
Nếu như Cơm tấm Cali, cơm tấm Phúc Lộc Thọ, cơm tấm Kiều Giang được giới thương nhân ưu ái thì có rất nhiều hàng cơm tấm vỉa hè trở thành cái tên khắc sâu trong lòng người lao động hàng chục năm liền. Như hàng cơm tấm dưới đây, không bày trí cầu kỳ, cũng chưa đủ để được gọi là một quán ăn vì nơi đây chỉ có duy nhất 1 cái bàn inox cùng 4 chiếc ghế nhựa dành cho khách thế nhưng cũng đã hơn 30 năm nó tồn tại với người dân ở đình Vĩnh Hội.
Dùng những chiếc xô để bày đồ ăn, nên hàng cơm này còn được mọi người gọi với cái tên "cơm tấm kê xô".
30 năm chỉ duy nhất một chiếc bàn mà khách cứ đến nườm nượp mỗi sáng
"Làm tui một dĩa nghe", tiếng gọi thất thanh của một người đàn ông chạy xe máy lướt qua thậm chí người ta chưa kịp thấy rõ mặt.
Tiếng bô xe vụt qua chưa đầy 3 giây, chị Phượng đã xông xáo xới lẹ một đĩa cơm bên trên có đầy đủ sườn, bì, chả và một cái trứng kho. Trước sự ngơ ngác của chúng tôi, chị Phượng trần tình: "Ổng là khách quen, ăn ở đây từ thời má chị còn bán".
Chỉ duy nhất 1 chiếc bàn suốt hơn 30 năm, vậy mà vẫn không ngăn được lượng người tìm đến ăn món cơm tấm của chị Phượng.
Độ khoảng 1 phút 30 giây sau, sau khi đá chống dựng xe ở đầu hẻm, trên tay cầm ly cà phê người đàn ông này đi bộ ngược vào trong hẻm và ngồi xuống chiếc bàn đã được đặt sẵn dĩa cơm tấm cùng chén nước mắm thơm lừng. Và câu chuyện về ngày mới bắt đầu bằng từ "Hôm qua".
"Hôm qua tui thấy hình bà trên mạng, tụi nó khen chỗ này hoài cổ, nhờ cái cửa sổ sau lưng mà bà nổi tiếng luôn", người đàn ông vừa ăn vừa nói.
Một quán ăn mang hương vị đầy sự hoài niệm mà hiếm có nơi nào vẫn còn toát ra được như tại đây.
Mọi thứ diễn ra cứ như được lập trình sẵn, cả người bán và người mua không phải giải thích với nhau câu nào. Ở hàng cơm tấm này từ thời mẹ chị Phượng bán, người ta đã quen với những cảnh "cơm nhà" như thế.
Cứ đều đặn 5h sáng mỗi ngày, sau khi hoàn tất các công đoạn nấu nướng là chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (sinh năm 1976) lại rục rịch dọn dẹp, bày biện hàng cơm ở trước hẻm 241, bến Vân Đồn, phường 2, quận 4. Nép mình bên cạnh một căn nhà gỗ cũ kỹ, bao quanh chị Phượng là hai chiếc bàn inox được xếp theo hình chữ L bên trên được bày biện đủ thứ từ thịt nướng, trứng, bì, chả, thịt kho, xíu mại,... những vị khách quen cứ như người đàn ông ở trên đi qua gọi một dĩa là chị Phượng biết ngay, phải khách lâu lắm không gặp thì chị mới hỏi: "Bữa nay ăn món gì đây?", còn lại chị chủ này gần như nhớ hết thói quen của khách.
Chỉ 6 mâm với vỏn vẹn 6 món cơ bản trong cơm tấm như: chả trứng, bì, ốp la, sườn nướn, xíu mại, thịt kho hột vịt nhưng món nào là ngon món đó, chất lượng khỏi phải bàn.
Từng món được chị Phượng bố trí rất ngăn nắp và đẹp mắt.
Lâu lâu có khách lạ ghé ăn, chị Phượng đon đả: "Ngồi đi em, cơm nhiều hay ít, ăn món gì chị lấy".
Chị Phượng bảo hàng cơm này đã có gần 30 năm tuổi, ngày trước má chị Phượng là người bán chính đến nay vì lớn tuổi nên truyền nghề cho con.
"2 giờ sáng chị với má nướng thịt, làm chả, làm xíu mại, chiên trứng, nấu cơm, làm mỡ hành, tầm 4 giờ chị dọn, tới khoảng hừng sáng 6h là có khách, chị bán tới 7h là hết sườn nướng còn sườn ram, 9h là chị dẹp. Cũng không nhắm bao nhiêu ký gạo hay bao nhiêu phần, chị bán tới hết thịt thì chị về còn dư cơm thì mang về nhà ăn", chị Phượng kể.
Nhìn miếng sườn có màu cánh gián, bóng mướt xem có ngon chưa kìa.
Dĩa cơm tấm 25 nghìn với phần đồ ăn "chất lượng" chế biến từ 2 giờ sáng
Nhắc về cơm tấm ở Sài Gòn, chị Phượng không dám so sánh với những quán ăn có thương hiệu. Chỉ đon đả mời khách: "25 nghìn/ phần, cơm thêm thấy ai khổ quá không lấy tiền" là quán đã chiếm được thiện cảm của hầu hết khách lạ mới ghé lần đầu!
"Ngày xưa má chị bán cho dân lao động có 10, 15, 20 ngàn/phần à, ăn nhiêu bán nhiêu, giờ đồ lên quá, cũng thêm tiền chút đỉnh 20, 25 nghìn/phần".
Món ăn của chị Phượng khá bình dân, nên với người dân trong khu vực này nó như một cái gì đó rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày và không thể thiếu.
So với mặt bằng chung của cơm tấm Sài Gòn, ngày nay các tiệm cơm bán dưới 30 nghìn là không nhiều, giá 25 nghìn/ phần là tương đối bình dân.
"Kệ bán cho người lao động mình lời ít một chút cũng được, người ta có cái ăn", chị Phượng tiếp lời.
Cơm tấm chị Phượng với đầy đủ từ sườn nướng, chả, trứng chiên, thịt kho tàu, xíu mại,... Nếu khách gọi cơm sườn bì chả giá sẽ là 25 nghìn đồng, khi khách gọi thêm đồ ăn như trứng kho, trứng chiên thì giá mới thay đổi từ 5 nghìn đồng/món.
Ngoài giá bình dân thì sườn cũng chính là thứ khiến cơm tấm chị Phượng hút khách, thịt được ướp từ đêm và bắt đầu nướng từ 2 giờ sáng. Riêng các món ăn kèm như trứng, xíu mại, chả, thịt kho theo chị Phượng đều được làm 2 giờ sáng chứ không để qua đêm. Chính vì vậy mà hương vị của nó cũng tươi và nóng hổi hơn bao giờ hết, đây cũng chính là điều mà ít quán ăn ở Sài Gòn làm. Bởi vì bán với số lượng lớn và khách đông, buộc hầu hết các chủ quán phải sơ chế đồ ăn từ đêm hôm trước cho ngấm gia vị.
Đơn cử như miếng sườn hay bì chỗ chị Phượng, hầu hết khách đến ăn đều thích.Thịt sườn được ướp vừa phải, miếng sườn nướng to được cắt nhỏ, bì cũng mới toanh, tơi không bị ướt cực hấp dẫn khi kết hợp cùng mỡ hành có tốp mỡ chan bên trên.
"Chị bán cái này không lời nhiều, có người còn mua thiếu, chủ yếu bán cho bà con trong hẻm, dân lao động nào giờ người ta biết má chị, chị thì mới bán 2 năm thôi nhưng cũng nhờ má làm ngon má chỉ lại cách làm nên người ta nhớ".