Hàn Quốc - đất nước ‘nát rượu’ nhất thế giới

17/11/2021 10:52 AM | Xã hội

Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng "nát rượu" của Euromonitor.

Theo báo cáo của Euromonitor, quốc gia tiêu thụ nhiều rượu nhất thế giới hiện nay không phải là Nga, Mỹ hay bất kỳ một quốc gia Phương Tây nào mà là Hàn Quốc.

Bình quân người dân xứ sở kim chi uống khoảng 13,7 cốc rượu mỗi tuần, thuộc hàng cao nhất thế giới. Người Nga chỉ đứng thứ 2 với 6,3 cốc còn người Mỹ chỉ đứng thứ 10 với 3,3 cốc.

Tại Châu Á, ngoài top 1 Hàn Quốc ra thì Philippines đứng thứ 3 với 5,4 cốc, Thái Lan thứ 4 với 4,5 cốc và Nhật Bản thứ 5 với 4,4 cốc, Trung Quốc đứng thứ 27 với 1,5 cốc/tuần. 

Hàn Quốc - đất nước ‘nát rượu’ nhất thế giới - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng của Euromonitor

Xin được nhắc lại là con số trên tính bình quân theo dân số chứ những người nghiện rượu tại từng quốc gia tiêu thụ lượng đồ uống có cồn nhiều hơn rất nhiều.

Tại Hàn Quốc, nghiên cứu của "Journal of Korean Medical Science" (JKMS) ước tính có khoảng 1,6 triệu người nghiện rượu nặng và các chuyên gia đánh giá nguyên nhân chủ yếu là do văn hóa nhậu nhẹt của nước này.

Báo cáo của JKMS cho biết bình quân hàng đêm, khoảng 6 triệu người Hàn Quốc nhậu nhẹt với 9,53 triệu chai bia và 8,97 chai rượu được tiêu thụ. Thậm chí Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng phải nhận định Hàn Quốc có tỷ lệ nghiện rượu cao nhất thế giới với 6,76% dân số bị phụ thuộc vào thức uống có cồn.

Văn hóa "nát rượu"

Với bất cứ ai quen thuộc với văn hóa Hàn Quốc, việc nhậu nhẹt uống rượu đã trở thành hình ảnh không thể thiếu và chẳng đáng ngạc nhiên gì.

Người Hàn uống rượu với đồng nghiệp để giao lưu, với đối tác để ký kết hợp đồng, với bạn bè hay người thân để giải stress. Văn hóa Hàn Quốc coi việc say xỉn là hành vi có thể tha thứ hơn so với nhiều quốc gia khác.

Bất kỳ ai làm việc tại Hàn Quốc cũng hiểu rằng lời mời rượu thường khó từ chối, nhất là những lời mời từ sếp hay đồng nghiệp lớn tuổi. Trong khi đó, ngay cả phụ nữ hay người lớn tuổi cũng thường xuyên uống rượu để giải sầu, xả stress hay đơn giản vì giao lưu.

Thậm chí giới trẻ thanh thiếu niên tại Hàn cũng ngày càng uống rượu nhiều hơn trong bối cảnh cơ hội kiếm việc làm thấp và khó mua nhà hoặc lấy vợ. Mặc dù luật quy định độ tuổi tối thiểu để nhậu là 19 nhưng chẳng có ai kiểm tra điều đó tại các nhà hàng.

Hàn Quốc - đất nước ‘nát rượu’ nhất thế giới - Ảnh 2.

Tồi tệ hơn, thay vì có các biện pháp hạn chế thì rượu bia tại Hàn Quốc lại khá rẻ. Loại rượu gạo Soju 20% nồng độ cồn có giá khoảng 3.000 Won/chai, tương đương 2,5 USD tại các nhà hàng hay quán bar. Nếu mua ngoài siêu thị hoặc những cửa hàng ăn đêm vỉa hè thì còn rẻ hơn nữa.

Nếu du khách đến Hàn Quốc, họ có thể tìm thấy Soju ở bất kỳ đâu, từ siêu thị, chợ cóc cho đến cả trong bệnh viện. Hình quảng cáo rượu Soju xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi với vô số người nổi tiếng cầm chai rượu mỉm cười.

Trên sóng truyền hình, chính phủ xét duyệt với cảnh hút thuốc hay đâm chém, bạo lực, tình dục... nhưng lại chẳng bao giờ cắt cảnh uống rượu. Thế rồi những cuộc tình bên bàn nhậu hay hình ảnh người nổi tiếng cầm chai rượu in sâu vào vô số tâm trí người hâm mộ, trở thành chuyện bình thường dù chúng có hại cho sức khoẻ.

Từ bàn nhậu đến nhà giam

Số liệu của Bộ y tế và phúc lợi xã hội Hàn Quốc (MHW) cho thấy rượu bia là nguyên nhân cho hơn 200 loại bệnh tật đang xuất hiện tại đất nước này, từ ung thư, xơ gan cho đến rối loạn thần kinh.

Các báo cáo của MHW cho thấy bình quân hàng năm, rượu bia khiến Hàn Quốc thiệt hại khoảng 21 tỷ USD. Tệ nạn nát rượu còn khiến nhiều bậc phụ huynh mất khả năng chăm lo con cái, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, giảm năng suất cùng vô số hệ lụy khác. Nếu tính riêng các vụ bạo lực và phạm pháp có liên quan đến đồ uống có cồn, Hàn Quốc sẽ phải thiệt hại thêm 7,9 tỷ USD/năm nữa.

Hàn Quốc - đất nước ‘nát rượu’ nhất thế giới - Ảnh 3.

Cảnh sát áp giải một người say rượu khỏi quán cà phê tại Seoul sau khi được chủ quán báo cáo

Trong khi đó, báo cáo của cảnh sát Hàn Quốc cho thấy rượu bia liên quan đến 76% vụ án nơi công cộng và khoảng 40% vụ bạo lực hàng năm tại nước này.

Thế nhưng chính phủ Hàn Quốc lại khá nhẹ tay với những kẻ nát rượu khi cho rằng họ có nhiều đặc quyền lúc say xỉn. Hình phạt nặng nhất cho những người say rượu vi phạm quy định nơi công cộng chỉ là giam qua đêm tại đồn cảnh sát với mức tiền phạt khá nhỏ.

Tồi tệ hơn, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ đang khiến ngày càng nhiều người Hàn uống rượu. Việc thống kê tỷ lệ người nát rượu là khá khó khăn do mọi người có thể dễ dàng mua Soju về nhà uống và cũng chẳng mấy ai thích thừa nhận mình hay say xỉn.

Rõ ràng, khi niềm tin đi xuống thì số người nát rượu đi lên và điều này đúng với cả những nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc.

*Nguồn: Quartz

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM