Hàng chục nghìn người đang làm việc cho Uber và Grab tại Việt Nam cần quan tâm đến điều này
Tài xế chạy cho Grab hay Uber không có chế độ bảo hiểm như các hãng taxi truyền thống và 2 hãng mặc nhiên không có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi này cho người lao động vì chỉ coi họ là "đối tác".
Nguyễn Văn Công, 25 tuổi, sinh viên năm cuối của ĐH Mỏ - Địa chất đã tham gia chạy Grabbike được 3 tháng. Mỗi ngày chạy từ 5 đến 10 “cuốc”, cuối tháng, sau khi trừ hết chi phí, Công để dành ra được hơn 2 triệu đồng. Khoản tiền này cũng tương tự với Phạm Đức Thiện, 21 tuổi, lái xe được 5 tháng. Công hay Thiện ngoài khoản tiền nhận được sau mỗi cuốc xe đã trừ đi 15 - 25% thu phí nộp cho hãng công nghệ. Ngoài một vài khoản thưởng nhỏ vì chạy đúng thời gian, 2 tài xế nghiệp dư này không có gì thêm.
Anh Trần Văn An, một tài xế Uber ô tô cho hay, trong 4 tháng chạy xe, lượng khách và tổng thu nhập hàng ngày của anh có tăng lên nhưng mức phí đóng lại cho công ty khá cao. Sau khi trừ cả xăng xe, thu nhập cũng không cao. Trong khi đó, anh không có chế độ bảo hiểm như những tài xế của các hãng taxi khác.
Dù là thành viên trong một hệ thống công ty công nghệ lớn, nhưng những người này đều không có trong tay quyền lợi của người lao động. Họ được tính là người lao động tự do hay lao động phi chính thức. Tuy nhiên, nếu nhìn sang Uber, thì Công và Thiện vẫn may mắn hơn vì họ được Grab mua bảo hiểm tai nạn dân sự tự nguyện. Hiện trên thị trường đặt xe công nghệ, Grab là đơn vị duy nhất có mua gói bảo hiểm này cho đối tác tài xế và hành khách khi sử dụng GrabCar và GrabBike
Uber và Grab đã tạo ra hàng chục ngàn việc làm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hai công ty này chỉ coi lái xe là “đối tác” chứ không phải là “lao động” của mình. Do đó, họ mặc nhiên không phải có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho lao động. Trong khi đó, nếu là lái xe của các hãng truyền thống, những người này có trong tay hợp đồng lao động, họ được hưởng các quyền cơ bản. Hiện, doanh nghiệp đang phải đóng trung bình 24% tổng quỹ lương cho các nghĩa vụ trên.
Giải thích kỹ hơn về tỷ lệ 24%, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết mức đóng bảo hiểm (gồm: BHXH, BHYT, BHTN) theo Luật hiện hành là 32%, trong đó người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 22%, cộng thêm phí công đoàn 2% dẫn đến con số trên.
Cũng theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động làm việc ở doanh nghiệp với hợp đồng từ 3 tháng trở lên và đến 1/1/2018 thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, người lao động đóng 1 phần, phần còn lại là nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tuy nhiên, trong trường hợp giữa những lái xe của Uber, Grab và các công ty này không hình thành hợp đồng lao động, do đó, không hình thành nghĩa vụ. Những người lao động như Thiện, Công tạm xem là lao động tự do, phi chính thức.
Hiện chưa có đánh giá nào liên quan đến câu chuyện này. Tuy nhiên, trong tương lai, ông Quảng cho biết phải có những nghiên cứu để có phương cách quản lý một cách chính thức lực lượng này, đồng thời đảm bảo lợi quyền của họ khi có vấn đề, sự cố xảy ra. Bởi lẽ, với tốc độ như hiện nay đang có hàng chục ngàn lao động như vậy trên thị trường. Không ít trong số đó không coi công việc là tạm thời như Thiện mà đầu tư hẳn xe cộ, máy móc - trường hợp của nhiều tài xế tham gia ứng dụng GrabCar, xem đây là một công việc lâu dài.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng Uber và Grab trên thực tế là không xấu với những ưu điểm đã được chứng minh, tuy nhiên, nó phải hoạt động theo đúng pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, những chính sách của Việt Nam cũng phải nhanh chóng bắt kịp ở nhiều phương diện, ví dụ như là câu chuyện của người lao động, nếu không có thể xảy ra những điều đáng tiếc trong tương lai.